Trình diễn áo dài tại Lễ hội áo dài ở TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Nhân câu chuyện "Phải công nhận áo dài là quốc phục" mà Tuổi Trẻ vừa đặt ra ngày 22-11, ông Vi Kiến Thành - cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm - chia sẻ thêm với Tuổi Trẻ thông tin về đề án lễ phục Việt Nam mà cục này từng đảm nhiệm xây dựng nhưng đã phải bỏ dở.
Ông Thành cho biết năm 2013 Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đã giao Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm xây dựng đề án lễ phục Việt Nam để tìm kiếm bộ lễ phục nhà nước, sử dụng chung vào những dịp lễ trọng của quốc gia.
Dự án này đã được làm rất công phu, với ba hội thảo được tổ chức ở ba miền đất nước nhằm lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà văn hóa để thống nhất tiêu chí chọn lễ phục nhà nước, định hướng các nhà thiết kế trong việc thiết kế lễ phục, tổ chức cuộc thi thiết kế bộ lễ phục và đã mời hơn chục nhà thiết kế cả nước tham gia.
Tuy nhiên, kết quả không được như mong đợi. Trong khi mẫu lễ phục nữ được các nhà thiết kế chọn là áo dài, nhận được sự đồng thuận rất cao từ người dân đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà văn hóa thì riêng bộ lễ phục cho nam giới, các nhà thiết kế đưa ra nhiều phương án khác nhau, từ áo dài khăn đóng, đến mẫu áo Tôn Trung Sơn cải tiến, bộ complê cải tiến...
Các mẫu này đều không nhận được sự ủng hộ từ các thành viên hội đồng tuyển chọn mẫu lễ phục cho tới người dân.
Vì vậy, khi trình lên Chính phủ vào năm 2014, đề án này đã phải dừng lại bởi chưa tìm được bộ lễ phục cho nam giới và một số lý do khác. Vì vậy tới nay, mặc dù áo dài nhận được sự đồng thuận rất lớn của xã hội nhưng vẫn chưa có văn bản cụ thể nào công nhận áo dài nữ là lễ phục.
Dưới góc độ của người làm chuyên môn, ông Vi Kiến Thành cho rằng rất nên xúc tiến để áo dài trở thành lễ phục cho nữ giới ở Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận