Mẫu robot "rồng bay" mới của các nhà khoa học ĐH Tokyo - Nguồn: YOUTUBE
Theo trang Daily Mail, sản phẩm này là của nhóm chuyên gia nghiên cứu robot thuộc ĐH Tokyo, Nhật Bản. Thiết kế của robot lấy ý tưởng từ hình ảnh một con rồng truyền thống phương Đông, mạnh mẽ nhưng cũng rất uyển chuyển.
Nhóm nghiên cứu cho biết hiện tại số lượng robot bay trên thế giới có nhiều nhưng loại bay trong không gian kín như trong nhà hay trong phòng lại khá ít vì bị hạn chế bởi không ít vật cản xung quanh.
Các nhà chế tạo robot trước đây thường đưa ra 2 giải pháp: thu nhỏ kích thước robot càng nhiều càng tốt hoặc làm khung bảo vệ cho robot nhưng cả 2 cách đều hạn chế khả năng hoạt động của chúng.
Robot mới DRAGON giải quyết được khó khăn này với công nghệ cho phép chúng tự động thay đổi hình dạng dựa trên khả năng cảm nhận môi trường xung quanh và khả năng ước tính khoảng không gian cần thiết để vượt qua những vật cản.
DRAGON có thể là bước tiến lịch sử cho ngành chế tạo robot bay trong không gian hẹp - Ảnh: ĐH Tokyo
DRAGON gồm 4 bộ phận chính, nối với nhau nhờ các khớp. Đồng thời mỗi bộ phận được trang bị hai cánh quạt hỗ trợ việc nâng đỡ robot. Những thiết kế mới này tạo nên sự linh hoạt và có sức mạnh khá lớn cho sản phẩm.
DRAGON hiện chạy bằng pin với thời gian bay trên không tối đa chỉ 3 phút. Tuy nhiên đây mới là mẫu thử nghiệm. Trong tương lai, các nhà thiết kế robot sẽ nghiên cứu ứng dụng năng lượng mới cho robot có thể hoạt động lâu hơn.
Ngoài ra, nhóm chuyên gia dự định tăng số bộ phận ghép nối lên thành 12 và 2 ngón tay kẹp ở 2 đầu giúp robot có thể thực hiện nhiệm vụ cầm nắm và di chuyển đồ đạc.
Theo các nhà khoa học thuộc ĐH Tokyo, mục tiêu cuối cùng của robot này là tạo ra một "người cứu hộ bay" có thể hoạt động ở những không gian nhỏ và nguy hiểm. DRAGON sẽ tìm kiếm người sống sót trong tòa nhà bị sập, dùng cánh tay di chuyển gạch đá cứu những người bị mắc kẹt, hoặc truy lùng những vật thể quan trọng đang thất lạc trong những nơi khó tiếp cận…
Trong tương lai nếu được ứng dụng rộng rãi, DRAGON đem đến nhiều thay đổi tích cực cho công tác cứu hộ trên toàn thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận