Học sinh của Trường quốc tế Úc (AIS) - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Đây là mô hình trường THPT quốc tế công lập do Sở GD-ĐT TP.HCM quản lý, kết hợp với Hội đồng học thuật bang Tây Úc. Chương trình học cho các bạn lớp 11, 12 là WACE, tức bằng tú tài của bang Tây Úc.
Phụ huynh tố không được tư vấn, trường kêu đã nói rõ
Theo phản ảnh của một phụ huynh, khi tuyển sinh vào lớp 10, bộ phận giáo vụ nhà trường đã không nói mà đến lúc con họ lên lớp 11, nhà trường mới thông báo hai chương trình học để lựa chọn, bao gồm chương trình tích lũy điểm ATAR và chương trình phổ thông (General).
Phụ huynh cho rằng họ giờ mới bất ngờ biết được chương trình General sau khi học xong chỉ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình. Trong khi đó, các trường đại học ở Úc cần ATAR để xét tuyển. ATAR là điểm xếp hạng trong các kỳ thi tốt nghiệp. Nếu ATAR của bạn là 70, nghĩa là bạn nổi trội hơn 70% tổng số thí sinh còn lại. Điểm ATAR tối đa là 99,5.
Theo phụ huynh phản ảnh, chứng nhận hoàn thành WACE nhưng không có điểm ATAR đồng nghĩa sẽ không được vào các trường đại học ở Úc. Ngoài ra, các trường đại học Việt Nam cũng sẽ không xét tuyển trường hợp này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Tô Hạ Uyên - hiệu trưởng Trường THPT quốc tế Việt - Úc (SIC) - xác nhận đang giải quyết một số trường hợp phụ huynh có ý kiến về chương trình học. Bà Uyên cho biết trước khi phụ huynh cho con vào trường, SIC đã tư vấn rất kỹ về các hướng đi, độ khó trong các chương trình cũng như giá trị các tấm bằng, chứng chỉ nhận được.
Bà Uyên khẳng định các phụ huynh sau đó đã đồng ý và ký tên tham gia chương trình được nhà trường tư vấn. "Sự khác nhau giữa hướng ATAR và General, bao gồm cả các môn học trong mỗi chương trình, chúng tôi đã đăng tải công khai trên website của mình để phụ huynh có thể dễ tìm hiểu từ đầu" - bà Uyên nói.
Nhiều nấc trong một chương trình
Hiện nay, các chương trình tú tài quốc tế đang nở rộ như nấm sau mưa tại Việt Nam. Thông qua các cơ sở giáo dục tư thục, các trường quốc tế, học sinh có thể học những chương trình này ngay tại chỗ mà không cần đến nước sở tại.
Tấm bằng tú tài quốc tế thường có giá trị toàn cầu và được nhiều cơ sở giáo dục đại học trên thế giới công nhận, nổi tiếng nhất là tú tài quốc tế IB, tú tài Anh quốc (A-Level) hay chứng chỉ IGCSE.
Tại Úc, mỗi bang có một chương trình tú tài khác nhau, giá trị ngang nhau và đều được Chính phủ nước này công nhận. Chẳng hạn, chương trình ở bang Tây Úc là WACE, ở bang Nam Úc là SACE, ở Victoria là VCE... Hiện tại, các chương trình tú tài quốc tế này đều đã được dạy tại nhiều trường tư ở Việt Nam.
Giữa "rừng" các chương trình tú tài quốc tế, chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên cho rằng phụ huynh cần nắm được sự khác biệt của các chương trình. Mỗi chương trình thường có các mức tương ứng với năng lực của học sinh và giá trị chứng chỉ sở hữu cũng khác nhau.
Chẳng hạn trong chương trình IB, nếu không đủ lực để học IB Diploma, học sinh có thể được một số trường tư vấn học IB Certificate. Phạm vi sử dụng chứng chỉ IB Certificate sẽ hạn chế hơn, chỉ được một số ít đại học chấp nhận hay chỉ được vào các trường cao đẳng, không giống như IB Diploma được hầu hết các trường trên thế giới công nhận.
Chương trình Tú tài Anh quốc (A-Level) cũng vậy. Thường thì học sinh học năm thứ nhất trình độ AS level, nếu không đủ năng lực để thi A-Level, các bạn sẽ chỉ thi AS-Level, vốn được xem chỉ có giá trị bằng một nửa A-Level. AS-Level được chấp nhận bởi các trường cao đẳng và rất ít các đại học.
Tương tự với trường hợp của bằng WACE có điểm ATAR để xét đại học và WACE theo hướng General thường chỉ các trường cao đẳng chấp nhận nhiều hơn.
"Các chương trình khác cũng vậy, khi học sinh không hoàn thành tất cả các yêu cầu tốt nghiệp một cách trọn vẹn, các em có thể không được cấp bằng tốt nghiệp. Trường sẽ cấp cho các em chứng nhận hoàn thành 12 năm học. Phạm vi sử dụng của chứng nhận hoàn thành này rất hạn chế và không phải là văn bằng được ghi nhận chính thức trong hệ thống văn bằng quốc gia và quốc tế" - ông Nguyên nói.
Theo hiệu trưởng một trường tư thục ở TP Thủ Đức, để dễ hình dung có thể nhìn vào hệ thống giáo dục ở Việt Nam. Học sinh học hết chương trình THPT, thi đạt trong kỳ thi tốt nghiệp được cấp "bằng tốt nghiệp THPT".
Những học sinh học hết chương trình THPT, không dự thi tốt nghiệp hay thi không đạt, thì được cấp "giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông". "Nếu chỉ có giấy chứng nhận, bạn không thể học đại học mà chỉ có thể học cao đẳng, trung cấp", vị hiệu trưởng này nói.
Trường quốc tế phải siết đầu vào
TS Nguyễn Thị Thu Huyền, phó hiệu trưởng Trường quốc tế song ngữ Canada (TP.HCM), cho rằng để hạn chế tình trạng học sinh "lỡ dở" nửa chừng trong chương trình tú tài quốc tế, khâu tuyển sinh đầu vào cần được các trường triển khai thật sự nghiêm túc.
Quá trình đánh giá không thể chỉ dựa vào trình độ tiếng Anh, mà còn phải dựa trên những kết quả học tập trước đó của học sinh, thông qua các buổi trò chuyện trực tiếp để xem khả năng tự học, sự phát triển về tâm sinh lý của các em ra sao.
"Phụ huynh nên gặp gỡ điều phối viên chương trình để hỏi thật kỹ từng chi tiết thay vì chỉ gặp nhân viên tư vấn tuyển sinh của trường. Cũng cần xác định đường lui trong trường hợp cho con thử các chương trình khó hơn với sức học của con, nếu con nửa chừng không thể học nổi, con sẽ đi đâu, học gì?", bà Huyền nói.
Vào đại học bằng "đường vòng"
Giả sử nhận được "chứng chỉ hoàn thành" của một chương trình quốc tế thay vì tấm bằng tốt nghiệp, chuyên gia Bùi Khánh Nguyên cho rằng học sinh vẫn có thể đi "đường vòng" để vào các trường đại học bằng những cách: chờ thi lại kỳ sau, năm sau; đăng ký các kỳ thi độc lập như thí sinh tự do của IGCSE hoặc A-Level; đăng ký thi kỳ thi GED của Mỹ để được cấp bằng tương đương trung học Mỹ...
Học sinh cũng có thể học cao đẳng và học liên thông lên đại học hoặc học khóa dự bị đại học (từ 6 tháng đến 1 năm) của trường đại học mình muốn vào, hoặc của các tổ chức như IFY, NCC, INTO, GAC...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận