04/10/2022 14:00 GMT+7

Luận án tiến sĩ về áo ngực gây tò mò, Trường đại học Bách khoa nói gì?

NGUYÊN BẢO
NGUYÊN BẢO

TTO - Những ngày qua, trên mạng xã hội đang bàn tán xôn xao về đề tài nghiên cứu luận án tiến sĩ về áo ngực của một nghiên cứu sinh Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Đại diện nhà trường vừa có những lý giải chính thức.

Luận án tiến sĩ về áo ngực gây tò mò, Trường đại học Bách khoa nói gì? - Ảnh 1.

Đề tài nghiên cứu luận án tiến sĩ về áo ngực của một nghiên cứu sinh Trường đại học Bách khoa Hà Nội gây xôn xao - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Luận án tiến sĩ ngành công nghệ dệt, may có tiêu đề "Nghiên cứu ảnh hưởng của đặc điểm nhân trắc ngực nữ sinh Bắc Việt Nam tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực".

Đây là luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung, công tác tại khoa công nghệ may và thời trang Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên. Hai người hướng dẫn là PGS.TS Nguyễn Nhật Trinh và PGS.TS Nguyễn Thị Lệ.

Tên đề tài nghiên cứu này đã khiến dư luận và mạng xã hội xôn xao về cách đặt tên, chọn đối tượng "nữ sinh Bắc Việt Nam", cùng những ý kiến hoài nghi về ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài.

Trước thắc mắc của nhiều người vì tên đề tài nghe qua có vẻ "lạ", giáo sư Nguyễn Văn Tuấn - Đại học New South Wales - cho biết không thấy có gì quá ngạc nhiên vì ở Trường đại học Công nghệ Sydney (UTS) đã có những luận án với chủ đề tương tự.

Giáo sư Tuấn chia sẻ ngực và áo ngực của người phụ nữ đã và đang là đề tài của nhiều nghiên cứu. Tuy nhiên ông không đồng ý với cách đặt tựa đề mà chỉ có phụ nữ miền Bắc Việt Nam, cách đặt tên này vi phạm hầu như tất cả các nguyên lý đặt tựa đề của một đề tài nghiên cứu, bài báo khoa học.

"Nhưng tôi thông cảm cho nghiên cứu sinh nên không quá quan tâm đến chuyện đó vì không hiểu từ đâu, nghiên cứu sinh buộc phải đặt tựa đề luận án hay bài báo khoa học theo công thức "nghiên cứu" + đối tượng + địa điểm + thời gian.

Việc quan trọng của một luận án là phải có cái mới, bảo đảm hợp lý nội tại, còn nghiên cứu trên cá nhân không quá quan trọng. Chúng ta không thể phán xét nếu chưa đọc luận án của người ta", giáo sư Tuấn nói.

Luận án tiến sĩ về áo ngực gây tò mò, Trường đại học Bách khoa nói gì? - Ảnh 2.

Tóm tắt kết luận của luận án được website Bộ phận Đào tạo sau đại học, Phòng Đào tạo, Trường đại học Bách khoa Hà Nội đăng tải vào ngày 19-8 - Ảnh: website Bộ phận Đào tạo sau đại học

PGS.TS Phan Thanh Thảo - viện trưởng Viện Dệt may - da giày và thời trang, Trường đại học Bách khoa Hà Nội - cho biết trường cũng đã biết thông tin này với nhiều luồng ý kiến khác nhau.

Trường khẳng định đây là đề tài chuyên ngành về công nghệ dệt, may, có ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn.

Đề tài có tính cấp thiết rất lớn vì áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực nữ có vai trò đặc biệt quan trọng với cảm nhận và ảnh hưởng tới sức khỏe của người mặc. Áo ngực có thể làm cho người mặc cảm thấy khó chịu, hạn chế lưu thông máu, đau nhức, tổn thương trên da… nếu giá trị áp lực của áo ngực lên cơ thể trong thời gian dài và lớn hơn mức chịu đựng của con người.

Hiện nay trên thế giới, nhiều nghiên cứu đã được thực hiện trên các nhóm phụ nữ ở lứa tuổi khác nhau tại các nước như Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…

PGS.TS Phan Thanh Thảo chia sẻ với nội dung nghiên cứu của luận án này, nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung cũng đã có 8 công trình nghiên cứu được công khai trong nước và quốc tế, trong đó có 1 bài báo khoa học thuộc hệ thống ISI, 3 bài báo khoa học công bố (Scopus, Springer); 4 bài báo khoa học công bố trên tạp chí khoa học và công nghệ trong nước (có phản biện và được tính điểm của Hội đồng học hàm giáo sư nhà nước) và 1 giải thưởng Khoa học công nghệ đo lường Việt Nam 2020.

Trong đó nội dung của các bài báo đều phản ánh kết quả của luận án. Vấn đề nghiên cứu này còn rất mới, hoàn toàn phù hợp và rất cần thiết nhằm góp phần xây dựng cơ sở khoa học để cải thiện độ tiện nghi áp lực của áo ngực nữ cho người mặc trong quá trình thiết kế và sản xuất áo ngực.

PGS.TS Phan Thanh Thảo cũng cho biết thêm một số công trình nghiên cứu của các tác giả trong nước có liên quan đến áo ngực, áp lực đều được công bố trên các tạp chí uy tín trong nước.

"Tại Việt Nam, một số nghiên cứu về đặc điểm nhân trắc cơ thể người và xây dựng hệ thống cỡ số cho các đối tượng khác nhau đã được thực hiện. Tuy nhiên, các nghiên cứu về đặc điểm nhân trắc ngực, phân nhóm ngực nữ sinh Bắc Việt Nam vẫn chưa được thực hiện đầy đủ và chi tiết. Do đó, nghiên cứu ảnh hưởng của đặc điểm nhân trắc ngực nữ sinh Bắc Việt Nam đến áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực là cần thiết", PGS.TS Phan Thanh Thảo nhấn mạnh.

Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đang xác minh luận án tiến sĩ của bà Phan Thị Ngàn Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đang xác minh luận án tiến sĩ của bà Phan Thị Ngàn

TTO - Hiện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đang chờ phản hồi từ Học viện Khoa học xã hội về luận án tiến sĩ của bà Phan Thị Ngàn (phó khoa thường trực du lịch và Việt Nam học).

NGUYÊN BẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên