17/05/2018 10:40 GMT+7

Mạng máy tính và truyền thông - ngành 'hot' chờ bạn trẻ

PHƯƠNG NGUYỄN
PHƯƠNG NGUYỄN

TTO - Hiện nay các ngân hàng có nhu cầu nhân lực ngành Mạng máy tính và truyền thông lớn nhất. Ngành giáo dục, y tế, xây dựng... cũng cần một đội ngũ nhân lực lớn để đảm bảo hệ thống hạ tầng chạy thông suốt.

Mạng máy tính và truyền thông - ngành hot chờ bạn trẻ - Ảnh 1.

Sinh viên ngành Mạng máy tính và truyền thông của Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG TP.HCM) - Ảnh: Phương Nguyễn

Cuộc cách mạng khoa học công nghiệp 4.0 với hạt nhân cốt lõi là Internet của vạn vật (Internet of Things) và điện toán đám mây (Cloud Computing) đang phát triển mạnh thúc đẩy nhu cầu nhân lực về ngành Mạng máy tính và truyền thông.

Ngành Mạng máy tính và truyền thông là một ngành phù hợp cho những bạn ham thích khám phá công nghệ, giao tiếp với nhiều người trên khắp hành tinh mà chỉ cần thông qua chiếc máy tính có kết nối mạng. 

Đồng thời, với những hiểu biết về mạng máy tính, các bạn có thể xây dựng được cho mình một không gian chuyên môn của mình trên Internet.

Đạo đức đặt lên hàng đầu

Hiện tại, trong xu thế chung của ĐHQG TP.HCM, Trường ĐH Công nghệ thông tin đào tạo sinh viên theo phương thức nhấn mạnh vào ba khía cạnh: kiến thức - kỹ năng - thái độ, chứ không chỉ tập trung vào kiến thức - kỹ năng. 

"Vì các nhà tuyển dụng đánh giá thái độ vào khoảng 60%, thậm chí 70% so với kiến thức" - tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, trưởng khoa Mạng máy tính và truyền thông, Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG TP.HCM), giải thích.

Khoa Mạng máy tính và truyền thông có đặc thù về đào tạo: sinh viên sẽ nắm rõ được kiến thức về hạ tầng mạng, các cách thức về giao tiếp trên mạng và những kiến thức về an toàn thông tin. 

Những kiến thức đó góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống mạng, đồng thời sinh viên có kiến thức về an toàn thông tin nên có kỹ năng về hacking, về phòng chống tấn công, kỹ năng tấn công, phát hiện mã độc và virus, cách viết virus.

"Làm ngành này sinh viên có những kỹ năng đào sâu vào hệ thống, có khả năng hack vào những hệ thống đơn giản, có thể nghe lén hoặc đọc trộm thông tin của người khác. Cho nên khoa nhấn mạnh đạo đức nghề nghiệp phải đưa lên hàng đầu, câu slogan của khoa là "Đạo đức và trí tuệ". Về trí tuệ, sinh viên phải học tập suốt đời. Kiến thức, kỹ năng sinh viên học 4, 5 năm không đủ" - thầy Tuấn nói.

Chương trình đào tạo đặc biệt chú trọng những kỹ năng thực hành giúp sinh viên ra trường làm việc được ngay. Khoa cũng có kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp để sinh viên đi thực tập ít nhất hai tháng tại doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, khuôn viên trường được trang bị hệ thống mạng cùng những thiết bị điện tử hiện đại để sinh viên có thể cập nhật những công nghệ mới nhất. Trong giảng dạy, giáo viên đăng tài liệu lên mạng, sinh viên tải về làm và nộp bài trực tuyến từ đồ án đến bài tập nhỏ.

Mạng máy tính và truyền thông - ngành hot chờ bạn trẻ - Ảnh 2.

Một dự án nhà thông minh của khoa Mạng máy tính và truyền thông của Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG TP.HCM) - Ảnh: Phương Nguyễn

Nhu cầu nhân lực cao

Hiện nay, ngân hàng là một thị trường tiêu thụ nhiều nhân lực ngành Mạng máy tính và truyền thông nhất. Sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường đều được các ngân hàng mong muốn tuyển về. Vì hệ thống công nghệ thông tin của các ngân hàng rất lớn, cần có những chuyên viên mạng cấu hình từng ngày và bảo đảm an toàn thông tin. 

Những ngân hàng sinh sau đẻ muộn thường không chú trọng phát triển chi nhánh vật lý nữa. Thay vào đó, họ đẩy mạnh phần online banking để tiếp cận được lượng khách hàng lớn hơn và giảm chi phí thuê nhân công.

Các ngành khác, từ giáo dục, y tế đến kinh tế, xây dựng... cũng đều rất cần một đội ngũ nhân lực lớn để đảm bảo hệ thống hạ tầng chạy thông suốt, đảm bảo những thông tin chạy trên đó không bị xóa sửa, ăn cắp hay thay đổi.

Theo thống kê khảo sát sinh viên của khoa Mạng máy tính và truyền thông, Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG TP.HCM), sinh viên tốt nghiệp thường làm kỹ sư mạng, hệ thống thông tin ngân hàng, hay những công ty bảo mật. Một phần nhỏ sinh viên tốt nghiệp học lên thạc sĩ, tiến sĩ để quay lại giảng dạy trong các trường đại học. Một số khác thì theo con đường khởi nghiệp.

"Hơn 50% sinh viên làm bên lĩnh vực phát triển phần mềm. Các bạn đó có lợi thế lớn là hiểu về cấu trúc hạ tầng mạng, về các giao thức... 

Không có một phần mềm nào chạy đơn lẻ trên máy tính hết, nó phải có kết nối mạng, vì vậy những sinh viên ngành mạng có kiến thức cứng về hạ tầng, khi làm phát triển phần mềm sẽ dễ dàng phát hiện ra lỗi hoặc tối ưu hóa chương trình chạy ổn định hơn" - ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Theo thạc sĩ Phùng Quán, trưởng phòng Thông tin - truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), để theo đuổi ngành học này, đầu tiên sinh viên phải có đam mê nghiên cứu về mạng. Tiếp nữa, người học phải chịu được áp lực công việc, kiên trì chịu đựng và sáng tạo. "Với ngành này, các bạn luôn phải đối mặt với deadline liên tục" - ông Quán nhấn mạnh.

Ông Quán cũng nói thêm: "Ngoài ra, người học phải có tư duy logic, tư duy toán học, có khả năng phân tích, nhạy bén và hứng thú với các công nghệ mới. Một điều quan trọng nữa là ngoại ngữ, các ngôn ngữ lập trình, tài liệu chuyên ngành, tham khảo đều viết bằng tiếng Anh.

Nếu tiếng Anh các bạn không tốt thì các bạn sẽ khó tiếp cận được. Sau này, làm lĩnh vực công nghệ thông tin bạn sẽ phải thường xuyên làm việc, di chuyển trong cộng đồng ASEAN, cũng như các nước khác".

Nguyễn Thanh Hòa, cựu sinh viên ngành Mạng máy tính và truyền thông Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG TP.HCM), cho biết: "Bên cạnh việc chăm chỉ, siêng năng học tập, nghe giảng và thực hành, người học ngành này phải có tinh thần tự học, không ngừng phát triển bản thân. Công nghệ thay đổi liên tục nên bạn phải liên tục làm mới mình".

Điện tử - viễn thông "khát" nữ kỹ sư Điện tử - viễn thông 'khát' nữ kỹ sư

TTO - Ngành Điện tử - viễn thông mở ra cơ hội sáng tạo cho các kỹ sư, đặc biệt kỹ sư nữ với bản tính tỉ mỉ, cẩn thận hơn nam giới.

PHƯƠNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên