28/12/2019 12:11 GMT+7

Mang công nghệ trồng hoa ly về nước

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Anh Phạm Văn Thương (30 tuổi, quê ở xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) là 1 trong số 34 gương thanh niên nông thôn vừa nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2019 do Trung ương Đoàn trao tặng.

Mang công nghệ trồng hoa ly về nước - Ảnh 1.

Phạm Văn Thương (thứ ba từ phải qua) cùng các gương thanh niên nông thôn nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2019 - Ảnh: DƯƠNG TRIỀU

Ngày còn đôi mươi, anh Thương tìm đường đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc với đơn hàng làm nông nghiệp. May mắn nhờ chuyến đi đó, anh học hỏi được công nghệ làm hoa ly của nước bạn và quyết định quay về nước khởi nghiệp từ hoa ly.

Từ đảo Jeju, Hàn Quốc đến Nhật Bản

Sang Hàn Quốc lao động, ngoài 8 tiếng làm việc chính, anh Thương còn xin làm thuê cho một ông chủ chuyên trồng hoa ly xuất khẩu sang Nhật Bản. 

"Lúc đó chỉ nghĩ đến làm sao kiếm được nhiều tiền chứ có nghĩ đến sức khỏe đâu, kiếm được nhiều tiền là mình ham, mình làm. May mắn gặp được ông chủ tốt tính, sống tình cảm, mình nói chuyện với ông chủ về hoàn cảnh gia đình, khó khăn ra sao. 

Mình cũng nói đi nước ngoài về có vài trăm triệu đồng nhưng không có công ăn việc làm ổn định và xin được học hỏi công nghệ làm hoa ly" - anh Thương nhớ lại. 

Anh kể cũng thời điểm đó ở Việt Nam đang thịnh trồng hoa ly, chàng thanh niên Bắc Giang kiên trì theo học với quyết tâm về nước khởi nghiệp với giống hoa này.

Anh kể được học với người Hàn Quốc từ "A-Z", học từ lúc ươm cây, chăm sóc đến đóng hoa xuất khẩu, nhưng quan trọng nhất phải kể đến là khâu xử lý để xuất khẩu hoa ly sang Nhật. 

Được ông chủ người Hàn Quốc tin tưởng nên hễ có lô hàng hoa ly xuất khẩu là anh được công ty gửi đi cùng để học hỏi. Tính ra mỗi năm 2 lần, anh được công ty gửi sang Nhật Bản học hỏi quy trình xử lý, trực tiếp ký kết và giao hàng cho đối tác Nhật Bản.

Có 200 triệu đồng làm vốn "lận lưng" cùng với bí kíp làm hoa, năm 2016 anh Thương quyết định trở về nước bắt tay làm hoa ly với quyết tâm làm giàu từ trên mảnh đất quê hương mình.

Áp dụng quy trình kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc và công nghệ hiện đại cùng với trồng hoa trong nhà lưới, anh Thương gieo vụ hoa ly đầu tiên với diện tích 5.000m2, chỉ 2 năm sau đó diện tích đã mở rộng đến 20.000m2

Hiện nay ước tính mỗi năm anh Thương thu về 2 tỉ đồng, lợi nhuận 500 - 700 triệu đồng và giải quyết việc làm cho 15 - 20 lao động là thanh niên địa phương.

"Ăn, ngủ" cùng hoa

Hơn 2 năm qua, điều thành công nhất của chàng trai Bắc Giang này có lẽ là chưa thua lỗ bất kỳ một vụ hoa nào. 

Anh kể vụ thứ hai cũng có chút "trục trặc" nhưng nhỏ thôi vì thời tiết nóng quá, tuy nhiên nhờ áp dụng kỹ thuật, công nghệ trồng hoa bài bản nên hoa ly của anh vẫn phát triển bình thường dù nở không được đẹp như vụ trước. 

Để làm được điều này, bên cạnh học hỏi công nghệ làm hoa từ nước bạn, anh Thương "bật mí" phải nghe, tham khảo nhiều từ người đi trước ở nước mình và tìm đến các vùng đất như Đà Lạt, Đan Phượng (Hà Nội) để học hỏi kinh nghiệm làm hoa.

"Tôi về Việt Nam với quyết tâm làm hoa ly để xuất khẩu, tự nhủ phải học hỏi, cố gắng thật nhiều, kiếm được mối hàng xuất khẩu sang Nhật. Vợ tôi trêu "anh chăm hoa còn hơn chăm vợ con", mà đúng thế thật, lúc nào tôi cũng ở vườn hoa, thậm chí ăn, ngủ cùng hoa" - anh Thương giãi bày.

Mới đầu bắt tay với hoa ly tại quê nhà, khó nhất với anh là khắc phục khó khăn thời tiết. Lúc hoa ly cần nóng thì tiết trời lại lạnh và ngược lại, lúc cần lạnh thì thời tiết lại nóng. 

"Nóng quá tôi che lưới đen, lạnh quá tôi căng bạt, độ ẩm cao quá thì mở ra hong khô. Phải bám sát thời tiết, theo dõi thời tiết trong 3 - 4 ngày tới ra sao, đồng thời theo dõi mật độ phát triển của hoa để áp dụng theo" - anh Thương cho biết.

Nhưng khâu quan trọng nhất là làm sao giữ hoa tươi lâu trong quá trình vận chuyển đường biển từ nước mình sang Nhật Bản. 

Đó là bí kíp mà anh học hỏi được nhờ quá trình sang Hàn Quốc, Nhật Bản. Nhờ đó hoa ly xuất khẩu không bị héo, vẫn nở tươi dù quá trình vận chuyển mất nhiều thời gian.

Cũng nhờ quãng thời gian dài xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc và làm việc với đối tác Nhật Bản, anh Phạm Văn Thương tạo được sự tin tưởng và tìm kiếm các đối tác nhận đơn hàng xuất khẩu hoa.

Tính đến nay, anh Thương đã xuất khẩu được ba chuyến hàng sang Nhật Bản, lần thứ nhất xuất khẩu với số lượng 10.000 hoa ly, 2 lần tiếp đó mỗi lần 5.000 hoa ly.

Anh cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng kỹ thuật công nghệ cao trong trồng hoa để xuất khẩu hoa ly số lượng lớn, nhờ đó sẽ giải quyết được công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

'Chiến binh' trồng hoa lan trên sa mạc

TTO - Ở Lâm Đồng, nhưng Phan Thanh Sang lại có vườn ươm lan hồ điệp ở Ninh Thuận, sau đó đưa về Đà Lạt trồng để ra hoa.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên