Nỗi buồn nhớ biển của ngư dân xã Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh |
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói: “Mấy tháng qua, cụm từ Formosa được nhắc đi nhắc lại gắn với sự cố môi trường. Những người có lòng yêu nước, quan tâm đến vận mệnh quốc gia ăn không ngon ngủ không yên. Cử tri họ gặp tôi kiến nghị Quốc hội phải có hành động. Nhưng tôi tìm mãi không thấy cụm từ môi trường trong chương trình giám sát của Quốc hội”.
Những lời gan ruột ấy được đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) thốt lên ở Quốc hội sáng 25-7. Không chỉ ông, nhiều đại biểu Quốc hội đã dành những lời phát biểu đầu tiên của mình tại Quốc hội để nói về sự cố môi trường do Formosa gây ra.
Quốc hội nhập cuộc sẽ có thêm sức mạnh
Ông Nghĩa nói ông biết Chính phủ đã vào cuộc vụ Formosa rất quyết liệt, đạt được kết quả ban đầu được nhân dân rất hoan nghênh. Nhưng nghị quyết 12 của Đảng cũng nói là các cơ quan quyền lực nhà nước có sự phân công phối hợp.
Chính phủ làm việc của Chính phủ, còn Quốc hội cứ làm việc của Quốc hội. Sự nhập cuộc của Quốc hội sẽ tiếp thêm sức mạnh, không có vấn đề gì vướng mắc.
“Cử tri cũng đặt câu hỏi vì sao cho đến nay chưa thấy đại biểu Quốc hội các tỉnh miền Trung và các ủy ban của Quốc hội có ý kiến gì cả, chí ít là có thông tin, chí ít là có ý kiến dự kiến sẽ làm gì?” - đại biểu Trương Trọng Nghĩa băn khoăn.
Ông Trương Trọng Nghĩa đề nghị phải có ngay một cuộc giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách pháp luật đầu tư trong nước và nước ngoài liên quan đến bảo vệ môi trường.
“Giám sát ở đâu? Ở ngay Formosa chứ không đâu xa cả” - ông khẳng định, đồng thời cho rằng thực hiện việc giám sát với Formosa lúc này sẽ có thuận lợi khi Formosa chưa đi vào sản xuất, xem xét và kịp thời ngăn chặn các hành vi sai trái ngay từ đầu sẽ thuận lợi.
“Nếu chúng ta điều chỉnh kịp thời sẽ đáp ứng được nguyện vọng tâm tư của cử tri, cán bộ chiến sĩ, nông dân, công nhân... của tất cả những người yêu nước” - đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc Hội khóa XIV - Ảnh: Tự Trung |
Ủy ban lâm thời về Formosa: phải lập ngay!
Suy nghĩ của đại biểu Trương Trọng Nghĩa được nhiều đại biểu chia sẻ. Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nói: “Quốc hội phải có ngay giám sát chuyên đề về môi trường với Formosa”. Ông Tám cho rằng quyền được sống trong môi trường trong lành đang bị đe dọa và việc giám sát chặt chẽ của Quốc hội sẽ góp phần đảm bảo môi trường sống tốt hơn cho người dân.
Riêng đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) cho biết có gần 30 đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị phải có giám sát về môi trường. Sự cố về môi trường xảy ra không chỉ ở Formosa mà ở sông Bưởi của Thanh Hóa, heo chết thả trôi sông đầu nguồn sông Sài Gòn...
Cử tri lên tiếng, đại biểu kiến nghị thì Quốc hội không thể đứng ngoài cuộc.
Đề cập một cách sâu xa hơn, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) đúc kết: “Nói như các cụ ta nói là “đất có thổ công sông có hà bá”, tức là quản lý rất chặt, đủ hết. Nhưng tại sao vẫn xảy ra rất nhiều chuyện để dân ai oán. Nếu chúng ta có một bộ máy nhà nước trong sạch, liêm chính thì chắc chắn sẽ không xảy ra những chuyện như vậy” - ông Phương nói.
Thảo luận một chủ đề không có từ “Formosa”, không có từ “môi trường” nhưng rồi gần như các ý kiến sau khúc dạo đầu lại đều lần lượt quay về chủ đề nóng nhất. Đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương) nhắc lại đề xuất trước đó với báo chí của ông Trương Trọng Nghĩa: “Cần có ngay một ủy ban lâm thời giám sát dự án Formosa!”.
Ông Kim nói ủy ban lâm thời này sẽ giám sát cả đầu tư và cả môi trường. Ông Vũ Trọng Kim cho rằng không thể đơn giản hóa sự việc vì đây là sự quan tâm của nhân dân một cách rộng rãi, đặc biệt đại biểu Quốc hội chúng ta ai cũng quan tâm.
Cảnh báo rộng hơn, ông Vũ Trọng Kim cho rằng Formosa không chỉ là vấn đề môi trường mà còn là vấn đề kinh tế, bởi giá thép so với năm 2008 xuống ghê gớm, hiệu quả kinh tế chưa ai dám chắc.
“Trong khi đó từ biển lên rừng chỉ có 50 cây số, sự nhạy cảm của các tỉnh miền Trung ở khu vực này không đơn giản...” - đại biểu Vũ Trọng Kim nói. Ông tiếp lời rằng ông nêu vấn đề này tại Quốc hội là với tinh thần vì sự nghiệp bảo vệ môi trường, vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xin đề nghị Quốc hội xem xét ý kiến mà ông vừa nêu.
Ông Võ Kim Cự được phê chuẩn làm thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Thông tin này được ông Trần Văn Túy - trưởng Ban Công tác đại biểu - cho biết trong báo cáo về kết quả nhân sự phó chủ nhiệm, ủy viên các ủy ban và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. Cụ thể, ông Võ Kim Cự - chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam - đã được phê chuẩn làm thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIV. Đây là chức danh kiêm nhiệm, bên cạnh chức danh chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam mà ông Võ Kim Cự đang đảm nhiệm. Việc phê chuẩn chức danh này của ông Võ Kim Cự được tiến hành vào ngày 22-7 tại phiên họp thứ nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV về việc phê chuẩn các chức danh, thành viên Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội. Ông Võ Kim Cự nguyên là bí thư, chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, người đang sống trong tâm bão dư luận suốt nhiều tháng qua vì được cho rằng có trách nhiệm trong việc kéo dài thời gian cấp phép đầu tư cho Formosa Hà Tĩnh. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận