Bà Nhã Uyển cho rằng tác giả bộ tranh Đại lễ phục triều Nguyễn tên Nguyễn Khắc Nhân chứ không phải Nguyễn Văn Nhân - Ảnh: THIÊU ĐIỂU chụp lại tranh
Bà Hồ Mộng Nhã Uyển - chắt ngoại của họa sĩ vẽ truyền thần triều Nguyễn tên Nguyễn Khắc Nhân - đã phản hồi tới Tuổi Trẻ Online thông tin này khi bài báo vừa được xuất bản.
Bà Nhã Uyển cho biết hiện bà đang sống tại Mỹ, cũng là một họa sĩ, bà từng có triển lãm tại TP.HCM năm 1989 trước khi định cư tại Mỹ, và năm 2017 bà lại về nước mở triển lãm tại TP.HCM.
Theo bà Nhã Uyển, tên của tác giả bộ tranh Đại lễ phục triều Nguyễn mà nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn đã in thành sách phải là Nguyễn Khắc Nhân chứ không thể là Nguyễn Văn Nhân, và Nguyễn Khắc Nhân chính là cụ cố ngoại của bà.
Họa sĩ Nguyễn Khắc Nhân là họa sĩ vẽ truyền thần trong triều Nguyễn, có ba con trai là Nguyễn Phi Hổ, Nguyễn Phi Long, Nguyễn Phi Hùng và con gái út là Nguyễn Phi Phụng, còn có bút hiệu là nữ họa sĩ Maria Mộng Hoa. Cả hai Phi Hùng và Maria Mộng Hoa đều là họa sĩ có tên tuổi ở Huế trước 1975.
Bà Nhã Uyển chính là cháu ngoại của cố họa sĩ Mộng Hoa và là chắt ngoại của Nguyễn Khắc Nhân.
"Gia đình của chúng tôi rất vui khi thấy tranh của cố ngoại Nguyễn Khắc Nhân được in thành sách. Nhưng cũng thất vọng khi ông Nguyễn Đình Sơn không cất thêm chút công tìm hiểu thêm về gia đình con cháu của Nguyễn Khắc Nhân", bà Nhã Uyển viết cho Tuổi Trẻ Online.
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn khẳng định dòng chữ trên túi vải lanh đựng 54 bức họa đại lễ phục triều Nguyễn ghi rõ bằng chữ quốc ngữ là Nguyễn Văn Nhân - Ảnh: TRẦN ĐÌNH SƠN cung cấp
Nguyễn Văn Nhân là bút tự của Nguyễn Khắc Nhân?
Tuổi Trẻ Online đặt câu hỏi với gia đình bà Nhã Uyển liệu có bất cứ thông tin gì về bộ tranh được cho là của cụ cố Nguyễn Khắc Nhân? Và lý do gia đình khẳng định tác giả của bộ tranh là Nguyễn Khắc Nhân khi mà tên tác giả trên bộ tranh được viết rõ là Nguyễn Văn Nhân?
Bà Uyển cho hay gia đình bà không biết tin tức gì về bộ tranh được đề cập đến trong cuốn sách Đại Lễ Phục Việt Nam thời Nguyễn của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Sơn.
Theo trả lời của bà Nhã Uyển thì sở dĩ gia đình tin cụ cố ngoại của mình là tác giả của bộ tranh quý này là nhờ vào một bài viết của linh mục Anton Nguyễn Trường Thăng (bà Nhã Uyển nhầm là Thường Thăng) - một người chuyên viết các bài nghiên cứu về Huế, và đã mất năm 2018.
Theo bài viết của linh mục Anton Nguyễn Trường Thăng mà bà Nhã Uyển cung cấp thì vị linh mục này cho rằng tác giả của bộ tranh là họa sĩ Nguyễn Khắc Nhân chứ không phải Nguyễn Văn Nhân.
Vị linh mục cho rằng: "Việc ghi tên Nguyễn Văn Nhân trên các bức họa có thể do lầm lẫn của người ghi giấy". Ông cũng đưa ra giả thiết rằng Nguyễn Văn Nhân có thể là bút tự của họa sĩ, nhưng để khẳng định được điều này thì ông cũng viết "chúng ta cần thêm chứng cứ".
Một "chứng cứ" nữa mà linh mục này đưa ra để bảo vệ cho quan điểm của ông đó là: Phân tích hình họa và việc sử dụng màu sắc trên bộ tranh Đại lễ phục triều Nguyễn thì thấy "các họa sĩ là con của họa sĩ Nguyễn Khắc Nhân có nét tạo hình rất giống cha".
Linh mục Nguyễn Trường Thăng kết luận: "Tuy không dám đảm bảo 100%, nhưng tôi có thể tin rằng các họa phẩm trên hoàn toàn phù hợp với thời gian sinh sống của một họa sĩ mang tên Nguyễn Khắc Nhân tại kinh thành Huế. Trong khi chờ đợi những phát hiện mới, xin tạm thời chấp nhận thân phụ của các danh họa Phi Hổ, Phi Long, Phi Hùng, Mộng Hoa là tác giả 54 bức tranh vẽ vào năm 1902".
Chính những lập luận trong bài viết của linh mục Anton Nguyễn Trường Thăng đã khiến gia đình bà Nhã Uyển tin rằng tổ tiên của mình chính là tác giả của bộ tranh quý chứ trước đó gia đình không hề hay biết.
Theo ông Trần Đình Sơn, bộ tranh 'Triều đình Huế' hiện trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam cũng ghi tên tác giả là Nguyễn Văn Nhân - Ảnh: TRẦN ĐÌNH SƠN cung cấp
Có hai ông Nhân cùng thời?
Trả lời Tuổi Trẻ Online về những thông tin mà bà Nhã Uyển cung cấp, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn khẳng định dòng chữ trên túi vải lanh đựng 54 bức họa Đại lễ phục triều Nguyễn ghi rõ bằng chữ quốc ngữ là Nguyễn Văn Nhân.
Và không chỉ bộ tranh Đại lễ phục triều Nguyễn ghi rõ tác giả là Nguyễn Văn Nhân, kèm theo chức phẩm, bằng chữ Hán lẫn chữ quốc ngữ mà còn có những bộ tranh khác mới được phát hiện.
Đặc biệt, trên bức họa chân dung của sư tổ Hải Toàn hiện được thờ tại chủa Tường Vân (Huế), ghi rõ tên họ, quê quán của tác giả Nguyễn Văn Nhân ở phường Kim Liên, tổng Kim Liên, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội.
Tác phẩm Viện Cơ mật trong bộ tranh Triều đình Huế, được ghi tên tác giả là Nguyễn Văn Nhân - Ảnh: TRẦN ĐÌNH SƠN cung cấp
Sau khi cuốn sách Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn ra mắt công chúng, ông Sơn đã được thân hữu thông báo cho biết thêm một số tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân hiện còn lưu giữ được ở trong và ngoài nước, trong đó có bộ tranh Triều đình Huế (la Cour de Hué) vẽ năm 1895, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, đều ghi tác giả là Nguyễn Văn Nhân (hoăc Nhơn).
Ông Sơn kết luận: như vậy không thể có việc ghi nhầm lẫn "Khắc" thành "Văn" khi mà có rất nhiều bộ tranh cùng giai đoạn đó có tên tác giả là Nguyễn Văn Nhân.
Còn với giả thiết Nguyễn Văn Nhân là bút tự của Nguyễn Khắc Nhân, ông Sơn rất mong gia đình họa sĩ Nguyễn Khắc Nhân có thể cung cấp cứ liệu chính xác chứng minh điều này "để công bố cho giới nghiên cứu văn hóa mỹ thuật Việt Nam biết rõ, trả lại tác quyền cho chính tác giả".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận