Sân bay và công ty mặt đất đều cho rằng quy định giám sát về hành lý ký gửi của hành khách diễn ra chặt chẽ, cá biệt những trường hợp trộm cắp chứ không thường xuyên.
Trộm vặt nhưng thiệt hại lớn
Thiệt hại lớn ở đây là lòng tin, là hình ảnh một sân bay quốc tế nhưng lại có chất lượng phục vụ làm hành khách bức xúc khi nạn trộm vặt cứ diễn ra.
Chị Quỳnh Vy (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết có những lần mất đồ trong vali thật khó hiểu. Gia đình chị Vy có người thân hằng năm về nước đón Tết.
"Cách đây hai năm, cô tôi nhận hành lý, nhưng mấy lon sữa bỗng dưng biến mất, vali có vết rạch móc", chị Vy nói và chẳng biết giải thích sao với người thân!
"Tại sao ở sân bay lớn nhưng bà con ở nước ngoài trở về lại phải than phiền về tình trạng mất đồ kỳ lạ như thế", chị Vy băn khoăn.
Bạn đọc Phạm Hòa phản ánh với Tuổi Trẻ chuyện "dở khóc dở cười" vì mất trộm. Ở Singapore, anh có mua một cái ví da mới và cất cái ví da hàng hiệu đang dùng vào trong vali có khóa. Về tới Việt Nam, vali đã bị bung khóa, cái ví da hàng hiệu dù là cũ đã không cánh mà bay.
Quy trình chặt chẽ vẫn lọt kẻ trộm
Trong quy trình vận chuyển hành lý ký gửi gồm các bước: khách làm thủ tục tại quầy, hành lý được soi chiếu an ninh và chuyển xuống đảo hành lý. Nhân viên sắp xếp sẽ phân loại hành lý cho vào thùng vận chuyển ra máy bay và đưa lên hầm hàng của máy bay. Trộm cắp có thể xảy ra ở hầm hàng máy bay và tại khu vực phân loại hàng hóa.
Một nhân viên an ninh soi chiếu sân bay Tân Sơn Nhất cho biết đối với nhân viên của hãng bay, dịch vụ buôn bán, nhân viên mặt đất... khi muốn ra vào khu vực hạn chế đều được soi chiếu, rà soát người lẫn hành lý.
Bên cạnh đó còn có quy định đồng phục nhân viên bốc xếp không may túi, trừ túi áo ngực may hở để chứng chỉ hành nghề hoặc thẻ kiểm soát an ninh. Trước khi ra vị trí phục vụ băng chuyền hành lý phải cất vật dụng cá nhân vào tủ cá nhân, không được mang theo trên người.
Quy trình là thế, nhưng nạn rạch hành lý để trộm và tẩu tán tài sản vẫn xảy ra bất chấp camera giám sát dày đặc tại khu làm việc. Cũng có thắc mắc vì sao kẻ trộm lại có thể "rạch đâu trúng đó", không loại trừ có khả năng móc nối để thực hiện hành vi xấu xí này.
Khách hợp tác sớm tìm ra kẻ trộm
Để phát hiện kẻ trộm cũng rất cần sự hợp tác của hành khách. Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Kim Ngân - phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội) - khẳng định khi nhận thông tin khách phản ảnh bị trộm hành lý, cảng cho truy xuất camera phát hiện thủ phạm và phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý.
Đây là nhân viên của công ty dịch vụ mặt đất làm việc lâu năm, biết có camera nên cố tình quay lưng, che chắn để thực hiện trộm cắp. Tuy nhiên do có gắn nhiều camera, bà Ngân khẳng định không có điểm mù để che giấu hành vi trộm cắp.
"Năm ngoái, ngành hàng không bỏ kiểm tra lại khâu nhận hành lý, vì thế cần phải giám sát chặt hơn, cảng đã tăng cường nhiều camera và hoạt động tốt. Sắp tới sẽ có những đánh giá cụ thể, tiếp tục tăng cường thêm", bà Ngân cho hay.
Lắp thêm camera được không?
Mới đây, năm nhân viên bốc dỡ hành lý của Công ty CP Phục vụ mặt đất Hà Nội (HGS) đã bị khởi tố do liên quan hành vi trộm cắp 500 euro và một bộ tai nghe không dây. Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, mới đây tại sân bay Tân Sơn Nhất, công ty mặt đất đã bắt quả tang một số nhân viên có hành vi trộm cắp và chuyển cơ quan chức năng xử lý.
Để ngăn chặn nạn trộm cắp ở sân bay, cũng có đề xuất lắp thêm camera ở nơi dễ xảy ra trộm cắp, truyền hình ảnh qua màn hình lắp ở băng chuyền hành lý cho hành khách giám sát. Tuy nhiên, một người có trách nhiệm ở sân bay cho rằng việc lắp thêm camera là cần thiết, còn lắp thêm màn hình để khách theo dõi thì cần phải tính toán.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận