05/10/2022 09:57 GMT+7

Luận án tiến sĩ về áo ngực: Nghe qua có vẻ 'lạ', nhưng là nghiên cứu thiết thực?

M.N (tổng hợp)
M.N (tổng hợp)

TTO - "Đề tài này liên quan đến sức khỏe của 1/2 thế giới đấy, không việc gì mà lăn tăn? Đây là nghiên cứu thiết thực đến sức khỏe của chị em phụ nữ; Chất lượng nghiên cứu như nào thì chưa biết nhưng đề tài rất thiết thực với cuộc sống...".

Luận án tiến sĩ về áo ngực: Nghe qua có vẻ lạ, nhưng là nghiên cứu thiết thực? - Ảnh 1.

Đề tài nghiên cứu luận án tiến sĩ về áo ngực của một nghiên cứu sinh Trường đại học Bách khoa Hà Nội gây xôn xao - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Trên đây là một số bình luận của bạn đọc xung quanh câu chuyện Luận án tiến sĩ về áo ngực gây tò mò đăng trên Tuổi Trẻ Online.

Như đã thông tin, những ngày qua, trên mạng xã hội đang bàn tán xôn xao về đề tài nghiên cứu luận án tiến sĩ về áo ngực của một nghiên cứu sinh Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Đại diện nhà trường vừa có những lý giải chính thức về vụ việc.

"Một đề tài mới có tính thiết thực và có ích cho cuộc sống. Không có gì gọi là ầm ĩ cả! Lĩnh vực nào của cuộc sống cũng cần được nghiên cứu sâu sắc, thấu đáo..."

Ý kiến bạn đọc Lê Đức Đồng

Dù có nhiều ý kiến tán thành hoặc có một số người chưa đồng tình, cho rằng đề tài "nhỏ như con thỏ" cũng trở thành luận án tiến sĩ, tuy nhiên như chủ đề bài báo, hầu hết đều "tò mò" và cho rằng có hơi thở từ thực tiễn!

"Về chuyên môn đề tài hãy để những người có chuyên môn bình luận. Phần mình, tôi thấy tên đề tài đúng với nghề nghiệp của người ta, quy mô đề tài cũng phù hợp" - bạn đọc tên Duy viết.

Và, theo bạn đọc này: "Các chị em muốn hưởng thụ những sản phẩm tiện nghi thì cần phải có người nghiên cứu để thiết kế phù hợp. Xu hướng hùa theo số đông không phù hợp với chủ đề này rồi". 

Cùng quan điểm này, bạn đọc Thanh bổ sung: "Không nên phán xét tiêu cực khi chưa đọc nội dung. Dù sao đọc qua tên đề tài tôi thấy tính thực tiễn rất cao đấy chứ. Chỉ có nghiên cứu cơ bản và ứng dụng thì chúng ta mới có ngành công nghiệp may mặc phát triển, thoát cảnh gia công giá trị thấp, làm thuê mãi".

Phân tích sâu hơn, bạn đọc Le viết: "Tôi không cùng chuyên môn, nhưng đã nghe tên các phương pháp được tác giả sử dụng trong luận án. Theo quan điểm cá nhân tôi, đó thực sự là những phương pháp/tiếp cận mới mẻ và khoa học mà tại các labs ở nước ngoài chúng tôi cũng đang sử dụng (k-means, Naive Bayes,...)".

Ở góc độ khoa học, bạn đọc Quang bổ sung: "Theo như giải thích, sản phẩm khoa học liên quan đến đề tài với 8 công trình nghiên cứu được công khai trong nước và quốc tế, trong đó có 1 bài báo khoa học thuộc hệ thống ISI, 3 bài báo khoa học công bố (Scopus, Springer); 4 bài báo khoa học công bố trên tạp chí khoa học và công nghệ trong nước (có phản biện và được tính điểm của Hội đồng học hàm giáo sư nhà nước) và 1 giải thưởng Khoa học công nghệ đo lường Việt Nam 2020, thì tôi càng khâm phục với cô ấy hơn". 

Tuy nhiên, ngoài những ý kiến đồng tình, ủng hộ... cũng không ít ý kiến cho rằng quá nhỏ bé với một luận án tiến sĩ!

Về ý này, bạn đọc Tâm Chính Tài nói: "Đề tài làm luận án thì không sai nhưng có lẽ là luận án cho THPT thì chính xác hơn".

Phản biện lại, một số bạn đọc cho rằng, quan trọng là đề tài nghiên cứu có đi vào thực tiễn được không, hay chủ yếu làm để cấp bằng rồi cho vào tủ. Thậm chí, có ý kiến còn đề xuất các nghiên cứu luận án tiến sĩ sau này hãy đưa vào thực tiễn, khi xã hội công nhận rồi mới cấp bằng, chứ nói miệng không thì ai nói không được!

Cùng là người thụ hưởng, bạn đọc Ngọc Thương viết: "Tôi thấy nghiên cứu này có lợi cho chị em phụ nữ nói chung. Nghiên cứu về chất liệu để tạo ra sản phẩm phục vụ và để sử dụng hằng ngày là rất cần thiết, gần gũi với chị em chúng ta mà".

Theo bạn đọc này, cái được trước mắt là nói về sức khỏe và sự lưu thông của tuần hoàn máu. "Nhiều cái tít của bài luận án khi mới đọc có thể suy luận, suy nghĩ. Khi xem hết nội dung bên trong có khi cái tít bài viết nó mang một giá trị nào đó mà người viết cần quan tâm. Trong viết bài luận án có thể đổi lại cái tít được bình thường nếu như có sự phù hợp với nội dung bên trong" - bạn đọc Ngọc Thương phân tích thêm.

Về câu từ tên đề tài nghe qua có vẻ "lạ", bạn đọc Ngô Chí Trung nêu ý kiến: "Đây là vấn đề mới, rất mới, chắc có lẽ chúng ta là người Á Đông nên khi nhắc đến một bộ phận nào đó của phụ nữ, là vấn đề nhạy cảm. Một nghiên cứu sinh mạnh dạn xây dựng đề tài, có thể xem là ý tưởng dũng cảm, nên khuyến khích".

Luận án tiến sĩ về áo ngực gây tò mò, Trường đại học Bách khoa nói gì? Luận án tiến sĩ về áo ngực gây tò mò, Trường đại học Bách khoa nói gì?

TTO - Những ngày qua, trên mạng xã hội đang bàn tán xôn xao về đề tài nghiên cứu luận án tiến sĩ về áo ngực của một nghiên cứu sinh Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Đại diện nhà trường vừa có những lý giải chính thức.


M.N (tổng hợp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên