15/10/2019 07:45 GMT+7

Trang phục Việt đâu chỉ là áo dài

MI LY
MI LY

TTO - Dư luận phẫn nộ vì ca sĩ Mỹ mặc "áo dài không quần" cho thấy người Việt rất trân trọng trang phục dân tộc. Nhưng trang phục Việt là phạm trù rộng lớn hơn nhiều. Và người Việt còn rất nhiều điều phải làm để gìn giữ giá trị của trang phục dân tộc

Trang phục Việt đâu chỉ là áo dài - Ảnh 1.

Các người mẫu trong bộ ảnh phục dựng bộ sưu tập Áo dài Lemur - Ảnh: THÁI VŨ VŨ/VIỆN TRANG PHỤC VIỆT

Đó là một trong những nhận định được đưa ra từ tọa đàm Trang phục xứ Đàng Trong, do Viện Nghiên cứu trang phục Việt (gọi tắt là Viện Trang phục Việt) tổ chức tại TP.HCM sáng 14-10.

Một điểm độc đáo của tọa đàm là đưa ra cái nhìn bao quát về trang phục của các dân tộc xứ Đàng Trong, chứ không riêng người Kinh.

Thương trang phục của cả 54 dân tộc

Tọa đàm có sự tham gia của một số chuyên gia về trang phục Việt. Đó là nhà thiết kế Lê Sĩ Hoàng - người sáng lập Bảo tàng Áo dài kiêm chủ tịch hội đồng Viện Trang phục Việt, TS Bá Trung Phụ - nhà nghiên cứu trang phục Chăm, TS Nguyễn Thị Hoa Xinh - nhà nghiên cứu lâu năm về trang phục của người Hoa tại TP.HCM, TS Hồ Văn Tường - chuyên gia về trang phục của đồng bào Khmer ở Nam Bộ.

"Với áo dài, tôi không dùng chữ đam mê vì đam mê nào rồi cũng sẽ hết. Tôi dùng chữ thương. Tôi thương tà áo dài. Thương lắm khi nó từng trải qua rất nhiều thăng trầm lịch sử" - nhà thiết kế Sĩ Hoàng bộc bạch. 

Ông chia sẻ thêm: "Nhưng tình thương tà áo dài phải dẫn đến hành động thiết thực và sâu xa hơn, đó là sự thành lập của Viện Trang phục Việt. Bởi vì trang phục người Việt trong lịch sử không chỉ có tà áo dài, mà trang phục của 53 dân tộc khác cũng là những di sản vô cùng quý giá".

Tọa đàm Trang phục xứ Đàng Trong chỉ gói gọn trong một buổi sáng, tuy nhiên đã đưa ra góc nhìn khá rộng về trang phục Việt của nhiều cộng đồng dân tộc. 

Các học giả đã khảo cứu về lịch sử của những loại trang phục sau: áo bà ba, áo túi, khăn rằn, áo dài phụ nữ qua các thời kỳ, áo dài khăn đóng của đàn ông, trang phục thường ngày của người dân Sài Gòn trước và sau năm 1975...

Bên cạnh đó là một thế giới rộng lớn về trang phục của người Hoa ở Nam Bộ: quần áo thường ngày của nữ giới, xường xám, xá xẩu và quần tiều của nam giới, trang phục cưới cổ truyền là xám khoành và lùng xám, trang phục của người Hoa Phúc Kiến và Triều Châu...

Lo ngại "Kinh hóa"

TS Bá Trung Phụ (người Chăm) nhận định: "Trong 54 dân tộc Việt Nam gồm 4 ngữ hệ Mayopônisien, Môn Khmer, Hán Tạng, Việt Mường thì mỗi cộng đồng tộc người đều có những đặc trưng về văn hóa, tạo nên bản sắc riêng trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa ở Việt Nam. 

Chẳng hạn, áo dài là một trong những khía cạnh biểu hiện bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có áo dài phụ nữ Chăm". Theo ông, lịch sử của Aw kamei Cam (áo dài truyền thống phụ nữ Chăm) có thể lên đến hàng nghìn năm.

Bên cạnh đó, còn có dân tộc thiểu số Khmer Nam Bộ, một dân tộc từng có nhiều nét đặc thù trong quá khứ nhưng ngày nay thích ăn mặc như người Việt, người Hoa, người Chăm nên khó phân biệt về văn hóa. 

Chính vì vậy, các học giả lo ngại về tình trạng các dân tộc đang bị "Kinh hóa" về trang phục, phản đối quan niệm "mặc giống người Kinh mới được coi là văn minh".

Tại sao chỉ phụ nữ bảo tồn áo dài?

"Lớp trẻ ngày nay yêu trang phục Việt nhưng đôi khi chưa yêu đúng đắn: hát đờn ca tài tử mà mặc áo tứ thân, hát quan họ mà mặc áo bà ba. Tôi nghĩ cần có giải pháp để người Việt hiểu hơn về trang phục của mình và yêu sao cho đúng" là ý kiến của bà Huỳnh Ngọc Vân (quản lý Bảo tàng Áo dài).

Thêm vào đó, bổn phận duy trì sử dụng trang phục Việt trong các hoạt động thường ngày cũng đang thiên về nữ giới.

"Tại sao chỉ phụ nữ Việt Nam mới có nghĩa vụ bảo tồn áo dài, còn đàn ông không chọn áo dài trong những dịp long trọng: lúc nhận bằng tốt nghiệp, lúc tham gia sự kiện quốc tế? Khi tìm hiểu về áo dài Việt Nam, cần tìm hiểu áo dài của cả nam lẫn nữ. 

Có những mẫu áo dài nam rất đẹp như của cụ Nguyễn Phú Đẹ, của GS Trần Văn Khê" - bà Vân đặt vấn đề.

Trước những vấn đề đó, sự ra đời của Viện Trang phục Việt là rất cần thiết, với vai trò không chỉ nghiên cứu mà còn phục dựng và sản xuất trang phục Việt cổ để đưa vào ứng dụng.

Giới thiệu "Áo dài Lemur"

Tối 14-10, Viện Trang phục Việt tổ chức lễ ra mắt tại Bảo tàng TP.HCM. Trong sự kiện này, viện giới thiệu tác phẩm Áo dài Lemur và bối cảnh Phong Hóa & Ngày Nay của TS Phạm Thảo Nguyên, trí thức Việt đang định cư tại Mỹ.

Đây là công trình khảo cứu công phu với nguồn tư liệu quý từ ông Nguyễn Trọng Hiền - con trai nhà thiết kế nổi tiếng một thời Lemur Nguyễn Cát Tường ("Tà áo dài lượn một cuộc canh tân", Tuổi Trẻ ngày 24-1-2019).

Nữ ca sĩ  Kacey Musgraves từng đoạt Grammy mặc áo dài với... quần lót biểu diễn Nữ ca sĩ Kacey Musgraves từng đoạt Grammy mặc áo dài với... quần lót biểu diễn

TTO - Cộng đồng mạng đang phản đối mạnh mẽ Kacey Musgraves - một nữ ca sĩ từng đoạt giải Grammy - khi cô này mặc áo dài... không có quần dài để trình diễn tại một đêm nhạc ở Dallas (Mỹ). Nữ diễn viên Ngô Thanh Vân tỏ ra phẫn nộ.

MI LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên