Ông Lý là thủ tướng của Trung Quốc và trên danh nghĩa được coi là nhà lãnh đạo số 2, phụ trách nền kinh tế của Trung Quốc tròn một thập niên từ tháng 3-2013 đến tháng 3-2023.
Trưởng thành từ cách mạng văn hóa
Sinh ra ở tỉnh An Huy, một tỉnh nghèo nằm ở miền trung Trung Quốc, ông Lý Khắc Cường trải qua thời niên thiếu lao động chân tay ở các nhà máy hay khu vực nông thôn giống như nhiều thanh thiếu niên Trung Quốc khác trong cuộc Cách mạng văn hóa - một biến động chính trị và xã hội kéo dài đúng một thập niên (1966 - 1976).
Tuy nhiên, điều đó không ngăn ông Lý tiếp tục con đường học vấn. Lý Khắc Cường là một trong những học sinh đầu tiên tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học được khôi phục khi Cách mạng văn hóa kết thúc.
Năm 1978 ở độ tuổi 23, ông vào học tại Đại học Bắc Kinh danh tiếng - nơi ông học luật ở hệ cử nhân và sau đó xuất sắc lấy bằng thạc sĩ và tiến sĩ kinh tế.
Cũng chính tại Đại học Bắc Kinh, ông Lý gặp được người vợ tương lai Trình Hồng nhỏ hơn ông 2 tuổi.
Bà Trình cũng bị gián đoạn học hành bởi Cách mạng văn hóa và sau đó không ngừng nỗ lực trở thành một giáo sư Anh ngữ nổi tiếng tại Đại học Kinh tế và Kinh doanh thủ đô ở Bắc Kinh. Hai ông bà có một người con gái.
Con đường chính trị của ông Lý Khắc Cường bắt đầu từ Đoàn thanh niên cộng sản Trung Quốc trong những năm 1980 và 1990, khi ông thúc đẩy các dự án cho trẻ em ở các khu vực nghèo tại Trung Quốc và phát triển Đoàn lớn mạnh.
Năm 1993, ông Lý trở thành bí thư thứ nhất của Đoàn thanh niên cộng sản Trung Quốc - một tổ chức được coi là cánh thanh niên và lực lượng dự bị của Đảng Cộng sản Trung Quốc với khoảng 88 triệu thành viên trong độ tuổi 14 - 28 và cũng là nơi nhiều nhà lãnh đạo của Trung Quốc trưởng thành như cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào.
Với những thành tích ở Đoàn thanh niên, vào tháng 7-1998, ông Lý trở thành tỉnh trưởng trẻ nhất ở Trung Quốc khi ông nắm quyền lãnh đạo tỉnh miền trung Hà Nam.
Các biện pháp cải thiện nền kinh tế ở Hà Nam của ông Lý đã mang lại tăng trưởng nhanh chóng và thu nhập cao hơn cho nông dân.
Sau đó, ông được thuyên chuyển đến tỉnh miền đông bắc Liêu Ninh, nơi được mệnh danh là vành đai công nghiệp của Trung Quốc, vào tháng 12-2004 với tư cách là bí thư tỉnh ủy.
Tại đây, ông giám sát việc khôi phục cơ sở công nghiệp cũ của khu vực và thiết lập vành đai kinh tế ven biển để thúc đẩy thương mại.
Ông Lý đã ghi dấu ấn thành công ở tỉnh Liêu Ninh bằng cách thúc đẩy thu hút đầu tư, thực hiện cải cách cổ phần, mở cửa thị trường và thúc đẩy các dự án hỗ trợ người dân như việc làm và cải tạo khu ổ chuột.
Likonomics vì những người ít đặc quyền
Chính những thành công ở tỉnh Liêu Ninh đã giúp ông có được một vị trí trong thường vụ Bộ Chính trị đầy quyền lực vào tháng 10-2007. Tháng 3-2008, ông được bổ nhiệm làm phó thủ tướng.
Là một nhà kinh tế được đào tạo bài bản, ông Lý được bổ nhiệm làm thủ tướng vào tháng 3-2013 khi Trung Quốc phải đối mặt với những cảnh báo ngày càng tăng về sự bùng nổ xây dựng và xuất khẩu vốn thúc đẩy tăng trưởng hai con số của thập niên trước đang trên đà cạn kiệt sức lực.
Ông ủng hộ tăng trưởng bền vững hơn là tăng trưởng nóng. Ngoài ra, cựu thủ tướng Lý Khắc Cường phải đối diện các thách thức nhằm giảm bớt gánh nặng nợ khổng lồ hình thành từ các chương trình kích thích của Trung Quốc sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - 2009.
Dựa trên họ của ông (Li - tiếng Anh), chính sách kinh tế của ông Lý về cải cách thể chế và giảm nợ, được các nhà phân tích của Ngân hàng Barclays gọi là "Likonomics", tập trung vào việc giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào tăng trưởng dựa trên nợ và thúc đẩy nền kinh tế hướng tới khả năng tự bền vững.
Ba mũi nhọn cột trụ của Likonomics chính là "giảm tốc phát triển kinh tế, giảm đòn bẩy vay nợ và cải thiện chất lượng tăng trưởng".
Nổi tiếng là một nhà lãnh đạo được lòng dân vì tính thực dụng trong các chính sách kinh tế, ông Lý vẫn luôn kiên định cải cách theo định hướng thị trường mặc dù nền kinh tế Trung Quốc có khuynh hướng ngày càng bị kiểm soát bởi nhà nước nhiều hơn trong những năm gần đây.
Trong lần cuối cùng phát biểu tại một cuộc họp báo vào tháng 3 năm nay, ông Lý vẫn giữ niềm tin vào sự mở cửa và cải cách của Trung Quốc.
Ông nhấn mạnh "Bất kể gió và mây quốc tế có thay đổi như thế nào, Trung Quốc sẽ không ngừng mở cửa", cũng giống như việc "sông Dương Tử và sông Hoàng Hà sẽ không chảy ngược".
Đây cũng là quan điểm xuyên suốt của ông Lý trong suốt sự nghiệp chính trị của mình. Trong một cuộc họp được tổ chức chỉ một tuần sau Đại hội Đảng lần thứ 18 vào cuối năm 2012 khi ông được chọn sẽ trở thành thủ tướng vào tháng 3-2013, ông Lý Khắc Cường đã giương cao ngọn cờ cải cách thể chế và kinh tế.
Bằng ngôn ngữ gợi nhớ đến nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, người mở đầu chính sách cải cách Trung Quốc vào cuối thập niên 1970, ông Lý tuyên bố: "[Lựa chọn] duy nhất của chúng ta là tiến lên vì không còn đường quay lại".
Ông Lý nói thêm: "Chúng ta phải dũng cảm trong các thử nghiệm, bởi vì đây là trách nhiệm của chúng ta. Chúng ta có thể tránh được những sai lầm nếu không làm gì cả; nhưng chúng ta phải gánh vác trách nhiệm mà lịch sử đã giao phó".
Cũng trong cuộc họp này, ông Lý Khắc Cường cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc "bình đẳng về quyền, bình đẳng về cơ hội và bình đẳng về các quy định để mọi công dân đều có thể nhận được lợi ích thông qua làm việc chăm chỉ".
Chính điều này khiến ông được đánh giá là một nhà lãnh đạo làm việc vì những người ít đặc quyền hơn, với các chính sách tập trung vào việc giảm khoảng cách giàu nghèo và cung cấp nhà ở giá phải chăng.
Tuy nhiên, không phải chính sách nào của ông cũng mang lại thành công trên diện rộng.
Năm 2020, ông Lý thừa nhận trong một cuộc họp báo thường niên rằng có hơn 600 triệu người Trung Quốc có thu nhập hằng tháng chỉ 1.000 nhân dân tệ (140 USD), không đủ để thuê một phòng ở các thành phố của Trung Quốc", và đại dịch COVID-19 làm cho cuộc sống của họ khó khăn hơn. 600 triệu người, tức tương đương với khoảng 43% dân số Trung Quốc, vẫn sống cách xa thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc là hơn 1.000 USD/tháng.
Dù vậy, nhìn tổng quan, cố thủ tướng Lý Khắc Cường vẫn được nhớ vì là một nhà kỹ trị thực tài trong nền chính trị Trung Quốc.
Gặp khó khăn trong nhiệm kỳ 2
Những chính sách kinh tế của cựu thủ tướng Lý Khắc Cường luôn nhất quán trong việc ủng hộ các nỗ lực thúc đẩy việc làm, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân và duy trì sự ổn định kinh tế.
Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ hai (2018 - 2023), ông Lý gặp khó khăn trong việc thúc đẩy các ý tưởng của mình khi Trung Quốc có xu hướng tập trung vào việc tăng cường kiểm soát nền kinh tế và nhấn mạnh vào vai trò trụ cột các doanh nghiệp nhà nước.
Dù gì ông Lý đã nỗ lực lèo lái nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vượt qua giai đoạn đầy thử thách khi chiến tranh thương mại và công nghệ với Mỹ gia tăng, nợ công tăng, thị trường bất động sản phát triển quá nóng và tỉ lệ thất nghiệp gia tăng cũng như chính sách kiểm soát nghiêm ngặt trong đại dịch COVID-19.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận