Ông Mahathir Mohamad cầm văn bản có chữ ký của các đảng liên minh đề cử ông làm thủ tướng tại cuộc họp báo ngày 10-5 - Ảnh: Reuters
Khó có ai có thể nghĩ rằng liên minh cầm quyền Barisan Nasional (BN - Mặt trận quốc gia) của Thủ tướng Najib Razak đồng thời cũng là lãnh đạo Đảng UMNO, đã liên tục lãnh đạo Malaysia từ năm 1957, lại có thể bị đánh bại trong lần bầu cử thứ 14 này. Tại sao vậy?
Tự đánh mất ưu thế
Nhà bình luận chính trị Đông Nam Á Karim Raslan cho rằng chính bản thân BN đã tự đánh mất ưu thế của mình khi tạo ra nhiều nút thắt, khó khăn cho cử tri như việc chọn ngày bầu cử vào ngày trong tuần để làm hạn chế người dân đi bầu cử, đưa luật "chống tin giả" vào áp dụng ngay trước kỳ bầu cử với xu hướng đàn áp hơn là bảo vệ sự thật.
Hơn thế nữa, theo nhà báo này, đó chính là sự giận dữ của người dân với tình hình kinh tế đang ngày càng xấu đi, buộc họ phải chịu nhiều áp lực để giải quyết hơn đã khiến họ phải chọn cách thay đổi.
"Chúng tôi phải chịu nhiều áp lực trong cuộc sống khi vật giá leo thang, mọi thứ đều tăng. Con cái tôi luôn phàn nàn việc gia đình tụi nó đang ngày càng khó khăn hơn khi thu nhập không tăng" - ông Imran, 71 tuổi, sống ở Kuala Lumpur hơn 40 năm qua, chia sẻ với Tuổi Trẻ bên ngoài phòng bỏ phiếu ở trường học SK Taman Maluri, Kuala Lumpur.
Thế hệ ông đã nhìn thấy Malaysia đi lên, thịnh vượng, bản thân ông nhìn thấy tương lai xán lạn với nhiều kỳ vọng và ông đã thành công khi tích cóp mua được nhà và nuôi dạy con cái trưởng thành. Nhưng thế hệ con cháu của ông dường như không thể có cùng cảm hứng, thậm chí sẽ khó khăn hơn. "Đó là lý do chúng tôi muốn thay đổi" - ông Imran khẳng định.
Trong khi đó PH đã biết tập hợp và lái sự quan tâm của công chúng xung quanh những bê bối của BN, Thủ tướng Najib Razak và những hệ lụy liên quan đến chính sách kinh tế, thuế... Họ đã đánh đúng tâm lý này của đa số những người Malay, đặc biệt là giới trẻ (21-30 tuổi) chiếm đến 45% số cử tri toàn quốc.
Nhà báo Karim Raslan cho rằng nhiều cử tri không chấp nhận BN vì điều khá đơn giản: "Tại sao Đảng UMNO của ông Najib và các lãnh đạo của liên minh BN không có bất cứ động thái gì ngăn chặn các kế hoạch, hành động của ông Najib Razak mà thậm chí là dung dưỡng ông này để cuối cùng đẩy cả liên minh vào tình huống hiểm nghèo: mất sự ủng hộ của dân chúng".
Chờ 5 giờ để tuyên thệ nhậm chức
Ông Mahathir Mohamad chính thức trở thành thủ tướng thứ 7 của Malaysia, thay thế người tiền nhiệm Najib Razak, sau lễ tuyên thệ nhậm chức diễn ra lúc gần 21h ngày 10-5 (giờ Việt Nam), một ngày sau cuộc tổng tuyển cử.
Trước đó, ông Mahathir được cho là đã chờ đợi gần 5 giờ tại Cung điện hoàng gia Malaysia ở thủ đô Kuala Lumpur để yết kiến quốc vương Muhammad V, theo tờ Straits Times (Singapore). Quốc vương Malaysia là người đứng đầu nhà nước và nắm quyền phê chuẩn chức danh thủ tướng theo quy định tại hiến pháp nước này.
Trong thông cáo báo chí phát đi cùng ngày, hoàng gia Malaysia bác bỏ tin đồn quốc vương Muhammad V cố tình trì hoãn việc phê chuẩn ông Mahathir và khẳng định "ủng hộ mạnh mẽ và tôn trọng" kết quả bầu cử dân chủ cũng như nguyện vọng của nhân dân.
Ở tuổi 92, tân Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad là người đứng đầu chính phủ cao tuổi nhất thế giới ở thời điểm hiện tại. Ông Mahathir từng giữ chức thủ tướng Malaysia trong giai đoạn 1981-2003 trước khi nghỉ hưu. Ông là thủ tướng tại vị lâu nhất trong lịch sử Malaysia. (TUẤN SƠN)
Đánh thức người dân
PH và ông Mahathir, ngược lại, đã biết cách đánh thức sự quan tâm của công chúng bằng những cuộc vận động tranh cử quy mô lớn; lôi kéo, tập hợp cử tri bằng cách kết hợp nhuần nhuyễn các chiêu thức hiện đại: sử dụng mạng xã hội, livestream Facebook, chuyển tin tức, lời kêu gọi bằng phần mềm WhatsApp...
Họ lựa chọn và mời gọi các ứng cử viên trẻ có cá tính có khả năng thuyết phục bằng diễn thuyết như Syed Saddiq để "đấu" tại các chiến trường vốn là lợi thế, thành trì của chính BN và các đảng phái khác để cuối cùng giành chiến thắng.
Còn khá nhiều câu hỏi được đặt ra cho PH khi không biết họ sẽ liên kết thế nào với Đảng Warisan (bang Sabah) - đảng đã cùng chung tay với PH tạo nên chiến thắng trong kỳ bầu cử này, hay Đảng Hồi giáo PAS (chiếm nhiều ghế ở bang Kelantan, Terengganu và Kedah).
Liệu các đảng này có chịu ngồi lại chung với nhau, đặc biệt sau khi PAS đã tách ra khỏi liên minh PH... Liệu ông Mahathir sẽ chuyển giao quyền lực lại cho Anwar như ông đã từng hứa, chuyện gì sẽ xảy ra sau đó... là những câu hỏi mà nhiều người Malaysia vẫn còn đặt ra. Nhưng một thực tế không thể phủ nhận là Malaysia đã hoàn toàn thay đổi dường như chỉ sau một đêm thôi.
"Chúng tôi gần như không ngủ"
Bà Marina Mahathir - Ảnh: LÊ NAM
Bà Marina Mahathir, con gái lớn của ông Mahathir Mohamad, đã nói như thế khi trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ. Bà cho biết: "Đêm 9 và rạng sáng 10-5, toàn bộ thành viên gia đình và thành viên Đảng PH tập trung chờ kết quả chính thức từ Ủy ban bầu cử Malaysia. Trong phòng đã thiết kế sẵn rất nhiều màn hình để cập nhật liên tục tin tức của cuộc bầu cử. Cha tôi lúc nhận được kết quả cuối cùng rất bình tĩnh, ông vẫn thường thế, trong khi mọi người phấn khích, vỗ tay reo hò chúc mừng nhau... Chúng tôi ở lại đó khá trễ và gần như không ngủ cả đêm qua. Quá vui và thật khó diễn tả cảm xúc lúc đó của tất cả mọi người".
Bà Marina cũng thừa nhận một sự thật là cha mình đã 92 tuổi. "Nhưng ông ấy vẫn làm việc với lịch trình đáng nể để gặp gỡ hàng ngàn cử tri trong suốt 11 ngày vận động tranh cử. Mọi thứ trong cuộc vận động tranh cử này dường như chống lại ông già 92 tuổi nhưng sự thật là ông ấy vượt qua hết rất nhẹ nhàng" - bà chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận