04/04/2025 13:35 GMT+7

Lưu ý quan trọng cho doanh nghiệp xuất khẩu để tránh bị đánh thuế đối ứng của ông Trump

Cùng với một số nhóm hàng không phải chịu thuế đối ứng, các lô hàng đã được bốc xếp lên tàu trước thời điểm áp dụng lệnh áp thuế sẽ không bị đánh thuế khi xuất sang Mỹ.

thuế đối ứng - Ảnh 1.

Ông Đỗ Ngọc Hưng - Ảnh: N.AN

Sáng 4-4, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân.

Thông tin cập nhật về tình hình đánh thuế đối ứng, ông Đỗ Ngọc Hưng - tham tán thương mại, trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ - cho hay từ nay đến trước ngày 9-4, các doanh nghiệp xuất khẩu cần tận dụng khoảng thời gian còn lại nhanh chóng hoàn tất việc xuất cảng các lô hàng.

Nhóm hàng chưa bị đánh thuế đối ứng là gì?

Theo quy định được ghi trong sắc lệnh, các mức thuế này không áp dụng đối với các lô đã được bốc xếp lên tàu tại cảng xuất hàng và đang trong quá trình vận chuyển đến Mỹ trước thời điểm ngày 5-4 (áp dụng nhóm nước bị áp thuế 10%) và trước thời điểm ngày 9-4 (nhóm nước bị áp thuế đối ứng riêng lẻ).

Vì thế ông Hưng khuyến nghị các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xem xét khả năng đàm phán với các nhà nhập khẩu chia sẻ gánh nặng thuế đối ứng, hỗ trợ doanh nghiệp nhằm duy trì thị trường vượt qua giai đoạn khó khăn này. Chính phủ, địa phương, ngân hàng nghiên cứu xem xét có chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời, phù hợp.

Cần lưu ý thêm, một số hàng hóa sẽ không phải chịu thuế đối ứng bao gồm: các mặt hàng chịu thuế theo mục 50 USC 1702; mặt hàng thép/nhôm và ô tô/phụ tùng ô tô đã chịu thuế theo Mục 232; đồng, dược phẩm, chất bán dẫn và gỗ; tất cả các mặt hàng có thể phải chịu thuế theo Mục 232 trong tương lai; vàng thỏi; năng lượng và một số khoáng sản không có sẵn tại Mỹ.

Phụ lục II cũng liệt kê các nhóm ngành hàng không phải chịu thuế đối ứng. Đơn cử như nhựa và các sản phẩm nhựa, hóa chất, gỗ và các mặt hàng bằng gỗ, đồng và các sản phẩm đồng, thiếc, máy điện và thiết bị điện. Vì vậy, ông Hưng đề nghị các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cũng cần nghiên cứu cụ thể chi tiết phụ lục và nội dung liên quan để nắm cụ thể.

Đặc biệt, các mặt hàng mà Việt Nam chứng minh được rằng có nguồn gốc nguyên liệu hoặc các yếu tố khác từ Mỹ (US content) trên 20% thì chỉ đánh thuế đối ứng 46% lên phần giá trị non-US của hàng hóa. Vì vậy, khuyến khích mua nguyên liệu đầu vào có xuất xứ từ Mỹ.

Vì sao Mỹ áp thuế đối ứng?

Theo ông Hưng, việc áp thuế đối ứng ở mức cao với toàn bộ hàng hóa xuất khẩu được đánh giá là chưa hợp lý, không công bằng. Tuy nhiên, quyết định này thể hiện quan điểm xuyên suốt của chính quyền đương nhiệm coi thâm hụt thương mại trong thời gian dài không còn chỉ là vấn đề kinh tế mà đã trở thành tình trạng khẩn cấp quốc gia đe dọa đến an ninh và cuộc sống của người dân Mỹ.

Vì vậy, Mỹ áp dụng công thức áp thuế đối ứng dựa trên thâm hụt thương mại song phương/tổng giá trị nhập khẩu từ nước đó. Bản chất của công thức này là nhằm mục tiêu dẫn đến cân bằng thương mại, đưa sản xuất trở về trong nước và xây dựng nước Mỹ an toàn hơn, hùng mạnh hơn và thịnh vượng hơn. Công thức này cũng được nhìn nhận là công bằng, không phân biệt đối xử và minh bạch, hiệu quả.

Trưởng cơ quan thương vụ dẫn chứng, tuyên bố ngày 2-4 của Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho rằng việc áp thuế đối ứng sẽ thúc đẩy các quốc gia xem xét lại chính sách mở rộng/cấp quyền tiếp cận thị trường lớn hơn cho các sản phẩm của Mỹ. Nước Mỹ đang giải quyết các rào cản thương mại phi thuế quan, mở ra triển vọng đàm phán với các nước vào thời điểm thích hợp.

Chủ động rà soát để ứng phó

Theo đánh giá của Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, việc áp thuế đối ứng có thể gây khó khăn trong việc duy trì các hợp đồng dài hạn và chuỗi cung ứng ổn định. Các nhà nhập khẩu Mỹ có thể chuyển hướng tìm nhà cung cấp từ các quốc gia không bị hoặc có mức thuế đối ứng thấp hơn. Điều này dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng khối lượng và kim ngạch xuất khẩu tại thị trường trọng điểm này (chiếm tỉ trọng 30%).

Các doanh nghiệp xuất khẩu của ta cũng sẽ phải đối mặt với các thủ tục hành chính phức tạp và chi phí vận chuyển tăng cao do thuế suất tăng.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ gặp khó khăn lớn trong việc duy trì sản xuất và xuất khẩu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm và thu nhập của người lao động. Các doanh nghiệp có thể phải tìm kiếm các thị trường khác thay thế, tuy nhiên sẽ phải đối mặt với những thách thức to lớn về công sức và thời gian xây dựng và phát triển thị trường mới.

Vì vậy, ngay tại cuộc họp, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, thứ trưởng Bộ Công Thương, yêu cầu các thương vụ cần tính toán và rà soát ngay tác động, đánh giá dòng dịch chuyển thương mại, tìm kiếm thêm thị trường mới, khẩn trương đánh giá tác động liên quan chính sách thuế đối ứng, báo cáo trước ngày 7-4.

Lưu ý quan trọng cho doanh nghiệp xuất khẩu để tránh bị đánh thuế đối ứng của ông Trump - Ảnh 3.Lập tổ công tác ứng phó thuế đối ứng, Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn làm tổ trưởng

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký quyết định số 713 thành lập Tổ công tác về tăng cường hợp tác, chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Mỹ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên