Những người Mỹ biểu tình chống lại quyết định của FCC vào hôm 28-11 ở TP Los Angeles, bang California - Ảnh: REUTERS
Chính quyền ủng hộ những nỗ lực của FCC, đồng thời Nhà Trắng vẫn và sẽ luôn ủng hộ Internet tự do và công bằng
Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders
Hôm thứ năm (14-12), Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (FCC) - cơ quan chuyên "tuýt còi" trong lĩnh vực truyền thông - đã chính thức bỏ phiếu thông qua việc bãi bỏ các quy định về tính trung lập của Internet được đưa ra dưới thời tổng thống Barack Obama.
Tỉ lệ là 3 thuận/2 chống. Kết quả này không nằm ngoài dự đoán và các quy định như vậy đã bị bãi bỏ sau hai năm áp dụng. Đây được coi là chiến thắng lớn của các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Mỹ, bởi từ nay họ có thể đặt quyền ưu tiên cho các nội dung khác nhau chạy trên Internet theo hướng mà họ thấy "phù hợp".
Không ai chịu ai
Phía FCC, đại diện là chủ tịch Ajit Pai, lý giải quyết định của mình: nó sẽ chấm dứt những quy định không cần thiết và giúp thêm nhiều người Mỹ tiếp cận được Internet. Kế hoạch này sẽ cho các nhà cung cấp dịch vụ Internet lớn quyền chặn/làm chậm lại các ứng dụng, dịch vụ xài dung lượng lớn mà chỉ trả ít tiền (như Netflix, YouTube) và cung cấp kết nối Internet nhanh hơn cho các công ty sẵn lòng trả thêm tiền.
Trước lo ngại của nhiều người về việc quy định này sẽ khiến Internet không còn tự do nữa, ông Pai giải thích: "Trước năm 2015, khi những quy định về trung lập Internet chưa được áp dụng, chúng ta đã có Internet tự do và rộng mở. Vì vậy, không có lý do gì mà bây giờ việc bãi bỏ các quy định này lại khiến Internet mất tự do".
Ông Ajit Pai - cựu cố vấn Công ty dịch vụ mạng Verizon và vốn là người cực kỳ chống lại chính sách "trung lập cho Internet" - đã được Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm vào vị trí này không phải vô cớ. Tổng thống Trump vẫn xem chính sách áp dụng dưới thời ông Obama là sự bất công cho các công ty viễn thông lớn và làm cản trở việc đầu tư, phát minh trong lĩnh vực này.
Ông Ajit Pai - Chủ tịch Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (FCC) - Ảnh: REUTERS
Nói nôm na là các nhà mạng lớn ở Mỹ sẽ có quyền tổ chức lại nguồn dung lượng của mình và đây chính là điều bị lo ngại về tính cạnh tranh. Theo đó, người dân sắp tới sẽ phải xài mạng theo kiểu mua dịch vụ cáp truyền hình. Và đây cũng chính là điều nhiều người cho rằng làm mất quyền tiếp cận Internet của người nghèo.
Ông Tim Berners-Lee, kỹ sư người Anh và là người sáng tạo World Wide Web, cũng lên tiếng phản đối sự thay đổi chính sách này của FCC. Ông cho biết với quyết định của FCC, các ISP sẽ có quyền quyết định việc người dùng có thể truy cập website nào và tốc độ truy cập mỗi website này là bao nhiêu. Nói cách khác, họ có thể quyết định công ty nào thành công trên mạng, những tiếng nói nào được lắng nghe và tiếng nói nào bị dập tắt.
Cuộc chiến pháp lý dài hơi sắp bắt đầu rồi đây
Đại diện Hãng Netflix viết trên Twitter
Lại lôi nhau ra tòa
Và cũng không nằm ngoài dự đoán, nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cho biết sẽ đệ đơn lên tòa án. Trong khi quyết định trên còn chờ phán quyết từ hai viện Quốc hội Mỹ, đã có khoảng 15 bang ở Mỹ, do bang New York dẫn dắt, tuyên bố sẽ đưa FCC ra tòa - tương tự với lệnh hạn chế nhập cư người Hồi giáo trước đây.
"FCC đã tặng cho các gã khổng lồ công nghệ món quà Giáng sinh sớm" - tổng chưởng lý bang New York Eric Schneiderman bình luận. Ông cho rằng quyết định trên sẽ ngăn cản người dùng tiếp cận Internet và các trang thông tin được thoải mái, bởi từ giờ phải trả nhiều tiền mới được xem ngon lành.
Ông cho biết sẽ cùng các bang khác tấn công tính hợp pháp về quyết định của FCC. Kế đến, ông sẽ yêu cầu điều tra về 2 triệu ý kiến thuận tình trên trang web của FCC bởi theo ông, đó là những ý kiến giả lấy từ những vụ ăn cắp thông tin cá nhân trên mạng. Và sau cùng, các bang có thể vận dụng quyền hạn của mình để không áp dụng theo quyết định của FCC.
Hiện tại, nhiều nghị sĩ Dân chủ và một số nghị sĩ Cộng hòa đã lên tiếng phản đối quyết định của FCC. Đã có nghị sĩ đề xuất bỏ phiếu ngăn cản quyết định trên nhưng Quốc hội chỉ có hai tháng để lo việc này, trong khi phải cần đến đa số hơn 2/3 ý kiến thuận để bẻ gãy quyết định của FCC.
Vấn đề trung lập Internet có thể sẽ được đề cập trở lại vào năm tới, nhân kỳ bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ. Dĩ nhiên, người Mỹ rất hiểu rằng cần phải chỉnh sửa các luật về viễn thông của mình vốn ban hành từ năm 1934 và chỉnh sửa vào năm 1990.
Tính trung lập Internet là nguyên tắc mà theo đó các nhà cung cấp dịch vụ Internet và chính phủ phải đối xử với tất cả các loại dữ liệu trên mạng bình đẳng, không phân biệt theo người dùng, nội dung, trang web hay nền tảng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận