Đại triều phục của hoàng đế nước Đại Nam - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Nhưng may mắn là một cuốn sách giới thiệu khảo cứu về lễ phục triều Nguyễn và giới thiệu toàn bộ bộ tranh quý này đã được nhà nghiên cứu lịch sử Trần Đình Sơn đưa đến rộng rãi công chúng.
Lễ phục tế Nam Giao của hoàng đế nước Đại Nam - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Trăm năm lỡ dở, một ngày duyên may
Nhà nghiên cứu lịch sử Trần Đình Sơn (hiện sinh sống tại TP.HCM) vốn đắm đuối với những trang phục cổ của cung đình Huế xưa. Ông còn gìn giữ được một số phẩm phục của tổ tiên trong nhà mình.
Gần đây, ông Sơn có nhiều dịp trở về tham dự festival Huế, thấy các nghi lễ tế Nam Giao, Xã Tắc, đại triều… được phục dựng.
Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ có ghi chú rõ ràng về việc chế tạo mũ áo cho hoàng gia, triều đình, nhưng ông hoài nghi rằng ngày nay liệu còn ai hiểu biết rành mạch, đầy đủ kiểu thức, hoa văn, biểu tượng để phục chế đúng nguyên mẫu.
Vì vậy, nhiều năm ông ấp ủ dự định biên soạn một tập sách về chuyên đề lễ phục triều Nguyễn, mong góp thêm tư liệu cho việc nghiên cứu Huế xưa nhưng loay hoay mãi bởi tư liệu mỏng.
Thế rồi một duyên may kỳ lạ bỗng dưng đến với ông.
Ngày hạ năm 2009, họa sĩ Nguyễn Trung Cang và em trai Nguyễn Trung Dũng (hai con của họa sĩ Nguyễn Văn Trung, một người chơi đồ cổ nổi tiếng ở Sài Gòn) từ Pháp về nước ghé thăm ông Sơn.
Sau nhiều hàn huyên, hai anh em mới trao tặng lại cho nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn một CD quý chép bộ tranh Grande teneu de la Cour d’Annam của Nguyễn Văn Nhân với lời nhắn nhủ, động viên ông cố gắng theo dõi thông tin thị trường hội họa để tìm cách mua bộ tranh quý đã lưu lạc ở nước ngoài trăm năm qua đưa về nước, cho "châu về hợp phố".
Lòng cũng muốn vậy nhưng lực bất tòng tâm, ông Sơn đành để tuột mất cơ hội ngàn năm có một để mua bộ tranh khi nó được đem bán đấu giá tại một nhà đấu giá ở Mỹ với giá chào bán 8.000-9.000 euro.
Từ đó, ông Sơn mất dấu với bộ tranh quý này, "hiện không biết quý nhân nào đang sở hữu quý vật".
Không đưa được quý vật về cố quốc, nhưng nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn 2 năm trước đã nỗ lực biên soạn và xuất bản tập sách Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn, với mục tiêu trước tiên nhằm giới thiệu rộng rãi bộ tác phẩm đặc biệt của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân, từ đó đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học hỏi và tái hiện lịch sử.
Phẩm phục của hoàng hậu, thứ phi, tam phi - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Đi tìm người họa sĩ bí ẩn
Kết hợp nhuần nhuyễn giữa kỹ thuật vẽ truyền thần truyền thống và các kỹ thuật của hội họa phương Tây, trong bộ tranh quý của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân, các loại phẩm phục, trang phục hoàng gia, triều thần, tăng sĩ, binh lính… được miêu tả hết sức chi tiết từ màu sắc đến các hoa văn trang trí.
Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, các tác phẩm của Nguyễn Văn Nhân là di sản quý báu, có giá trị và trở thành tài liệu quan trọng để phục vụ nghiên cứu, tái hiện lịch sử Việt Nam cận đại.
Trên phương diện lịch sử hội họa thì có thể xem các họa phẩm của Nguyễn Văn Nhân là dấu ấn khởi đầu quan trọng trong thời kỳ giao lưu, tiếp biến văn hóa mỹ thuật Việt Nam với nghệ thuật phương Tây.
Nguyễn Văn Nhân là ai?
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cho biết xưa nay chưa thấy có công bố nào rõ ràng về họa sĩ Nguyễn Văn Nhân. Nhưng trong khi tìm hiểu về tiểu tượng các cao tăng ở Huế thời Nguyễn, nhóm nghiên cứu của ông Sơn đã may mắn tìm được một số dấu tích của người họa sĩ bí ẩn này.
Theo đó, trên bức truyền thần của tổ sư Hải Toàn - Linh Cơ tại Tổ đình Tường Vân - Huế có ghi: Nguyễn Văn Nhân chức ký lục Tòa Khâm sứ tại kinh đô vâng lệnh vẽ. Thông tin cũng cho biết họa sĩ Nguyễn Văn Nhân quê quán ở phường Kim Liên, tổng Kim Liên, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội.
Trên bộ tranh Đại lễ phục triều đình An Nam vẽ năm 1902 thì ông lại ghi: Nguyễn Văn Nhân, chức biên tu Viện Hàn lâm hưu trí. Như vậy thời điểm vẽ bộ tranh này thì Nguyễn Văn Nhân đã hồi hưu.
Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, căn cứ vào năm hồi hưu, có thể phỏng đoán họa sĩ Nguyễn Văn Nhân sinh vào khoảng 1830-1840.
Ngắm một số tác phẩm trong bộ tranh quý:
Triều phục của hoàng tử, lễ phục của công chúa và triều phục của phò mã - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Đại triều phục của hoàng thân và lễ phục của hoàng thân dự tế Nam Giao - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Đại triều phục tước Quận công và lễ phục tước Quận công tế Nam Giao - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Đại triều phục tước Huyện hầu và Đại triều phục tước Hương công - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Đại triều phục tước Tả Quốc khanh và Đại triều phục tước Kỳ Ngoại hầu - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Triều phục tước Ti giao tôn thất và triều phục tước Trợ Quốc khánh - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Phẩm phục của ban văn từ phẩm thứ nhất đến phẩm thứ 9 - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Đại triều phục Chánh Nhị phẩm và Tổng Nhị phẩm (Thượng thư và Tam tri) - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Triều phục Chánh cửu phẩm, Tổng cửu phẩm - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Sắc phục của nhạc công hoàng cung, lính đánh trống hoàng cung, lính đốt pháo - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Sắc phục vào dịp lễ Thanh minh của lính khiêng kiệu, long đình và đội nghi trượng - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Sắc phục lễ Thanh minh của đội trưởng, binh lính - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Sắc phục lễ Thanh minh của Kinh Tượng vệ - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Sắc phục lễ Thanh minh của Võng Thành vệ - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận