Khi mẹ Việt kể câu chuyện, bà vẫn còn ấm ức vì tình cảm đã dành cho con dâu, cho cháu, và cả vật chất mà bà chi chút cả đời để lo cho cuộc sống đứa con trai của mình.
"Anh là người em chờ đợi"
Nhà bà ở nông thôn, vốn không dư dả gì. Việt ngoài việc phụ mẹ trồng hoa để bán quanh năm thì anh còn làm công nhân ở một xưởng giày da trên thị trấn.
Việt đàn ông mà tính lại lành, thậm chí nhút nhát, nên khi bạn bè đám cưới rồi con cái đùm đề thì Việt vẫn chưa có mối nào. Chuyện Việt chậm kết hôn khiến mẹ Việt lo lắng.
Nói thì nói vậy, chứ đi làm công nhân phải tăng ca, ngày nghỉ thì phụ mẹ chăm sóc hoa, Việt cũng không có điều kiện để tìm kiếm bạn gái cho mình. Mấy chị em trong tổ thì cứ nửa đùa nửa thật: Việt cứ chờ người đến cua chứ không muốn phải cua ai!
Rồi một ngày, một người bạn mai mối cho Việt một cô gái, cũng là công nhân, làm việc ở khu công nghiệp cách nhà Việt không quá xa.
"Con bé này được lắm, hiền lành, phù hợp với anh đó. Nếu thành công, nhớ hậu tạ em một chầu nhậu nhé", cô bạn nói rồi dắt Việt đến phòng trọ của Lan để giới thiệu.
Sau mấy lời giới thiệu về thân thế của Việt và Lan, Việt mời cả hai chị em đi uống nước. Mới gặp, Việt đã thật ưng hình thức của cô gái.
"Về hình thức, về ăn nói nó đều có vẻ hơn thằng Việt. Vậy nên khi thằng Việt dẫn nó về ra mắt là tôi ưng ngay, còn thầm cảm ơn tổ tiên vì đã phù hộ cho thằng con trai, tuy là trâu chậm mà không phải uống nước đục" - mẹ Việt nói.
Ở lần thứ 2 gặp nhau trong phòng trọ, hai người bạn thuê trọ cùng cô gái đã ý tứ đi chơi, khi đi còn khép cửa lại. Còn Lan thì chủ động khóa cửa và chủ động choàng tay ôm lấy Việt và nói: "Em chờ đợi bao năm, cuối cùng mới được gặp anh".
Việt cảm động vì những gì Lan nói và rất mau chóng đáp lại những gì Lan dành cho mình.
Chỉ sau vài lần gặp gỡ, Lan đã trao thân cho Việt. Sau phút giây bên nhau, Lan trách móc sao Việt không biết kiềm chế bản thân để giữ gìn cho Lan.
"Lúc ấy ở phòng trọ, tôi cũng sợ quá mà có nghĩ được gì. Chỉ thấy đúng là mình có lỗi. Xong việc Lan lại khóc tu tu khiến tôi rất bối rối nên hứa sẽ chăm sóc cho cô ấy" - Việt kể.
Chẳng bao lâu sau thì Lan thông báo cô có thai. Việt kể với bố mẹ và làm đám cưới gấp. Bởi không có nhiều thời gian chuẩn bị nên bố mẹ Việt cũng hết sức cập rập lo cho đám cưới con được chu tất.
Sau đám cưới, Lan đi làm thêm một thời gian rồi sinh con.
"Nếu lúc mới quen cô ấy nhiệt tình, chủ động trong chuyện chăn gối bao nhiêu thì khi đám cưới về nhà cô ấy lại lạnh nhạt với tôi bấy nhiêu. Mỗi khi tôi muốn gần gũi, cô ấy lại tìm cớ né tránh và bảo do đang mang thai nên cần phải kiêng cữ cho con. Vậy là tôi cũng kiêng.
Cô ấy sinh xong, nói cần phải kiêng đủ 3 tháng 10 ngày nên tôi phải ngủ ở phòng khác để khỏi hấp hơi em bé" - Việt kể.
Rồi khi đứa trẻ chưa đầy 6 tháng tuổi, Lan bắt đầu cãi vã hỗn láo với bố mẹ chồng. Việt nói thì Lan lồng lộn đòi ly dị. Cả nhà xúm vào thuyết phục, hòa giải nhưng Lan nói cô không thể chịu nổi "một gia đình làm nông nghiệp".
"Cuối cùng thì chúng tôi ly hôn. Tòa giao đứa bé cho cô ấy" - Việt buồn bã kể. Nhưng bi kịch hơn là sau ly hôn không lâu thì Lan làm đơn khởi kiện ra tòa yêu cầu xác định lại cha cho con. Trong đơn, Lan viết rõ đứa con không phải là của Việt.
Tỏ tường khi ra tòa
Khi tòa gửi giấy về nhà để mời tham gia tố tụng, Việt còn ngỡ ngàng không hiểu lý do tại sao. Nhưng khi gặp thẩm phán và được giải thích mọi việc thì anh mới biết: "Hóa ra tôi chỉ là người đổ vỏ. Cô ấy đã có thai với bạn trai của cô ấy nhưng gia đình cậu kia không cho cưới.
Cô ấy không dám về quê vì sợ dư luận đàm tiếu nên tìm cách gài bẫy tôi cho bằng được. Trong thời gian yêu và sau đám cưới, cô ấy vẫn lén lút đi lại với người cũ để chờ thuyết phục gia đình nhà cậu kia nhận con nhận cháu".
Còn thẩm phán thụ lý vụ kiện này thì nói rằng cứ tưởng những việc như vậy chỉ có trên phim mà không thể ngờ được lại có trong đời thực.
"Đó là một kịch bản quá cũ nhưng vẫn được áp dụng hiệu quả. Ở góc độ nào đó thì đây là việc giải quyết tình huống cấp bách của cô gái kia. Thực lòng, tôi rất chia sẻ với anh Việt, vì chuyện tình cảm khó nói lắm.
Nếu chị Lan không có tí tình cảm nào với anh Việt thì dù có sống với nhau cũng không có được hạnh phúc. Cứ duy trì cuộc sống hôn nhân còn bi kịch hơn" - vị thẩm phán nói.
Việt chỉ đến gặp thẩm phán một lần duy nhất để cung cấp lời khai của bị đơn, sau khi biết mọi việc, vì quá choáng váng nên anh không đến tòa nữa.
"Tôi đã tức giận đến mức muốn tìm Lan để hỏi tội cô ấy. Cô ấy không chỉ lừa dối tình cảm của tôi mà còn lừa dối cả gia đình, họ hàng của tôi. Thực sự càng nghĩ càng uất ức" - Việt nói.
Mẹ của Việt còn tức giận hơn con trai mình. Bà cay đắng cho biết: "Tôi dành dụm cả đời, đi vay mượn để đám cưới cho con trai, xong còn cố mua cho con dâu cái kiềng vàng đeo cổ, đến giờ vẫn còn mang nợ. Nhà tôi ăn ở có thất đức đâu mà nó đối xử với tôi, với con tôi như thế!".
"Do mình khờ khạo"
Dù rất tức giận với cách hành xử của Lan nhưng Việt không đủ dũng cảm để gặp cô mà hỏi cho ra lẽ.
"Người ta lợi dụng mình cho mục đích của người ta, giờ mục đích người ta đạt được rồi thì người ta đẩy mình ra. Là do mình khờ khạo quá nên bị dắt mũi và lợi dụng thôi. Cái bẫy cô ấy đưa tôi vào có nhiều sơ hở nhưng tôi lại không mảy may nghi ngờ.
Trong suốt thời gian sinh nở, đã có lần bố đứa bé đến tận nhà tôi thăm hai mẹ con. Tôi lúc ấy đang vui nên chẳng có chút nghi ngờ. Sau khi gặp con trai thì anh ta đã thuyết phục gia đình cho anh ta cưới Lan. Anh ta ăn ốc còn tôi thì đổ vỏ" - Việt than thở.
Kỳ tới: Đối mặt sự thật phũ phàng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận