08/01/2024 16:01 GMT+7

Luật sư: Cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long không đòi hỏi, yêu cầu Việt Á đưa tiền hối lộ

Luật sư cho rằng sai phạm của cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long xuất phát từ bối cảnh đặc thù, đòi hỏi phải có cách xử lý chưa từng có tiền lệ, bị cáo không đòi hỏi, gợi ý, yêu cầu Việt Á đưa tiền.

Bị cáo Phan Quốc Việt được dẫn giải đến tòa sáng 8-1 - Ảnh: DANH TRỌNG

Bị cáo Phan Quốc Việt được dẫn giải đến tòa sáng 8-1 - Ảnh: DANH TRỌNG

Chiều 8-1, phiên tòa xét xử hai cựu bộ trưởng cùng 36 người trong vụ án Việt Á tiếp tục phần tranh luận, các luật sư nêu quan điểm bào chữa cho thân chủ của mình.

Mức án viện kiểm sát đề nghị cho 38 bị cáo TẠI ĐÂY.

"Cần xem xét đóng góp to lớn của Phan Quốc Việt và Việt Á"

Trong số 38 bị cáo, viện kiểm sát đề nghị tòa tuyên phạt Phan Quốc Việt 15-16 năm tù về tội "vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và 15-16 năm tù về tội đưa hối lộ. Tổng hình phạt Việt bị đề nghị cho 2 tội danh là 30 năm tù.

Bào chữa cho bị cáo Phan Quốc Việt, luật sư Hà Thế Long và Trần Quân (Đoàn luật sư TP Hà Nội) đề nghị viện kiểm sát cho biết đề tài kit xét nghiệm do Học viện Quân y nghiên cứu đã hoàn thành chưa và kit xét nghiệm COVID-19 của đề tài có phải là tài sản nhà nước không?

Luật sư cho rằng nếu đề tài đã hoàn thành thì việc nghiệm thu của hội đồng nghiệm thu là đúng và kit xét nghiệm là sản phẩm của đề tài. Vì trong báo cáo nghiệm thu có sử dụng kết quả kiểm nghiệm kit xét nghiệm do Công ty Việt Á sản xuất.

Ngược lại, nếu đề tài chưa hoàn thành thì số kit xét nghiệm mà Công ty Việt Á cho các cơ sở y tế ứng trước không thuộc sở hữu của Nhà nước, mà phải theo giá thương mại.

Bên cạnh đó, luật sư đề nghị cần xem xét những đóng góp to lớn của bị cáo Việt và Công ty Việt Á.

"Giá trị thực tế kit xét nghiệm của Công ty Việt Á đã phục vụ kịp thời nhiệm vụ cấp bách cho các CDC của các cơ sở y tế tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước thực hiện xét nghiệm, khoanh vùng dập dịch.

Vì nếu không có kit xét nghiệm của Việt Á thì tính mạng, sức khỏe của người dân sẽ đi đến đâu?", luật sư nêu quan điểm.

Cũng theo luật sư, trong quá trình điều tra, Phan Quốc Việt đã thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội của mình.

Bị cáo đã tác động vợ khắc phục hậu quả, nhưng vì tài sản của Việt Á và tài sản cá nhân của Việt đang bị phong tỏa, kê biên nên bị cáo mới nộp 200 triệu đồng khắc phục hậu quả.

Bị cáo Việt cũng đã có đơn đề nghị các cơ quan tố tụng sử dụng số tiền và tài sản đang bị phong tỏa, kê biên để khắc phục hậu quả…

Từ đó, các luật sư đề nghị tòa quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt với bị cáo Phan Quốc Việt.

Bị cáo Nguyễn Thanh Long tại tòa - Ảnh: PHƯƠNG NAM

Bị cáo Nguyễn Thanh Long tại tòa - Ảnh: PHƯƠNG NAM

Luật sư: Ông Nguyễn Thanh Long không đòi hỏi, gợi ý, yêu cầu Việt Á đưa tiền hối lộ

Trong khi đó, cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bị viện kiểm sát đề nghị 19-20 năm tù về tội nhận hối lộ.

Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thanh Long, luật sư Trần Nam Long cho rằng sai phạm của ông Long và các bị cáo làm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế đều xuất phát từ bối cảnh đặc thù, đòi hỏi phải có cách xử lý chưa từng có tiền lệ.

Theo luật sư, toàn bộ các sai phạm bị cáo buộc đều diễn ra vào thời điểm tháng 3-2020, khi mà tình hình dịch COVID-19 đã lan rộng ra nhiều nước và một số nước có diễn biến cực kỳ phức tạp, số ca tử vong ngày càng tăng cao.

Luật sư Trần Nam Long bào chữa cho cựu bộ trưởng Bộ Y tế tại phiên tòa vụ Việt Á - Ảnh: GIANG LONG

Luật sư Trần Nam Long bào chữa cho cựu bộ trưởng Bộ Y tế tại phiên tòa vụ Việt Á - Ảnh: GIANG LONG

Lúc này chưa có vắc xin đặc hiệu, cũng chưa có thuốc chữa, vì vậy biện pháp khoanh vùng dập dịch là giải pháp tối ưu tại Việt Nam. Yêu cầu tất yếu thời điểm đó là phải có kit xét nghiệm, tuy nhiên kit xét nghiệm nhập khẩu giá cao, cạnh tranh gay gắt, rất khó mua được.

Trong bối cảnh ấy, tất cả những người làm công tác y tế đến các cán bộ khác không hề có ý nghĩ gì khác ngoài việc làm sao đất nước sớm chủ động được kit xét nghiệm để phục vụ yêu cầu khẩn cấp của thực tiễn.

Bên cạnh đó, theo luật sư, nhiệm vụ cấp phép kit xét nghiệm đã được phân công cho hai thứ trưởng và các bộ phận giúp việc liên quan, ông Long chỉ đôn đốc chung các đầu việc. Các tờ trình liên quan đến cấp phép đều gửi cho các thứ trưởng, chứ không gửi cho ông Long để chỉ đạo.

Ngoài ra, luật sư cho rằng ông Nguyễn Thanh Long không có hành vi đòi hỏi, gợi ý, yêu cầu đưa tiền hối lộ. Cáo trạng xác định ông Long nhận tiền từ tháng 12-2020 đến tháng 11-2021, thời điểm này xảy ra sau khi Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành kit xét nghiệm Việt Á ít nhất 9 tháng.

"Trong thực tiễn, không ai có ý đồ gợi ý, đề nghị nhận tiền để giúp một việc mà lại thực hiện việc gợi ý, đề nghị sau khi việc ấy hoàn thành cả năm trời như vậy", luật sư nhấn mạnh.

Cuối phần trình bày, luật sư đề nghị hội đồng xét xử đánh giá đầy đủ về nhân thân, những cống hiến của cựu bộ trưởng Bộ Y tế trong suốt 30 năm công tác, đặc biệt là giai đoạn phòng, chống đại dịch COVID-19 để cân nhắc, cho thân chủ được hưởng mức án thấp nhất.

Viện kiểm sát cáo buộc để được các bị cáo là các cựu quan chức can thiệp, giúp đỡ cấp phép sản xuất kit xét nghiệm, Phan Quốc Việt đã thỏa thuận ăn chia, đưa tiền hối lộ, tiền cảm ơn nhiều lần, với tổng số tiền 3,45 triệu USD và 4 tỉ đồng.

Ngoài việc sử dụng mối quan hệ quen biết cá nhân, Phan Quốc Việt còn dùng tiền để tác động các bị cáo có vị trí, chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi trái pháp luật, tạo lợi thế bất hợp pháp cho Công ty Việt Á, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Từ chối nhận tiền của Việt Á: Giám đốc CDC Bình Dương được đề nghị mức án bằng thời gian tạm giamTừ chối nhận tiền của Việt Á: Giám đốc CDC Bình Dương được đề nghị mức án bằng thời gian tạm giam

Viện kiểm sát nhận định cựu giám đốc CDC Bình Dương đã có hành vi sai phạm trong đấu thầu nhưng không có yếu tố vụ lợi, từng từ chối nhận tiền "cảm ơn" của Phan Quốc Việt, nên đề nghị tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên