
Hội thảo công bố báo cáo quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch đầu tiên giai đoạn 2021 - 2024 tổ chức ngày 25-4 tại Hà Nội - Ảnh UNFPAN
Thông tin này được chia sẻ tại hội thảo công bố báo cáo quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch đầu tiên giai đoạn 2021 - 2024 được tổ chức tại Hà Nội ngày 25-4. Báo cáo này do Cục Thống kê xây dựng trên cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, với sự hỗ trợ hiệu quả của Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Tổ chức Y tế công cộng toàn cầu.
Tỉ số giới tính khi sinh vẫn cao
Theo báo cáo này, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong đăng ký khai sinh, trong đó tỉ lệ khai sinh đúng hạn (trong vòng 60 ngày tính từ lúc sinh) tăng đều qua từng năm và đạt 84,9% vào năm 2024. Tuy nhiên tình trạng đăng ký khai sinh muộn vẫn còn phổ biến ở một số nhóm dân tộc thiểu số, lên tới 56%.
Báo cáo cũng đưa ra các phát hiện quan trọng về xu hướng sinh, tử và kết hôn. Tổng tỉ suất sinh đang giảm và thấp hơn mức sinh thay thế là 2,1 con/phụ nữ. Trong khi đó, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn còn tồn tại và kéo dài trong nhiều năm, vượt xa mức cân bằng là 104 - 106 bé trai/100 bé gái.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Mai, phó trưởng ban thống kê dân số và lao động cho biết trong giai đoạn 2021-2024, tỉ số giới tính khi sinh ở nước ta ở mức 109,8 bé trai/100 bé gái. Riêng năm 2024, tỉ số này 110,7 bé trai/100 bé gái.
Trong đó, tỉ số giới tính khi sinh ở mức cao diễn ra phổ biến ở một số tỉnh, thành thuộc khu vực phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Dương, Sơn La, Lạng Sơn, Phú Thọ... Thậm chí, có địa phương ghi nhận tỉ số giới tính khi sinh ở mức gần 120 bé trai/100 bé gái.
Đối với các tỉnh, thành khu vực phía Nam, tỉ số giới tính khi sinh ở mức từ 105-108 bé trai/100 bé gái.
Dữ liệu quan trọng để phát triển chính sách dân số
Ông Matt Jackson, trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam, chia sẻ khi thu thập được chính xác, dữ liệu sẽ giúp chúng ta hiểu được chính sách nào đang phát huy hiệu quả, ai còn đang bị bỏ sót và chúng ta cần làm gì để xây dựng một hệ thống dữ liệu bao trùm hơn cho tất cả mọi người. UNFPA cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực để đảm bảo rằng mỗi người đều được ghi nhận và mọi cuộc sống đều quan trọng.
Bà Đỗ Thị Ngọc, phó cục trưởng, Cục Thống kê, Bộ Tài chính nhấn mạnh, lần đầu tiên, chúng ta có thể sử dụng dữ liệu hộ tịch hoàn chỉnh và cập nhật để thực hiện phân tích thống kê sinh, tử và kết hôn trên phạm vi cả nước. Đây là một dấu mốc rất quan trọng.
"Trong thời gian tới, nâng cao tính kịp thời và độ chính xác của dữ liệu sẽ là yếu tố then chốt để mọi người đều được phản ánh trong hệ thống dữ liệu, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau", đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Theo khuyến nghị của báo cáo, trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục đầu tư nâng cấp công nghệ cho hệ thống đăng ký hộ tịch điện tử quốc gia, tăng cường tập huấn cho cán bộ đăng ký cơ sở và đẩy mạnh tiếp cận tới các nhóm yếu thế. Việc tích hợp sâu hơn với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân số, y tế và giáo dục cũng là điều cần thiết để phát huy tối đa lợi ích của dữ liệu hộ tịch.
Khi Việt Nam đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số và chuẩn bị cho những thay đổi dân số trong tương lai, hệ thống đăng ký hộ tịch và thống kê dân số sẽ tiếp tục đóng vai trò nền tảng cho một nền quản trị hiệu quả, đảm bảo quyền con người và phát triển toàn diện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận