06/05/2022 20:07 GMT+7

‘Ma trận’ chương trình ở các trường quốc tế

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Nhiều loại, nhiều kiểu, nhiều hình thức, các trường quốc tế đang hoạt động tại TP.HCM cung cấp vô số chương trình ‘Tây’, ‘Ta’, hoặc ‘Tây - Ta’ kết hợp.

‘Ma trận’ chương trình ở các trường quốc tế - Ảnh 1.

Học sinh phổ thông tại một trường quốc tế ở TP.HCM - Ảnh: TRỌNG NHÂN

"Quá trời" chương trình ngoại

Tú tài quốc tế IB Diploma, chứng chỉ IB Cerficate; chứng chỉ A-Level, chứng chỉ AS-Level (Vương quốc Anh); chương trình trung học quốc tế IGCSE; chứng chỉ tốt nghiệp THCS O-Level (Singapore)…

Đó là vài trong hàng loạt chương trình quốc tế đang được nhiều trường tư thục triển khai tại TP.HCM, chưa kể nhiều chương trình từ Đức, Pháp, Canada…

Riêng ở Úc, mỗi bang lại có một chương trình phổ thông riêng. WACE ở bang Tây Úc, SACE ở bang Nam Úc, HSC ở New South Wales, VCE ở bang Victoria…

Trong từng chương trình ở các bang lại có hệ lấy điểm ATAR để vào đại học, hệ học General để lấy chứng chỉ vào trường cao đẳng, trường nghề…

Nhìn vào "ma trận" này, một vị nguyên hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) cũng cho rằng hiện nay có quá nhiều chương trình quốc tế đang được dạy ở trong nước.

Có trường dạy các chương trình tú tài quốc tế - trong đó có loại toàn phần, loại bán phần… Có nơi dạy chương trình THPT nhưng kết hợp thêm một vài môn từ chương trình nước ngoài. Có nơi sáng dạy chương trình Việt, chiều luyện thi bài thi chuẩn hóa (SAT)...

"Nhưng không phải phụ huynh nào cũng biết rõ về các chương trình này. Nhiều người nghĩ chúng khá dễ, hễ học là được, là đậu", vị này nói.

Ngoài ra, không phải chương trình nào cũng được đại học ở các nước như Anh, Mỹ, Úc, Canada… chấp nhận xét tuyển. Chẳng hạn cùng một chương trình tú tài quốc tế IB nhưng hệ IB Diploma được công nhận rộng rãi, còn IB Certificate có phạm vi sử dụng rất hạn chế.

Có con đang học lớp 8 tại một trường quốc tế ở quận Bình Thạnh (TP.HCM), anh Võ Quốc Vương (52 tuổi, ngụ quận 1) thừa nhận trước đây anh cũng chưa hình dung hết được trường quốc tế là gì, chỉ đơn giản nghĩ học trường quốc tế con sẽ không cần đi học thêm mà được trải nghiệm nhiều. Hơn nữa, con được học trong môi trường toàn tiếng Anh.

Từ lớp 1 đến nay, con càng lên lớp lớn, anh mới dần ngộ ra nếu muốn con vô trường đại học "ngon lành" ở các nước phát triển, chuyện học không thể nhàn.

"Con tôi giờ cũng phải "cày bừa" rất nhiều để có chứng chỉ tiếng Anh đẹp, có bằng tốt nghiệp điểm cao để được nhận vô các trường hot như bác sĩ hay luật", ông Vương nói.

Phải biết học xong sẽ đi đâu

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, hiệu trưởng một trường quốc tế tại TP Thủ Đức cho rằng trước khi chọn một chương trình học có yếu tố quốc tế cho con, đặc biệt ở cấp phổ thông, trước hết phụ huynh cần biết định hướng trước sau khi học xong, con sẽ đi đâu, về đâu.

Cụ thể, học sinh muốn vào đại học top ở nước ngoài, đại học chất lượng "thường thường" hay vào cao đẳng. Nếu chọn ở trong nước, học sinh sẽ tiếp tục học các đại học quốc tế, học trường tư hay chuyển hướng về học đại học công lập.

Khi được các trường tư vấn, phụ huynh cần nêu thẳng nguyện vọng cho con sau lớp 12 để nhân viên tuyển sinh hướng dẫn kỹ xem nên chọn chương trình nào.

Phụ huynh nên chủ động ký cam kết với trường, rằng chương trình học của trường sẽ đáp ứng đúng nhu cầu học đại học, du học của các em.

Vị hiệu trưởng này ví dụ chương trình của trường bà không đảm bảo sau khi học xong 100% sẽ được nhận vào các trường đại học nước ngoài.

Thay vào đó, các giáo viên phụ trách tuyển sinh sẽ tìm hiểu nguyện vọng của từng em, tìm những đại học phù hợp và vạch ra những gì cần chuẩn bị để được trúng tuyển. Nếu phụ huynh có mong muốn xong cấp III sẽ được nhận luôn vào đại học nước ngoài, sẽ nên chọn chương trình ở một trường khác.

Bà cũng cho rằng nên có một bên thứ ba độc lập đánh giá. Qua đó, phụ huynh có thể tham khảo tính xác thực của từng chương trình có đúng với lộ trình mình đặt ra cho con hay không.

Rèn "nội lực" trước

Ông Hà Thanh Hoàng (47 tuổi, ngụ quận 12, TP.HCM), có con học trường quốc tế tại quận 10, cho rằng tìm hiểu về chương trình học chỉ là một trong rất nhiều thứ cần cân nhắc trước khi quyết định cho con theo học trường quốc tế.

Ngoài ra còn có các chứng nhận, kiểm định của trường, tài chính gia đình và đặc biệt năng lực học sinh.

"Không phải phụ huynh nào cũng chấp nhận chuyện năng lực của con mình, số đông đều nghĩ con mình giỏi, đủ khả năng. Trường hợp con tôi, tôi biết từ đầu cháu chỉ ở mức trung bình khá, nên dù học trường quốc tế nhưng tôi không theo chương trình nặng mà chỉ học đủ du học bậc cao đẳng là được", ông Hoàng nói.

Vị nguyên hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) cho rằng trước khi chọn bất kỳ một chương trình nào ở bậc phổ thông, dù là quốc tế hay nội địa, hay kết hợp cả hai, cũng cần xác định rằng nội lực là thứ quan trọng nhất. Bên cạnh kiến thức, hiểu biết, tiếng Anh giỏi cũng là thứ không thể thiếu.

"Trong nhiều năm qua, tôi vẫn thường tư vấn cho các phụ huynh rằng chương trình nào không quan trọng, quan trọng là các em phát huy được nội lực. Nhiều em học chương trình THPT của Việt Nam nhưng chứng tỏ được năng lực đã giành được những suất học bổng ở các trường đại học danh giá từ rất sớm", vị này nói.

Để không Để không 'lạc' giữa 'rừng' chương trình quốc tế

TTO - Ngày 21-4, một số nhóm Facebook cộng đồng cha mẹ có con theo học trường quốc tế xôn xao bởi chia sẻ 'bóc phốt' của một phụ huynh thuộc Trường THPT quốc tế Việt - Úc (SIC).


TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên