Một phụ nữ ở bang Haryana, Ấn Độ mới đây đã sinh ra một em bé khỏe mạnh, nhờ các bác sĩ Viện Khoa học y tế toàn Ấn Độ (AIIMS) điều trị thành công cho thai nhi mắc chứng rối loạn máu hiếm gặp thông qua việc truyền các đơn vị hồng cầu kiểu hình O D nhập từ Nhật Bản.
Thai phụ trước đó đã trải qua 7 lần mang thai không thành công. Bệnh viện cho biết trong lần mang thai thứ 8, sau 6 lần truyền máu cho thai nhi, cô đã sinh ra một em bé khỏe mạnh.
Bác sĩ Neena Malhotra, trưởng khoa sản tại AIIMS, giải thích: Sự không tương thích giữa các tế bào hồng cầu của mẹ và em bé có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng cho thai nhi như thiếu máu, vàng da, suy tim và thậm chí tử vong.
Sự không tương thích phổ biến nhất được biết đến là do kháng nguyên RhD và trong trường hợp thiếu máu thai nhi nghiêm trọng, máu RhD được truyền sang thai nhi trong bụng mẹ qua dây rốn.
"Tuy nhiên trong trường hợp này, người mẹ âm tính với kháng nguyên Rh17, loại kháng nguyên rất hiếm gặp. Do đó, bào thai trong bụng cô sẽ không tương thích và bị thiếu máu, dẫn đến 7 lần sẩy thai", bác sĩ Malhotra cho hay.
Khi thai phụ đến AIIMS trong lần mang thai thứ 7, bác sĩ phát hiện cô bị sẩy thai và đã xác định được nhóm máu hiếm của cô.
Đến tháng thứ 5 của lần mang thai thứ 8, các bác sĩ ở AIIMS phát hiện thai nhi bị thiếu máu và cần phải truyền máu gấp. Tuy nhiên, loại máu này không có sẵn ở Ấn Độ vào thời điểm đó và phải nhập từ Nhật Bản.
Sau đó thai nhi đã được truyền máu trong tử cung 6 lần, đảo ngược thành công tình trạng phù thai (suy tim).
Quá trình mang thai tiếp tục kéo dài những tháng sau đó và em bé được chào đời bằng phương pháp mổ. Hiện cả mẹ và bé đều đã được xuất viện trong tình trạng sức khỏe tốt.
Theo các bác sĩ AIIMS, thành tựu y tế này đánh dấu ca điều trị truyền máu thai nhi đầu tiên ở Ấn Độ và là trường hợp thứ 8 được ghi nhận trên toàn cầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận