Phóng to |
Chị Nguyễn Thị Nhài làm kế toán cho một công ty ở Q.9, TP.HCM. Do không đủ sống, chị phải bán đồ trang sức mạ bạc ở các khu đông sinh viên vào buổi tối - Ảnh: Nguyễn Nam |
“Chắc hiếm có đại biểu nào như tôi đã làm công nhân xây dựng và công nhân dệt 19 năm, tôi rất hiểu người lao động đang xếp vào hàng thứ bao nhiêu của những người làm công ăn lương” - bà Hậu nói. Đây là phiên thảo luận được Phó chủ tịch Quốc hội (QH) Tòng Thị Phóng đánh giá: “Nhiều phát biểu rất thẳng thắn và không khí tranh luận rất sôi nổi”.
30% người lao động suy dinh dưỡng
"Tôi đề nghị khi đã thống nhất được với lương tối thiểu rồi, trên cơ sở lương tối thiểu đó... hằng năm với trượt giá như thế nào thì cuối năm áp dụng trượt giá đó nhân lên, như vậy thu nhập của người lao động thực tế mới lên theo được" |
Đại biểu Nguyễn Trung Thu phân tích: “Quy định tăng số giờ làm thêm sẽ góp phần làm tăng lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường lao động khu vực và quốc tế... Trong mối tương quan so sánh với các quốc gia khác, đặc biệt là các nước ASEAN, số giờ làm thêm tối đa của lao động Việt Nam hiện ở mức thấp”. Trong khi đó, bà Cù Thị Hậu cho rằng: “So với các nước, năng suất lao động của công nhân Việt Nam không phải kém. Vấn đề là do máy móc thiết bị của chúng ta rất kém, đặc biệt ngành cơ khí với 90% thiết bị cũ kỹ, do đó chúng ta phải làm thêm”.
Tiếp theo người tiền nhiệm của mình, ông Đặng Ngọc Tùng (chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) thẳng thắn nêu hai nhận xét về dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi): Thứ nhất, dự thảo này bảo vệ người sử dụng lao động nhiều hơn bảo vệ người lao động. Thứ hai, nếu toàn bộ dự thảo được thông qua thì bất công đối với người lao động. Ông Tùng nêu nhiều vấn đề để chứng minh hai nhận xét của mình, trong đó có lương tối thiểu. “Hiện nay tiền lương doanh nghiệp trả cho người lao động xoay quanh lương tối thiểu... Bên cạnh đó, doanh nghiệp trả thêm bằng tiền phụ cấp nhà một tháng 600.000 đồng, tiền đi lại một tháng 700.000 đồng... Tuy nhiên, với bảng lương xoay quanh lương tối thiểu thì người ta nộp bảo hiểm xã hội trên cơ sở đó. Điều này thiệt hại rất lớn cho người lao động khi hưởng bảo hiểm xã hội, nhất là khi về hưu”.
Phóng to |
Đại biểu Cù Thị Hậu - nguyên chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam - Ảnh: V.Dũng |
Bổ sung “giá tiêu dùng” vào lương tối thiểu
Cùng chung băn khoăn về lương tối thiểu đối với người lao động, phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi phản ảnh thực tế hơn 3.000 cuộc đình công xảy ra vừa qua, 90% xuất phát từ tiền lương. Một điều rất đáng lưu ý là hơn 90% các cuộc đình công diễn ra không đúng pháp luật, nhưng các cuộc đình công đó đều được giải quyết mục đích của người lao động, đặc biệt là tiền lương tối thiểu.
Dẫn ý kiến của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam về việc mức lương người lao động thực nhận hiện nay ở các doanh nghiệp chỉ đáp ứng 60-70% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) nói: “Chúng ta không tháo gỡ thì người lao động sẽ đòi làm thêm 700 - 800 giờ. Xa quê, xa nhà không có tiền buộc phải làm thêm, đây là vấn đề chúng ta phải tính toán để có chính sách. Lương tối thiểu chúng ta quy định như thời gian qua để thu hút đầu tư với lao động giá rẻ, giờ chính sách này còn nữa không, phải khẳng định để quy định những nguyên tắc cơ bản trong chính sách mới cho người lao động... Vấn đề lương tuần, lương ngày, lương giờ chúng ta cũng chưa quy định rõ, trong khi nhiều nơi quy định rất rõ, ví dụ như làm thêm một giờ ban đêm phải gấp đôi, ngày nghỉ phải gấp đôi”.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng nói QH thảo luận dự án Bộ luật lao động (sửa đổi) trong một năm mà chỉ số giá tiêu dùng đã lên đến gần 20%. Kỳ họp trước, nhiều cử tri ngạc nhiên và suy nghĩ trước câu nói chân thành của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh khi đó còn là bộ trưởng Bộ Tài chính: “Vợ tôi đi chợ về cũng kêu lắm”. Từ cách tiếp cận này, ông Hùng đề nghị nên nghiên cứu đưa chỉ số giá tiêu dùng vào làm căn cứ để xác định mức lương tối thiểu. “Hiện nay căn cứ để xác định mức lương tối thiểu bao gồm ba yếu tố là nhu cầu tối thiểu của người lao động và gia đình, điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền công trên thị trường lao động. Cần bổ sung yếu tố thứ tư là chỉ số giá tiêu dùng” - ông Hùng nói. Ông Trần Ngọc Vinh, phó trưởng đoàn đại biểu QH TP Hải Phòng, nêu rõ: “Nên quy định cụ thể khi chỉ số giá tiêu dùng tăng lên bao nhiêu phần trăm, thời gian tăng bao lâu thì Chính phủ phải kịp thời điều chỉnh mức lương tối thiểu”.
Theo Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, tiếp thu ý kiến thảo luận của đại biểu QH về dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ QH sẽ phối hợp với ban soạn thảo rà soát, tới đây sẽ trình QH bản giải trình, tiếp thu và chuẩn bị việc thông qua bộ luật này.
Quy định mở về tuổi nghỉ hưu của nữ Về tuổi nghỉ hưu của lao động nữ, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng không nên quy định nữ nghỉ sớm hơn nam năm năm vì như vậy hạn chế rất nhiều khả năng phấn đấu, cống hiến và phát triển của lao động nữ. Tuy nhiên tranh luận với bà An, ông Đặng Ngọc Tùng cho rằng: “Luật không phải chỉ áp dụng cho một nhóm nhỏ đối tượng mà để áp dụng cho hàng triệu người lao động... Nhiều lao động nữ làm trong ngành cao su bảo với tôi là: công đoàn ơi là công đoàn, chúng em không tài nào làm nổi đến 55 tuổi đâu, vì công nhân cạo mủ cao su chúng em 5g sáng phải ra rừng, ra lô cạo mủ, đến 40 tuổi chúng em đã run tay cạo không nổi rồi. Nguyện vọng của chúng em muốn có sổ hưu, muốn được nghỉ hưu”. Theo ông Tùng, quy định quyền nghỉ hưu theo hướng mở như trong dự luật là phù hợp, bằng việc quy định một số nguyên tắc để Chính phủ có cơ sở hướng dẫn và bảo đảm thống nhất với một số đạo luật có liên quan. Tại phiên thảo luận, một đại biểu đề nghị tăng số ngày nghỉ tết âm lịch lên năm ngày so với bốn ngày hiện nay. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận