12/03/2011 06:49 GMT+7

Má Sáu đi, hơi ấm vẫn đây

PHẠM VŨ - TẤN ĐỨC
PHẠM VŨ - TẤN ĐỨC

TT - Hôm nay (12-3), con hẻm nhỏ ở đường Nguyễn Văn Săng, quận Tân Phú, TP.HCM tiễn đưa má Sáu, tên mọi người thường gọi bà Nguyễn Thị Chỉ. Năm nay má Sáu 93 tuổi, đã đến tuổi trời, ra đi nhẹ nhàng trong một giấc ngủ, nhưng nhiều người đến đưa tiễn má vẫn sụt sùi, nức nở.

KishvNHD.jpgPhóng to
Tấm ảnh do các phóng viên Mỹ chụp má Sáu mù tại chuồng cọp - Côn Đảo tháng 7-1970 đã được truyền đi khắp thế giới - Ảnh tư liệu

Trong ấy có nhiều gương mặt quen thuộc: chị em bà Trương Mỹ Lệ - Trương Mỹ Hoa, bà Võ Thị Thắng, Huỳnh Ngọc Vân, chị em bà Thiều Thị Tạo - Thiều Thị Tân, ông Trần Văn Long (Năm Hiền), bà Trần Kim Cúc (Tám Cúc)...

Họ không chỉ là những người quen mà đã thật sự có một mối quan hệ máu thịt, sinh tử.

Những người dân trong con hẻm nhỏ bao năm nay chỉ biết bà Sáu là người có công với cách mạng, mấy ngày này mới được nghe kể về một thời hình ảnh của bà đã được truyền đi khắp thế giới, xiêu đảo những cuộc họp trong Quốc hội Mỹ, thay đổi chính sách lao tù của chính quyền Sài Gòn...

Ngày ấy cách nay đã hơn 40 năm.

Tấm ảnh biết nói

Tháng 6-1970, sau những đợt đấu tranh khốc liệt trong xà lim, ngoài tòa án và những cuộc biểu tình sâu rộng giữa Sài Gòn, năm sinh viên đã được thả tự do vô điều kiện khỏi Côn Đảo. Tổng hội sinh viên và Tổng vụ thanh niên Phật tử tổ chức những buổi nói chuyện, tố cáo về chế độ khắc nghiệt, vô nhân đạo đối với tù chính trị.

Lần đầu tiên những câu chuyện về chuồng cọp được hé lộ trong bán tin bán nghi, đối lập với những cam kết của chính quyền Sài Gòn. Tháng 7-1970, một phái đoàn gồm các nhà báo và thượng nghị sĩ Mỹ đã đến Côn Đảo.

Má Sáu tên thật là Nguyễn Thị Chỉ, sinh năm 1918, quê ở Điện Bàn, Quảng Nam. Má sống ở Sài Gòn và là cơ sở cách mạng, nuôi giấu cán bộ, làm công tác tuyên truyền, rải truyền đơn...

Sau đợt 2 Mậu Thân tháng 5-1968, cơ sở của má bị lộ, má bị bắt và đày ra Côn Đảo.

Cầm trong tay bản vẽ của các cựu tù sinh viên, phái đoàn đã nhanh chóng phát hiện cánh cửa bí mật phía sau khoảng sân của trại 4 và ra lệnh mở cửa. Chuồng cọp hiện ra trước ánh mắt bàng hoàng của những người luôn cam kết sống vì nhân quyền.

Từ độ cao hơn 2m, xuyên qua hàng song sắt, họ nhìn thấy những con người rách rưới, bẩn thỉu, gầy gò, thâm tím, đờ dại chen chúc trong những căn hầm ở phía dưới. Những con người chừng như không còn là con người.

Phá vỡ cảm giác kinh hoàng xa lạ ấy là một giọng nói từ phía dưới cất lên bằng tiếng Anh rất chuẩn: “Các ông là ai?”.

Mối giao tiếp được nối. Sau khi nghe giới thiệu, Thiều Thị Tạo, cô nữ sinh Trường Marie Curie, đã rành rọt kể để phái đoàn ghi âm lại cuộc sống ở chuồng cọp, địa ngục giữa địa ngục, nơi mà một hơi thở, một giọt nước, một hạt cơm cũng phải trả giá bằng máu.

Và Tạo nói thêm: “Ở đây còn có cả trẻ vị thành niên là Thiều Thị Tân, em gái tôi. Có cả một bà mẹ bị mù tới hai lần. Một lần bị thực dân Pháp nhỏ mủ xương rồng làm lòa đôi mắt và vào đến đây thì mẹ mù hẳn do bị khủng bố bằng vôi bột. Thùng vôi bột đang ở ngay dưới chân các ông”.

Phái đoàn người Mỹ đã kiên nhẫn lần qua từng gian chuồng cọp và tìm ra má Sáu. Tấm hình chụp má xuyên qua hàng song sắt, gầy bé tả tơi trên bệ ximăng, đôi mắt mù ngước lên phía những người khách lạ đã được truyền đi khắp thế giới.

Dư luận lên án, những cuộc đấu tranh cho chế độ lao tù bùng nổ. Chính quyền Sài Gòn buộc phải nới lỏng sợi dây siết bóp, một số tù nhân được trả tự do, trong đó có má Sáu.

“Trở về Sài Gòn, má lập tức lao vào cuộc đấu tranh của Ủy ban cải thiện chế độ lao tù miền Nam VN của chúng tôi với tất cả lòng nhiệt tình và căm phẫn. Mà đúng ra má có thể lui về với bóng tối của má” - ông Năm Hiền (Trần Văn Long), một trong năm sinh viên đã dấy lên phong trào tố cáo chế độ lao tù, nhớ lại.

Ngay từ buổi đầu tiên ủy ban ra mắt cho đến những buổi nói chuyện, hội họp sau này, cứ có người đến đón, nhắn tin là có má Sáu. Dáng mỏng manh, đôi mắt mù ngơ ngác và giọng nói uất nghẹn của má khi nào cũng khiến cả hội trường rơi nước mắt.

Cùng lúc đó ở Côn Đảo diễn ra cuộc “đồng khởi” của tù nhân. Chuồng cọp được giải tỏa. Các chế độ ăn ở, lao động của tù nhân đều được cải thiện.

Mẹ giữa địa ngục

Nhưng trong lòng những người cựu tù Côn Đảo, má Sáu không chỉ là một hình tượng giàu sức tố cáo. Má là một bà mẹ thật sự giữa chốn địa ngục.

Bà Trương Mỹ Hoa chưa bao giờ quên bàn tay má Sáu rờ rẫm từng buổi “để xem mấy đứa nhỏ nằm ngồi ra sao” trên sàn xà lim chuồng cọp, chưa quên câu nói quả quyết đầy nghĩa tình “Con Tâm (tên thường gọi của bà Hoa khi ở tù) đi đâu má theo đó” lúc lính canh thông báo một nửa số người phải đi với bao lo lắng, căng thẳng, không quên ước muốn giản dị “giá như có trái ớt hiểm” rất Quảng của má giữa bữa cơm khô mục mắm giòi.

Sau này, khi đã nắm giữ trọng trách trong chính quyền, mỗi lần bà Trương Mỹ Hoa về thăm, má Sáu vẫn đưa tay ra đón: “Tâm phải không con?”.

Giữa những sụt sùi, nức nở, bà Thiều Thị Tân kể về những ngày đầu tiên gặp má Sáu ở phòng giam của Tổng nha cảnh sát Sài Gòn. Những trận tra khảo tàn khốc khiến cô bé 16 tuổi phải bò lết, má Sáu dìu Tân đi tắm nắng, giặt giũ, vệ sinh.

“Tân làm mắt, má làm chân”, má Sáu cứ vừa đi vừa đùa để Tân quên đau đớn. Đêm đêm, những ngón tay bị châm kim nhức buốt của má vuốt tóc, vuốt lên những vết thương trên người Tân, xót xa: “Thương quá, con bé ở nhà được cưng như trứng mỏng”.

Hòa bình rồi, nghe Tân kể chuyện phải đi dạy xa, con nhỏ không ai trông giữ, má nói ngay: “Mang xuống đây cho má” và má đã lần mò chăm cháu thật khỏe mạnh, thật sạch sẽ.

Một câu chuyện mà tất cả nữ cựu tù Côn Đảo hôm nay đều nhắc về má Sáu là chuyện những bữa ăn sau một đợt xáo trộn phòng giam. Cơm được phát ra, đột nhiên nghe tiếng má hỏi vọng: “Bữa nay ăn gì đó bay?”. Mấy chị trả lời: “Có gì khác ngoài khô đắng má ơi”. Lập tức, suất cơm có trứng luộc, canh rau được má trả về cho giám thị.

Bữa chiều cũng thế, ngày sau cũng vậy. Má luôn miệng ngâm ngợi: Ví rủi phải mắc vành xiềng xích/ Đành cắn răng thà chết không khai/ Chết là chết cái hình hài/ Sắt son một tấm gương đời treo cao... (Kinh nhật tụng của người chiến sĩ - Khương Hữu Dụng).

Sau vài ngày tuyệt thực, má đổ bệnh và được trả về phòng cũ, lại ăn cơm với khô mắm để lấy sức đấu tranh cùng cả trại. Âm mưu chia rẽ, phân hóa đội ngũ của đối phương đã thất bại.

Má Sáu là như vậy, không bao giờ rời khỏi đội ngũ mà má đã chọn, dù tuổi cao sức yếu, dù mù lòa, cơ cực. Cô con gái một thời đẹp như hoa hậu của má cũng được má hướng đi theo cách mạng. Hòa bình rồi má Sáu lại xung phong vào công tác ở Hội Người mù thành phố, vào ban chấp hành và còn làm thủ quỹ. Nhiều người lo lắng can ngăn, má gạt đi: “Không sao, má làm được”.

Như ngày xưa, cứ sau một đợt bị khủng bố tại chuồng cọp, cả trại lại rối rít gọi vọng hỏi: “Má Sáu có sao không?”, giọng Quảng của má trả lời: “Má tỉnh bơ”, rồi lại hát, ngâm thơ. Hôm nay má đi, là đi vĩnh viễn, nhưng những câu chuyện về má vẫn làm ấm lòng tất cả mọi người.

Tnp4Rytc.jpgPhóng to
Má Sáu mù với các nhân viên Bảo tàng Chứng tích chiến tranh Tết Tân Mão 2011- Ảnh: chi đoàn Bảo tàng Chứng tích chiến tranh cung cấp

Năm 1996, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh xin được phụng dưỡng má, má vui hơn trông thấy vì thỉnh thoảng có “tụi nhỏ” đến thăm. Má rờ rẫm từng đứa, hỏi: “Con Vân chị đây phải không? Con Vân em sao ốm nhách! Con Quyên có nốt ruồi đẻ chưa bay? Con Hồng đâu mất lâu quá hổng ghé?”.

Rờ thấy một cô gái đeo lắc tay hình dây xích, má cằn nhằn: “Chơi kiểu gì kỳ vậy con, xiềng xích người ta chỉ muốn tháo gỡ ra chứ ai mà tự đeo vào!”...

Má sờ sẫm nhận ra: một bác sĩ trẻ khám mắt định mổ cho má sáng mắt mà không được; một bác sĩ khác khám tim, phổi ân cần; một sinh viên Nhật cao lừng lững gần 2m đòi mời má đi Nhật nói chuyện.

Cựu tù André Mendras (Hồ Cương Quyết) đến thăm, má quýnh quáng mua trái cây tiếp đón. Đến Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, má luôn lần tìm mặc cái áo bà ba nào mới nhất mà chi đoàn vừa tặng: “Bận cho tụi nó vui, biết má thích”.

Mua tặng tấm nệm chiếu hai mặt, má cằn nhằn: “Tốn tiền lắm, má gần chết rồi, đâu có đem theo được!”. Rồi má khóc: “Chưa có ai cho cái gì mà má ưng như vậy, nằm vừa êm, vừa mát!”.

May áo dài nhung, má khoe: “Mặc vô giống hoàng thái hậu!”. Hỏi cắc cớ: “Sao má biết, má đâu có thấy đường?”, má cười: “Tụi con nít hàng xóm nói vậy”.

Nghe ai đi công tác Hà Nội, má dặn ơi ới: “Ra gặp Trương Mỹ Hoa, Võ Thị Thắng nói má gửi lời thăm nha!”. Má kể: “Hồi bị giam chung với má, nó tốt bụng lắm, người nhà gửi vô một cái quần đen, nó cắt làm hai cái, chia cho má một nửa. Hòa bình rồi nó hay gửi quà, ghé thăm”.

Nghe chị Huỳnh Thị Kiều Thu trở bệnh nặng, má đòi đi thăm, khóc: “Nó hồi trong tù cứu má khỏi bị một người tù điên lấy cái chai đập đầu”. Chị ra viện về nhà, má đến, lập cập bước vô cửa rối rít: “Thu đâu con, má nè con!” Chị Thu nằm trên giường khóc òa: “Má!”. Hỏi han một hồi, má mò mẫm đút từng cái bánh vào miệng chị...

Ngoài 90 tuổi, sức yếu dần như ngọn đèn cạn dầu leo lét, rồi má ra đi đúng ngày 8-3-2011 ở tuổi 93. Ngọn đèn đã tắt nhưng lửa từ trái tim má, ánh sáng kỳ lạ từ đôi mắt mù thăm thẳm của má, hơi ấm từ đôi tay sứt sẹo của má vẫn còn đó.

PHẠM VŨ - TẤN ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên