24/09/2019 11:16 GMT+7

Lửa nghề truyền mãi ngàn sau - Kỳ 8: Người đóng ghe ngo số 1

TIẾN TRÌNH
TIẾN TRÌNH

TTO - Nhiều người uy tín tìm đến dòng họ có nghề đóng ghe ngo nổi tiếng từ bao đời nay ở Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) nhưng truyền nhân đã lang bạt kỳ hồ.

Lửa nghề truyền mãi ngàn sau - Kỳ 8: Người đóng ghe ngo số 1 - Ảnh 1.

Danh Vũ bên chiếc ghe ngo mình đóng - Ảnh: KIM TRINH

Dòng họ đóng ghe ngo

"Với người Khmer, ghe ngo đặc biệt lắm. Đó không chỉ chiếc ghe đua mà còn là biểu tượng cho sức khỏe, niềm tin, nghệ thuật nữa..." - Danh Pích, anh chàng đam mê ghe ngo ở phường 9 (TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng), sợ chúng tôi không hiểu và tôn trọng chiếc ghe khi gặp những người hiểu biết trong giới nên cẩn thận dặn dò.

Bây giờ điều kiện kinh tế khấm khá, nhiều nơi đã sắm ghe ngo như biểu tượng của sự đầy đủ, ấm no. "Ngày xưa ghe ngo sang trọng lắm. Gặp ghe ngo là con nít nó bu dữ. Mà đóng ghe ngo cũng khó vàng trời. Phải thợ mộc cao tay mới dám đóng. Ghe nó có hồn. Nhiều chiếc thả xuống là muốn chồm lên trước. Còn có chiếc ghe gặp nước lại nằm lì..." - Danh Pích chia sẻ.

Người ta cũng nói rằng có thể nghe một người Khmer nói ngày này qua ngày nọ về những chiếc ghe ngo, về những cuộc thi. Những tay bơi ghe ngo chiến thắng luôn là những người hùng của phum sóc.

Trong giới đua ghe ngo Nam Bộ, tên tuổi đóng ghe ngo số 1 đang thuộc anh chàng Danh Vũ ở Sóc Trăng. Thời gian rất dài, một dòng họ ở Ngọc Chúc là nơi đáng tin cậy nhất khi các phum sóc cử người tìm thầy đóng ghe ngo. Nhưng từ đầu những năm 2000, hai người con trai, cũng là hậu duệ của nghệ nhân Lâm Én, đời thứ ba của gia đình các nghệ nhân đóng ghe ngo nổi tiếng đã lưu lạc khắp nơi. Nhiều chức sắc các phum sóc tìm đến nhờ đóng ghe ngo thì không gặp họ nữa, đành thất vọng trở về.

Ngày trước, người Khmer từ miệt Cà Mau tới Trà Vinh, Long An, Vĩnh Long... mỗi khi kiếm thầy đóng ghe ngo đều tìm đến gia đình họ Danh ở Ngọc Chúc. Gốc gác từ vùng Bảy Núi (An Giang), không ai hiểu vì sao ông Chau Sua, một người có nghề mốc (khoét) xuồng bằng gỗ độc mộc nổi tiếng, lại tìm về vùng xa khuất Giồng Riềng. Ông đổi sang họ Danh và vẫn giữ nghề đóng ghe xuồng thượng thừa của mình. 

Thời đó quá vất vả để làm ra những chiếc ghe hình rồng, hình rắn như thế này. Ông Danh Nghiêm, con ông Chau Sua, cùng nhóm thợ mất ba tháng ròng để làm được chiếc ghe ngo từ cây sao cổ thụ sau chùa Cái Đuốc nhỏ.

Danh Vũ kể thời chiến tranh loạn lạc, ông nội anh tản cư về Tắc Ráng. Tại đây, ông cải tiến chiếc xuồng thành chiếc ghe có tên tắc ráng. Hiện tắc ráng rất phổ biến trên sông nước miền Tây. Tuy đóng đủ thứ loại xuồng ghe nhưng gia đình họ đam mê thật sự là đóng ghe ngo.

"Ba tôi mê đóng ghe ngo lắm. Vì ghe ngo mang giá trị tinh thần rất lớn, nên đóng ghe ngo giống như đi làm việc nghĩa vậy". Anh kể mỗi khi ba anh nhận lời đi đóng ghe ngo ở đâu, phải đi chiếc ghe chở 50 giạ lúa mới đủ chở dụng cụ. Ông ăn ngủ ở đó cả tháng ròng mới hoàn thành chiếc ghe. Ba anh, nghệ nhân Danh Én một thời nổi danh là người đóng ghe ngo số 1 đồng bằng.

"Nhưng, tui lại là học trò của... ông nội tui. Hồi tui nhỏ, mới 9 tuổi ông nội đã chỉ cho nghề đóng ghe xuồng rồi đến đóng ghe ngo" - Danh Vũ hồi tưởng. Khi có trong tay nghề đóng ghe ngo, anh lại đi theo nhóm thợ rày đây mai đó và rồi ở rể tại Sóc Trăng.

Lửa nghề truyền mãi ngàn sau - Kỳ 8: Người đóng ghe ngo số 1 - Ảnh 2.

Vị trí trang trọng trước chiếc ghe ngo - Ảnh: KIM TRINH

Truyền nhân số 1

Năm 2003, vị sư cả chùa Wat Pich (Vĩnh Châu, Sóc Trăng) tìm đến Ngọc Chúc (Kiên Giang) nhưng không gặp được thợ đóng ghe ngo Danh Én. Được nghe nói là nghệ nhân có hai con trai theo nghề, đang sống cùng bên vợ ở Sóc Trăng. Vị sư đã tìm gặp được Danh Vũ. Anh kể đó là lần đầu tiên anh đứng riêng nhận đóng ghe ngo. Rất hồi hộp, nhưng vì lòng tin của nhà sư, vì truyền thống gia đình nên anh "làm liều". Việc vốn chỉ có những bậc cao thủ trong nghề mới làm.

Năm sau, anh lại nhận đóng ghe ngo cho bà con ở Trà Quýt. Ghe đóng xong nhưng thiếu người bơi. Vũ nhảy vô làm huấn luyện viên kiêm "ông bầu" cho đội ghe. Mát tay thế nào, nhiều năm liền đội ghe ngo chùa Trà Quýt vô địch các giải từ huyện lên tỉnh, khu vực. Mà đã vô địch thì sẽ được lưu tâm. Cái tên Danh Vũ được sư sãi, những người uy tín lưu lại. Từ đó anh lại sống cuộc đời rày đây mai đó...

Danh Vũ trở nên "đắt sô" trong nghề đóng ghe ngo vì ghe anh hầu như chiến thắng ở rất nhiều giải. Và tất nhiên, người ta nhớ ông thợ đóng ghe. Chỗ thì tặng rượu, nơi lại tặng cả xe cho anh đi lại.

Đến năm 2013, cán bộ Sở Văn hóa tỉnh Trà Vinh đến nhờ anh đóng ghe ngo cho đồng bào huyện Càng Long. Đây là năm Thủ tướng Chính phủ cho phép Sóc Trăng tổ chức "Festival đua ghe ngo đồng bào Khmer đồng bằng sông Cửu Long - tỉnh Sóc Trăng lần thứ 1-2013". Không để cho bà con tự "bơi", tỉnh Trà Vinh xuất ngân sách đóng tặng ghe hẳn hoi.

Từ chiếc ghe do Danh Vũ đóng, đội đua ghe ngo của huyện Càng Long liên tiếp vô địch hầu như tất cả giải đua mà họ tham gia cho đến nay. Thậm chí, nhiều tay đua còn tuyên bố chỉ cần thắng đội ghe ngo Càng Long là họ thỏa chí để... nghỉ chơi.

Riêng Danh Vũ tâm sự anh không nhớ hết đã có bao nhiêu chiếc ghe ngo do mình đóng đã chiến thắng ở các giải đua. "Phần lớn các giải lớn nhỏ, ghe vô địch thường là do ghe tui đóng" - anh cười hiền. Danh tiếng gần xa, giờ thì khắp nơi người ta lại tranh thủ nhờ anh đóng chiếc ghe ngo để hi vọng có thể mang niềm vui về phum sóc. Vũ nhẩm tính đến nay anh đã đóng trên 150 ghe.

Thấy anh lặn lội khắp nơi, thượng tọa Lý Đen, trụ trì chùa Trà Tim Chack, một người vốn yêu nghề mộc, đã cho anh mượn vườn chùa làm nơi che nắng mưa để đóng ghe ngo. Hôm tôi đến, Vũ khoe chuẩn bị đóng ba chiếc ghe ngo cho bà con Trà Vinh. Trung bình đóng mỗi chiếc ghe ngo mất một tháng. 

"Mà phải là gỗ cây sao được trồng ở Việt Nam hoặc Campuchia thì ghe mới vọt. Cũng là cây sao nhưng trồng nước khác thì khi xuống nước ghe lại "lì", không lướt. Tui cũng không hiểu vì sao. Lúc đóng ghe vui lắm. Các nơi người ta về cúng, đến thăm ghe, hạ thủy ghe đều có nghi lễ" - anh tâm sự.

Vũ cũng nói rằng anh có lòng tin sẽ giữ được nghề truyền thống vốn đang trở nên hiếm người theo này. Rằng anh sẽ truyền bí quyết cho các đệ tử tốt tính để giữ cái nghề xưa, kẻo mai này mai một thì thiệt uổng.

Lửa nghề truyền mãi ngàn sau - Kỳ 8: Người đóng ghe ngo số 1 - Ảnh 3.

Ghe ngo có hoa văn rất sặc sỡ - Ảnh: KIM TRINH

Ghe ngo là loại ghe đua được sáng tạo bởi người Khmer Nam Bộ. Ghe thông thường có chiều dài 28-31m, từ gỗ cây sao.

Thân ghe nhỏ, thon, được vẽ hoa văn sặc sỡ, vui mắt nhưng cũng đảm bảo mạnh mẽ. Trong ghe ngo có hai cây tràm cổ thụ, gọi là "đòn dong" hay "cần câu" nhằm tăng quán tính cho ghe khi di chuyển.

Phần trang trí hoa văn ngoài ghe được xem là thú vị nhất với các tông màu nổi, vừa duyên dáng vừa mạnh mẽ, phù hợp truyền thống văn hóa Khmer Nam Bộ.

Các giải đua ghe ngo thường được tổ chức trong dịp lễ, tết của đồng bào Khmer Nam Bộ. Lớn nhất là giải đua ghe ngo nhân lễ Ok Om Bok.

Do ghe ngo khó đóng nên nay không còn nhiều người đóng ghe này nữa. Cả ĐBSCL, người ta thống kê không quá 10 nơi còn giữ nghề đóng ghe ngo. Trong đó, gia đình bốn đời giữ nghề như Danh Vũ là cực hiếm.

Lửa nghề truyền mãi ngàn sau - Kỳ 2: Lấy tinh hoa của đường Lửa nghề truyền mãi ngàn sau - Kỳ 2: Lấy tinh hoa của đường

TTO - Lửa rừng rực. Chảo đường sôi ùng ục. Những người thợ đạt đến tầm nghệ nhân ở xứ sở đường phèn Nghĩa Dõng (TP Quảng Ngãi) nung mình trong cái nóng và nhận được toàn vẹn tinh túy của đường phèn.

TIẾN TRÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên