Tôi có hộ khẩu ở Quảng Ngãi, vào TP.HCM từ năm 1989 và có KT3 tại phường 3, quận Gò Vấp.
Năm 2004, tôi đăng ký kết hôn với chồng người Pháp, địa chỉ ở phường 3, quận Gò Vấp. Năm 2006, tôi sang Pháp định cư và năm 2008 tôi ly hôn tại Pháp.
Tôi sống tại Pháp và vẫn về Việt Nam 2-3 lần/năm. Năm 2022 tôi làm lại căn cước công dân (định danh mức 2) tại địa chỉ phường 2, quận Tân Bình.
Tôi mới về Việt Nam ngày 1-8 và ký hợp đồng mua một căn hộ tại quận 9 (nay là TP Thủ Đức). Trong lúc làm thủ tục vay, ngân hàng yêu cầu tôi bổ sung giấy xác nhận độc thân.
Tôi lên phường 2, quận Tân Bình để xin thì cán bộ hướng dẫn về Quảng Ngãi và phường 3, quận Gò Vấp để xác nhận và phải hợp pháp hóa giấy ly hôn.
Xin hỏi cán bộ hướng dẫn như vậy đúng không?
- Luật sư Đặng Hoài Vũ (Đoàn luật sư TP.HCM) trả lời:
Thứ nhất, thẩm quyền cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân thuộc UBND phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM là đúng thẩm quyền theo khoản 1, điều 21 nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15-11-2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch.
Thứ hai, đối với việc cán bộ UBND yêu cầu bạn "về Quảng Ngãi và về lại phường 3, quận Gò vấp để xác nhận và phải hợp pháp hóa giấy ly hôn" thì mới cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân là phù hợp, dựa trên cơ sở tại điều 22 và khoản 2, điều 37 nghị định 123/2015/NĐ-CP.
Bạn rơi vào trường hợp đã ly hôn ở nước ngoài và cụ thể tại Pháp nên bắt buộc phải nộp bản sao trích lục hộ tịch tương ứng.
Vì lý do bạn ly hôn ở Pháp nên trước hết bạn phải làm thủ tục đăng ký ghi chú ly hôn tại UBND cấp huyện nơi thường trú theo điều 38, 39 nghị định 123/2015 và sau đó xin bản sao trích lục hộ tịch tương ứng.
Đồng thời, khi bạn đủ độ tuổi kết hôn, tức là đủ 18 tuổi cho đến nay thì bạn đăng ký thường trú tại nhiều nơi khác nhau nên bạn có nghĩa vụ cung cấp giấy tờ chứng minh trong giai đoạn này bạn không kết hôn với ai, hoặc đã kết hôn và đã ly hôn.
Do đó, yêu cầu của công chức tư pháp - hộ tịch là có cơ sở. Bạn cần liên hệ lại UBND phường 3, quận Gò Vấp và UBND quận Tân Bình để hỏi rõ thêm về thủ tục thực hiện để hạn chế sai sót.
Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý đối với giấy tờ ly hôn ở Pháp, cần phải làm thủ tục dịch thuật công chứng và hợp pháp hóa lãnh sự thì mới có giá trị công nhận khi sử dụng tại Việt Nam.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ tuvanphapluat@tuoitre.com.vn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận