16/08/2022 10:25 GMT+7

Lúng túng chuyện lễ phục nam giới

MI LY - THIÊN ĐIỂU
MI LY - THIÊN ĐIỂU

TTO - Sau những bàn luận của cộng đồng mạng quanh bộ áo dài, khăn xếp của một vị đại sứ Việt Nam mặc trong buổi lễ trình quốc thư mới đây, một lần nữa vấn đề lễ phục cho nam giới lại được bàn luận.

Lúng túng chuyện lễ phục nam giới - Ảnh 1.

Ông Bạch Ngọc Chiến (giữa) mặc áo dài khăn đóng khi làm ngoại giao tại Mỹ năm 2005

"Chiếc áo dài một lần nữa gây bão, thú vị vì cơn bão lần này đổ bộ vào áo dài nam giới" - nhà thiết kế Minh Hạnh nói với Tuổi Trẻ.

Đừng chế giễu khi đại sứ mặc áo dài

Trên trang cá nhân, ông Bạch Ngọc Chiến - người từng đảm nhận nhiều chức vụ tại Bộ Ngoại giao (trong đó có phó vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại) và từng là trưởng ban truyền hình đối ngoại của Đài truyền hình Việt Nam (VTV4) - nhắc đến việc một quan chức từng chê mẫu áo dài trong một sự kiện cấp cao là "nhìn như quan phụ mẫu". Còn trên diễn đàn mạng, khi bình phẩm về mẫu áo dài nam Việt Nam mặc tại sự kiện quốc tế, có những lời chê bai nặng nề như "trông như người hầu".

Trước những cách ví von như vậy, ông Chiến bình luận với Tuổi Trẻ: "Đó là do cách nhìn của người ta, còn tôi không hề thấy thế. Áo dài là trang phục truyền thống của Việt Nam mình. Thế giới đang đồng bộ hóa về nhiều lĩnh vực nhưng riêng văn hóa, ngoại giao thì không. Trong thế giới ấy, các dân tộc lại càng muốn khẳng định bản sắc".

Ông Chiến thừa nhận ở Việt Nam lâu nay, áo dài nam giới phải chịu nhiều định kiến. Có những người nghĩ nó "phong kiến, lạc hậu, ẻo lả" để rồi dè bỉu, không trân trọng. Hiện tại, áo dài nam bắt đầu được mặc lại nhưng nhiều người vẫn chưa quen.

"Những lúc ra nước ngoài phải mặc complê, tôi chỉ ước mình có được bộ áo dài Việt Nam - ông Chiến nói - Tôi nghĩ bất cứ đại sứ nào của Việt Nam chọn mặc áo dài khi ra nước ngoài đều xuất phát từ lòng tự hào, tự tôn dân tộc rất cao. Tôi thấy hành động đó rất tuyệt vời. Tôi đoán một phần mọi người không thích áo dài nam vì nghĩ nó thiếu nam tính. Nhưng ngày xưa, các cụ vẫn mặc áo dài nhưng chỉ cần thắt lưng lại là có thể trông khỏe khoắn như những chiến binh. Đừng nghĩ rằng mặc áo dài là thiếu nam tính".

Mặc áo dài là chuyện nên làm, nhưng câu hỏi đặt ra là các đại sứ nên mặc sao cho đẹp, cho sang, xứng tầm quốc phục đại diện Việt Nam ở những sự kiện quốc tế quan trọng?

Theo ông Chiến, một trong những đại sứ mặc áo dài đẹp nhất là ông Trần Trọng Toàn, người đã về hưu. Khi làm đại sứ ở Malaysia, ông Toàn có nhiều phiên bản áo dài: vạt ngắn, vạt dài, áo cho mùa đông, mùa hè và những dịp khác nhau. Hiện tại, người mặc áo dài khá đẹp là đại sứ Đinh Toàn Thắng ở Pháp, chẳng hạn như trang phục trình quốc thư cho Tổng thống Emmanuel Macron năm 2021.

Thời APEC 2006, Việt Nam cũng từng may áo dài cho nguyên thủ quốc gia các nước mặc, trong đó có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.

Ông Chiến cũng cho rằng không cần quy chuẩn chính xác nhưng cũng nên có những quy ước chung về màu sắc, ví dụ như màu đen cho các dịp lễ trang trọng. Ông cho rằng để cách mặc nào trở thành chuẩn mực thì nên được số đông chấp nhận, chọn lọc tự nhiên.

Lúng túng chuyện lễ phục nam giới - Ảnh 2.

Đại sứ Đinh Toàn Thắng mặc áo dài trong lễ trình quốc thư cho Tổng thống Pháp Emmanuel Macron năm 2021

"Đừng hiểu tính thời đại là khuynh hướng"

Là người thiết kế nhiều mẫu áo dài cho các sự kiện ngoại giao quan trọng của Việt Nam từ trước đến nay, trong đó có APEC 2006, nhà thiết kế Minh Hạnh nhấn mạnh "tính thời đại" của áo dài.

Chị nói: "Đừng hiểu tính thời đại là khuynh hướng (trendy) vì áo dài không phải là chiếc áo thời trang. Áo dài cần được thở cùng hơi thở của cuộc sống. Chúng ta không thể xây dựng hình tượng của một người đàn ông, một người lãnh đạo thời đại này giông giống như các vua quan thời phong kiến. Vậy như thế nào để chứng minh bản sắc? Đây là câu chuyện rất lúng túng của chúng ta, của những nhà lãnh đạo văn hóa, ngoại giao mà hơn 30 năm qua tôi đã chứng kiến. Câu chuyện chiếc áo truyền thống dường như bế tắc hơn sau rất nhiều nỗ lực của các ban ngành". Theo Minh Hạnh, tính thời đại chính là tính thẩm mỹ của thời chúng ta đang sống.

Minh Hạnh cảnh báo: "Kết luận về một chiếc áo dài đúng là rất cần thiết cho tất cả chúng ta. Cần nhiều giải pháp, biện pháp để đi đến kết luận này, phải xem đây là công trình văn hóa của thế kỷ. Việc này cần lắm, gấp lắm, đừng chần chờ gì nữa. Một khi chiếc áo dài truyền thống còn chưa được công nhận là di sản văn hóa quốc gia thì chúng ta lại sẽ hoảng hốt với những biến tướng, biến thái".

Lúng túng chuyện lễ phục nam giới - Ảnh 3.

Mỗi khi mặc trang phục truyền thống, tôi luôn thấy tự hào và tự tin hơn, ý thức rằng mình đang tiếp nối, giữ gìn và phát triển tinh hoa của quê hương mình.

Nhà sản xuất âm nhạc K-ICM

Cần thiết khôi phục đề án lễ phục nhà nước

Năm 2013 Bộ VH-TT&DL đã giao Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm xây dựng đề án lễ phục Việt Nam để tìm kiếm bộ lễ phục nhà nước, sử dụng chung vào những dịp lễ trọng của quốc gia, tuy nhiên khi bộ trình Chính phủ vào năm 2014, đề án này đã phải dừng lại bởi chưa tìm được bộ lễ phục cho nam giới và một số lý do khác.

Ông Vi Kiến Thành - người từng giữ chức cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm thời điểm xây dựng đề án lễ phục nhà nước - chia sẻ với Tuổi Trẻ dự án này từng được cục làm rất công phu. Ba hội thảo đã được tổ chức ở ba miền đất nước vào năm 2013 nhằm lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà văn hóa để thống nhất tiêu chí chọn lễ phục nhà nước, định hướng các nhà thiết kế trong việc thiết kế lễ phục.

Cùng với các hội thảo, cục còn tổ chức cuộc thi thiết kế bộ lễ phục nhưng không thành công. Sau đó cục tiếp tục chọn phương án mời hơn chục nhà thiết kế có tiếng trong cả nước tham gia, nhưng kết quả không được như mong đợi.

Ông Thành cho biết trong khi mẫu lễ phục nữ là áo dài nhận được sự đồng thuận rất cao thì riêng bộ lễ phục cho nam giới, các nhà thiết kế đưa ra nhiều phương án khác nhau, từ áo dài khăn đóng, đến bộ complê cải tiến... và đều không nhận được sự ủng hộ từ các thành viên hội đồng tuyển chọn mẫu lễ phục cho tới người dân.

Ngoài ra còn có thêm những lý do khác khiến đề án này phải dang dở như hiện nay không có văn bản quy phạm pháp luật quy định cơ quan có thẩm quyền phê duyệt các vấn đề liên quan tới biểu tượng văn hóa của quốc gia.

Họa sĩ Nguyễn Đức Bình - chủ nhiệm Trung tâm hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống - Đình làng Việt, thành viên giúp việc đề án lễ phục nhà nước năm 2013-2014 - cho rằng rất cần thiết phải khởi động lại đề án này. 

Ông Bình ủng hộ phương án chọn lễ phục nhà nước cho nam giới là áo dài ngũ thân truyền thống. Ông cho rằng tỉnh Thừa Thiên Huế đang đi rất đúng hướng trong việc đưa chiếc áo dài nam truyền thống trở lại trong các hoạt động văn hóa, trong đời sống thường nhật cũng như trong môi trường công chức.

Cần có Luật biểu tượng văn hóa

Không chỉ đề án lễ phục dang dở, họa sĩ Nguyễn Đức Bình cho biết chuyện tương tự cũng đã xảy ra với đề án quốc hoa. Bởi không có cơ quan ký ban hành nên đề án này dù đã làm xong, đã lấy ý kiến người dân… nhưng cũng phải bỏ dở.

Ông Bình nhắc lại ý kiến của một đại biểu Quốc hội vài năm trước về việc cần thiết phải có Luật biểu tượng văn hóa. Ông Bình ủng hộ việc này để quy định rõ việc quản lý các biểu tượng văn hóa hay quy định cơ quan nào ký quyết định công nhận biểu tượng văn hóa quốc gia...

Dở dang đề án công nhận áo dài là lễ phục Dở dang đề án công nhận áo dài là lễ phục

TTO - Năm 2013 Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đã giao Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm xây dựng đề án lễ phục Việt Nam để tìm kiếm bộ lễ phục nhà nước, sử dụng chung vào những dịp lễ trọng của quốc gia.

MI LY - THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên