Mình không cho ổng nhận làm cha con mình thì thôi, mắc mớ gì tòa xử mình chịu tiền án phí và tiền làm xét nghiệm ADN?
Chị MINH TÂM
Ông ta phải khởi kiện mẹ đứa trẻ ra tòa đề nghị được nhận con. Tòa gọi đó là vụ án "xác nhận con cho cha".
Không cho cha nhận con
Chị Minh Tâm đã có chồng nhưng chưa có con. Hai vợ chồng chị sống ở thành phố Đà Nẵng. Giữa vợ chồng không xảy ra chuyện gì nghiêm trọng, bỗng nhiên anh Quốc Huân (chồng chị Tâm) bỏ đi đâu không rõ để chị vò võ một mình.
Tuổi xuân có hạn. Nhiều người thấy chị bị chồng bỏ rơi cũng thương xót nhưng chị nào dám đến với ai vì tiếng vẫn là gái đang có chồng. Cho đến khi có một người yêu thương chị thật lòng và muốn đến với chị.
Tuy nhiên, tờ giấy đăng ký kết hôn của chị vẫn còn nên chị buộc phải làm thủ tục tuyên bố chồng mất tích và ly hôn. Sau khi ly hôn, chị yêu một Việt kiều có người thân ở Đà Nẵng tên là Đào Bá Sơn.
Rồi chị Tâm có bầu với anh Sơn. Anh Sơn muốn đứa trẻ được mang quốc tịch nước ngoài theo cha nên có nói với chị Tâm ý nguyện này. Tuy nhiên, chị Tâm không đồng ý nên giữa hai người xảy ra xung đột dẫn đến chị Tâm giận anh Sơn và không thèm gặp mặt.
Anh Sơn hết thời gian lưu trú tại Việt Nam thì lại về Mỹ để sinh sống, chị Tâm ở Việt Nam một mình sinh con và chị tự lấy họ của mình để đặt tên cho con bé, coi như không dính dáng gì đến anh Sơn.
Vì biết chắc đứa bé là con mình nên mỗi lần về Việt Nam anh Sơn đều muốn được đến thăm bé. Lúc chị Tâm nguôi giận thì chị cho gặp, khi giận chị lại không cho gặp khiến giữa hai người càng có mâu thuẫn mà không thể giải quyết.
Bé con càng lớn càng giống cha nhưng chị không cho gặp khiến anh rất bức xúc.
Anh đi hỏi luật sư, được tư vấn muốn được nhận con thì phải được tòa công nhận. Do vậy, anh nộp đơn ra tòa đề nghị tòa công nhận cháu Hương Ly là con của anh.
Tuy nhiên, khi ra tòa, chị Tâm nhất quyết khẳng định rằng đứa con này không phải con của anh Sơn. Bởi vậy, chị đề nghị tòa án không chấp nhận yêu cầu của anh Sơn. Vì lời khai mâu thuẫn nhau nên tòa đã ra quyết định trưng cầu giám định ADN.
Kết quả cho thấy giữa anh Sơn và cháu bé có quan hệ cùng huyết thống là cha và con. Do đó, tòa tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Sơn và công nhận quan hệ cha con cho anh Sơn và con gái chị Tâm.
Vì là người thua kiện, chị Tâm phải chịu án phí và chi phí giám định ADN mà tòa đã trưng cầu. Khi bản án có hiệu lực pháp luật, chị Tâm cứ thắc mắc: "Mình không cho ổng nhận làm cha con mình thì thôi, mắc mớ gì tòa xử mình chịu tiền án phí và tiền làm xét nghiệm ADN?".
Gánh nặng cuối đời
Đó là câu chuyện của một người phụ nữ tên là Xuân đã bước vào tuổi "xưa nay hiếm", bà nộp đơn ra tòa đề nghị được công nhận là con của một người đàn ông đã qua đời từ rất lâu, đồng thời mẹ bà cũng không còn.
Lý do về việc xin xác định cha cho bà là bởi trong giấy khai sinh của bà không thể hiện tên người cha ruột mà chỉ có mẹ. Việc mẹ đi làm giấy khai sinh rồi không điền tên cha vào bà không biết lý do tại sao.
Ngoài ra, bà còn một người em gái ruột cũng đã 70 tuổi nhưng người này có ghi tên cha trong giấy khai sinh và là con hợp pháp của cha mẹ bà.
Suốt tuổi thơ ấu đến khi trưởng thành, bà cũng chưa một lần hỏi mẹ về việc tại sao phần ghi tên cha lại để trống. Đã có lúc bà tự nghĩ, có thể bà không phải là con của người mà bà vẫn gọi là ba.
Rồi cả cảm giác mặc cảm mình là con riêng của mẹ nhưng không bao giờ dám hỏi. Đến cả người chồng của bà, các con bà cũng có thắc mắc nhưng không ai dám nói.
Chỉ đến khi mẹ qua đời, về vấn đề phân chia tài sản thừa kế của cha mẹ để lại mới thấy bà không được hưởng tài sản từ người cha vì trong khai sinh để trống phần tên cha ruột.
Những người chị em khác của bà cũng không đồng ý chia phần tài sản của cha để lại cho bà theo đúng pháp luật hiện hành. Bởi vì cả cha và mẹ đều không còn nên tòa không thể trưng cầu giám định ADN giữa bà và cha để xác định cha cho bà.
Tuy nhiên, may mắn là trong số những người chị em của bà Xuân lại có một người đồng ý xét nghiệm ADN cùng bà để xác định chị em ruột. Kết quả xét nghiệm cho thấy giữa bà Xuân và em gái có quan hệ cùng huyết thống cùng cha cùng mẹ.
Khi ở phiên tòa, bà Xuân chỉ nói: "Tôi già rồi, cũng không cần phần tài sản của cha mình. Nhưng trước khi chết, được thừa nhận là con của cha thì tôi cũng mãn nguyện. Tài sản không phải là thứ mà tôi mong muốn. Tôi đã trút được gánh nặng về việc mình chỉ là con riêng của mẹ".
Hai bé sinh đôi là con hai người đàn ông khác nhau
Ngoài các vụ xác định cha cho con mà những người cha thực sự khởi kiện thì cũng có nhiều vụ việc xác định cha cho con mà người khởi kiện là người mẹ.
Lý do là nhiều đứa trẻ được ra đời bởi những cuộc tình chóng vánh hoặc những cuộc tình vụng trộm, hoặc người đàn ông sau khi biết bạn gái mang bầu đã bỏ rơi. Đến khi đứa con lớn muốn nhận lại nguồn cội thì người cha đã có gia đình riêng mà không dám nhận con.
Hoặc cũng có những vụ việc mà người mẹ quá khó khăn trong việc nuôi con đành phải kiện người cha để yêu cầu công nhận con và buộc người cha có trách nhiệm cấp dưỡng.
Thường thì những vụ đó những người đàn ông đều biết chắc chắn đó là con của mình. Vậy nên lúc đầu họ không nhận, nhưng sau khi đến tòa để hòa giải thì họ đã nhận con nên người mẹ rút đơn khởi kiện, tòa đình chỉ giải quyết vụ án.
Chỉ những vụ nào có tranh chấp, có mâu thuẫn về yêu cầu nguyện vọng của các bên thì mới phải mở phiên tòa xét xử theo đúng thủ tục.
Một thẩm phán đang làm việc tại TP.HCM thì cho rằng có những chuyện tưởng chỉ có trong tiểu thuyết nhưng thực tế lại xảy ra ở ngoài đời. Anh từng thụ lý một vụ án mà người mẹ sinh đôi hai đứa con nhưng chỉ có một đứa là con của người chồng, còn một đứa là con của người khác.
"Chuyện con cái đáng lẽ là câu chuyện đẹp, nhưng cuối cùng lại trở thành bi kịch trong một số gia đình" - thẩm phán này nói.
>> Kỳ tới: Kiện chồng để trả con cho cha ruột
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận