Chúng tôi không biết địa chỉ nơi ở cũng như số điện thoại của em trai. Nay muốn làm tuyên bố mất tích được không?
Một bạn đọc hỏi.
- Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM) trả lời:
Theo điều 68 Bộ luật Dân sự 2015, một người có thể bị tòa án tuyên bố mất tích khi đáp ứng các điều kiện sau:
- Biệt tích 2 năm liền trở lên.
- Mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết.
- Có yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan.
Thời hạn 2 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó, nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng. Nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.
Lưu ý:
- Trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích xin ly hôn thì tòa án giải quyết cho ly hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
- Quyết định của tòa án tuyên bố một người mất tích phải được gửi cho UBND cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người bị tuyên bố mất tích để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
Người có quyền yêu cầu tuyên bố một người mất tích là người có quyền, lợi ích liên quan (căn cứ khoản 1, điều 68 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Theo đó, người có quyền, lợi ích liên quan đến một cá nhân khác có thể kể đến: người thân (cha mẹ, vợ chồng, con đẻ, con nuôi…) hoặc người có liên quan đến giao dịch với người bị tuyên bố mất tích (người cho vay tiền, người đi vay…).
Thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích:
Các điều 387, 388, 389 và 390 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích bao gồm:
- Đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích
+ Người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố một người mất tích theo quy định của Bộ luật Dân sự.
+ Kèm theo đơn yêu cầu, người yêu cầu phải gửi tài liệu, chứng cứ để chứng minh người bị yêu cầu tuyên bố mất tích đã biệt tích 2 năm liền trở lên mà không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hoặc đã chết và chứng minh cho việc người yêu cầu đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo tìm kiếm. Trường hợp trước đó đã có quyết định của tòa án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú thì phải có bản sao quyết định đó.
- Chuẩn bị xét đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích.
+ Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích, tòa án ra quyết định thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích.
+ Nội dung thông báo và việc công bố thông báo được thực hiện theo quy định tại điều 384 và điều 385 Bộ luật Dân sự 2015. Thời hạn thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích là 4 tháng kể từ ngày đăng, phát thông báo lần đầu tiên.
+ Trong thời hạn thông báo, nếu người bị yêu cầu tuyên bố mất tích trở về và yêu cầu tòa án đình chỉ việc xét đơn yêu cầu thì tòa án ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích.
+ Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn thông báo quy định tại khoản 2, điều 388 Bộ luật Dân sự 2015, tòa án phải mở phiên họp xét đơn yêu cầu.
- Quyết định tuyên bố một người mất tích
Trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu thì tòa án ra quyết định tuyên bố một người mất tích. Trường hợp có yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích đó và được chấp nhận thì trong quyết định tuyên bố một người mất tích, tòa án còn phải quyết định áp dụng biện pháp quản lý tài sản của người đó theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ tuvanphapluat@tuoitre.com.vn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận