14/11/2014 08:28 GMT+7

​Lúng túng với Bộ luật dân sự

V.SỰ - L.KIÊN - V.V.THÀNH
V.SỰ - L.KIÊN - V.V.THÀNH

TT - Nhiều đại biểu chỉ ra với quy định như dự thảo thì dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) chưa thể là cẩm nang để người dân yên tâm điều chỉnh các mối quan hệ dân sự.


Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP.HCM). Ảnh tư liệu TT.

Tại buổi thảo luận ngày 13-11, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh phân tích dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) quy định việc xác lập quyền sở hữu nhà ở khi mua bán thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật nhà đất.

Nhưng dự thảo Luật nhà đất (sửa đổi) quy định quyền sở hữu được xác lập khi bên mua và bên bán tự viết giấy và ký xác nhận chứ không phải là sau khi khai thuế trước bạ như hiện nay.

Quy định quá thoáng

“Kiểu này thì xã hội đen cho vay, cứ yêu cầu người vay viết giấy bán nhà thì coi như xã hội đen sẽ là người thắng thế, nắm trong tay luôn cái nhà mà không cần thủ tục gì khác. Thế này thì quá thoáng” - đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh nói.

Cho rằng Bộ luật dân sự hiện nay “ủy quyền” cho luật chuyên ngành quá nhiều, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) phân tích trong khi ở một số nước có hệ thống pháp luật tốt thì chỉ cần cầm Bộ luật dân sự là đi đâu cũng xài được.

Theo đại biểu Nghĩa, Bộ luật dân sự phải trở thành công cụ pháp lý, ở đâu cũng phải dùng được. Còn như dự thảo hiện nay có thể vẫn tiếp tục cảnh “án dân sự, xử sao cũng được”.

“Tôi ví dụ quy định về thời gian tố tụng của một vụ án dân sự kéo dài đến đâu cũng được. Thân chủ chỉ cần mướn năm luật sư, mỗi luật sư xin hoãn hai lần là đủ cho vụ việc kéo dài triền miên” - ông Nghĩa nói.

Một thế hệ có khi chưa làm xong

Đề cập đến thực tế vừa qua có những tai nạn mà nạn nhân là thai phụ dẫn đến thai nhi bị tử vong. Pháp luật quy định bồi thường cho người mẹ, nhưng thai nhi bị tử vong thì chưa được tính là một con người, pháp luật quy định đứa trẻ đã được sinh ra mới được tính là một con người.

Đại biểu Siu Hương (Gia Lai) đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu rất kỹ vấn đề này, kể cả việc bồi thường tinh thần cho gia đình nạn nhân. Bởi trên thực tế có những trường hợp gia đình người ta đã phải tốn rất nhiều tiền để can thiệp mới có thai.

Nói thêm về mục đích sửa đổi Bộ luật dân sự, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nói tham vọng là Bộ luật dân sự sẽ được làm kỹ, đừng để một bộ luật lớn thế này mà cứ mười năm phải sửa đổi một lần, nó sẽ làm đảo lộn các quan hệ dân sự, kinh tế của người dân.

“Bộ luật dân sự này là quan hệ dân sự, thương mại, kinh tế... nên nó phải tiếp cận với cơ chế kinh tế thị trường. Có người nói rằng một thế hệ không thể làm xong được Bộ luật dân sự” - ông Hà Hùng Cường nói.

Tòa án không được từ chối vụ việc dân sự

Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) ủng hộ việc dự thảo luật quy định tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.

Quy định này nhằm hạn chế trường hợp tòa án từ chối thụ lý và giải quyết các yêu cầu chính đáng của cá nhân, pháp nhân, đồng thời cũng nhằm công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bảo đảm trách nhiệm của Chính phủ, TAND trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân. “Đây là một quy định tiến bộ” - ông Hiến nói.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho biết lâu nay có thực tế nhiều người khởi kiện nhưng bị tòa trả lại, cuối cùng người dân không biết kêu ở đâu.

Chính vì vậy, việc quy định tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự tuy mới nhưng cần thiết.

V.SỰ - L.KIÊN - V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên