Giả chữ ký tỉ phú đi lừa đảo
Đại diện Tập đoàn Hòa Phát vừa cho biết nhận được thông tin về việc nhiều cá nhân/tổ chức mạo danh họ để lừa đảo, thu lợi bất chính bằng nhiều thủ đoạn như mời tuyển dụng, kêu gọi đầu tư vào dự án.
"Thậm chí Hòa Phát còn bị các đối tượng làm giả hồ sơ, chữ ký và con dấu", phía Hòa Phát cho hay.
Cụ thể, đối tượng lừa đảo lấy tất cả logo, thông tin và hình ảnh thương hiệu của tập đoàn tạo ra các trang website như http://hoaphat.cc/mobile/index.html... để kêu gọi đầu tư đầy hấp dẫn.
Đơn cử dự án phát triển sản xuất thép nội địa quy mô 253 tỉ đồng, đã đạt tiến độ tới 48%, cần đầu tư ngay, nếu đầu tư mức tối thiểu 2 triệu đồng, sau 15 phút sẽ hưởng ngay mức lợi nhuận 1,32%.
Không những thế, đối tượng lừa đảo còn khiến người dân và cả khách hàng của Hòa Phát cả tin khi làm giả cả quyết định điều chuyển nhân sự.
Thậm chí chúng còn giả mạo chữ ký của ông Trần Đình Long - chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát - để "ký tươi, đóng dấu đỏ" làm thành thông báo "chấn chỉnh quy định thực hiện giờ giấc, chấp hành nội quy, quy chế, quy định của công ty trong giai đoạn thực hiện triển khai dự án".
Tập đoàn Hòa Phát khẳng định không kêu gọi đầu tư vào bất kỳ một dự án nào của tập đoàn.
Đồng thời Hòa Phát đã nhiều lần cảnh báo trên website và các kênh truyền thông của tập đoàn, thực hiện lập vi bằng và phối hợp với các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý.
Gần đây vấn nạn lừa đảo ngày càng nhức nhối và thậm chí táo bạo hơn trước, nhiều công ty bị giả mạo dưới nhiều hình thức. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho người dân, mà còn ảnh hưởng lớn đến thương hiệu của doanh nghiệp.
Ngang nhiên mở công ty giả mạo tại địa chỉ thật
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Kim Long - giám đốc luật và kiểm soát tuân thủ Chứng khoán SSI - cho biết họ là một công ty đại chúng, vì vậy các thông tin về lãnh đạo, địa chỉ, logo dễ dàng được tìm thấy trên Internet và có thể sử dụng vào mục đích lừa đảo.
Ngoài ra, SSI là công ty trong lĩnh vực chứng khoán, tài chính nên dễ bị lợi dụng để đánh vào lòng tham và thiếu thông tin của nạn nhân.
Đại diện SSI nói thường xuyên bị các đối tượng xấu lợi dụng với nhiều hình thức, cụ thể là giả mạo website công ty, sử dụng thông tin, hình ảnh của công ty và những nhân viên, lãnh đạo của công ty, giả mạo giấy tờ pháp lý, thông báo của công ty bằng cách sửa các giấy phép kinh doanh, tài liệu do công ty công bố ra công chúng, tự xưng là nhân viên SSI hoặc nhân viên của đối tác có hợp tác với SSI...
Từ tháng 6-2023 đến nay, SSI ghi nhận gần 20 vụ việc lừa đảo có liên quan đến công ty.
Thậm chí đã có trường hợp táo tợn đến mức đăng ký kinh doanh với tên Công ty TNHH Chứng khoán SSSI tại địa chỉ 1C Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội - đây vốn là địa chỉ chi nhánh của SSI.
"Trường hợp này chúng tôi đã chủ động phát hiện và trình báo cơ quan chức năng ngăn chặn trước khi tên công ty này được sử dụng để lừa đảo", ông Long cho hay.
Trước đó, Peugeot Việt Nam - một hãng xe ô tô lớn - cũng đã ghi nhận nhiều trang fanpage Facebook sử dụng hình ảnh, tên và logo thương hiệu của họ để đăng thông tin tuyển dụng.
Thông tin đăng tải gây hiểu nhầm cho khách hàng và thậm chí là nguy cơ bị khai thác thông tin cá nhân.
Ngoài ra, có một số cá nhân còn nhân danh là nhân sự của Peugeot Việt Nam để giả mạo tuyển dụng với các thông tin về quyền lợi hấp dẫn.
Cụ thể là du lịch 1 - 2 lần/năm tại các khách sạn 4 sao, 5 sao, thưởng hiện vật, hiện kim tất cả các ngày lễ trong năm…
Peugeot Việt Nam khẳng định tất cả những thông tin trên là hoàn toàn không đúng sự thật. Vì vậy khách hàng và đối tác của Peugeot Việt Nam cần nâng cao cảnh giác khi nhận những thông tin có nội dung tương tự như trên.
Để bảo vệ quyền lợi của mình, doanh nghiệp khuyến cáo khách hàng và đối tác vui lòng không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân nào cho các trang fanpage không xác thực để tránh nguy cơ bị lừa đảo và trục lợi dưới nhiều hình thức khác nhau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận