Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS.TS Nguyễn Sơn Lâm, chuyên gia thuộc Hội Đúc luyện kim Việt Nam, cho rằng việc Hòa Phát tuyên bố đầu tư, nghiên cứu sản xuất thép đường ray cho đường sắt cao tốc là có cơ sở.
Cũng bởi doanh nghiệp này đang đầu tư dự án thép Dung Quất giai đoạn 2 và các dự án thép khác. Cộng thêm kinh nghiệm đầu tư sản xuất thép cùng đội ngũ chuyên gia đã tích lũy kinh nghiệm trong nhiều năm, Hòa Phát có thể sản xuất được dòng thép chất lượng cao này.
Chờ các dự án quy mô lớn
Theo ông Lâm, thép đường ray là loại thép yêu cầu độ bền, chống mài mòn cao. Các mác thép được sử dụng phải chịu được áp lực, chịu bền và là dòng thép chất lượng cao.
Trong khi đó, dây chuyền đầu tư của Hòa Phát tại dự án Dung Quất giai đoạn 2 đã đầu tư những công nghệ hiện đại, đáp ứng cho nhu cầu sản xuất các dòng thép chất lượng cao. Với dây chuyền này, quan trọng nhất là lò tinh luyện để xử lý và giải quyết được những vấn đề như tạp chất, khử khí và xử lý chân không.
Đây cũng là dây chuyền sản xuất công nghiệp theo quy mô lớn, hiện đại nên sẽ là cơ sở để Hòa Phát sản xuất quy mô công nghiệp, giúp giảm chi phí giá thành, tăng sức cạnh tranh với nước ngoài.
Tuy nhiên, ông Lâm cho rằng Hòa Phát phải giải quyết bài toán lớn nhất, đó là nghiên cứu, thử nghiệm được sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng với dòng thép chất lượng cao phục vụ sản xuất đường ray cao tốc.
Bởi hiện nay, tốc độ tàu cao tốc phổ biến trên thế giới chủ yếu là 350km/h. Một số nước cũng đang nghiên cứu để làm đường cao tốc vận tốc lớn hơn, nhưng với tốc độ 850km/h theo ông Lâm “là rất ghê”.
Do đó, vị chuyên gia này cho rằng trước hết Hòa Phát nghiên cứu để sản xuất thép đường ray với tốc độ 350 - 500km/h cũng là “rất quý”, sau đó tiến tới làm thép đường cao tốc 850km/h.
“Vấn đề đặt ra cho Hòa Phát là phải mạnh dạn đầu tư ban đầu, không chỉ nhà máy sản xuất, mà quan trọng là đội ngũ chuyên gia. Điều này tôi cũng đã góp ý cho doanh nghiệp này trước đây. Phải tập hợp được các chuyên gia trong và ngoài nước.
Bởi trước đây Hòa Phát sản xuất thép thông thường, yêu cầu kỹ thuật chưa phải là cao lắm, nhưng với dòng thép chất lượng cao thì phải đầu tư công nghệ, kỹ thuật hiện đại để nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm đạt tiêu chuẩn” - ông Lâm nói.
Một lãnh đạo quản lý ngành cho hay việc sản xuất được thép đường ray còn phụ thuộc vào công nghệ đường sắt cao tốc lựa chọn là loại nào. Thép đường ray có thể làm từ thép hợp kim, hoặc thép đáp ứng được tiêu chuẩn của tàu đệm từ, với dây chuyền luyện kim hiện đại bậc nhất.
Mấu chốt là công nghệ
Vì vậy, yêu cầu đặt ra cho doanh nghiệp là phải nghiên cứu hoặc mua công nghệ. Trong khi mục tiêu hướng tới thép đường ray với vận tốc tối đa là 850km/h, đòi hỏi phải công nghệ rất mới, nhiều nước vẫn đang nghiên cứu, thử nghiệm, nên sẽ là thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp.
Mặc dù còn những hoài nghi về khả năng sản xuất thép đường ray để đáp ứng cho yêu cầu vận tốc đường sắt cao tốc 850km/h, nhưng nhiều chuyên gia bày tỏ kỳ vọng doanh nghiệp Việt Nam có thể nghiên cứu, sản xuất được sản phẩm này. Bởi đây sẽ là cú hích lớn cho ngành thép.
Ông Nguyễn Văn Sưa, nguyên phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho rằng các mác thép thế giới hiện nay đã có tiêu chuẩn. Vì vậy, yêu cầu đặt ra cho Hòa Phát và các doanh nghiệp trong nước là nghiên cứu sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn, đầu tư dây chuyền công nghệ.
Trong khi đó, sản xuất thép của Việt Nam có lợi thế là chi phí rẻ hơn thế giới từ 10-20% nhờ nhân công, khấu hao thiết bị... Vì vậy, mặc dù doanh nghiệp đứng trước sức ép và bài toán cạnh tranh rất lớn, nhưng không phải là không có cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào sản xuất các dòng thép chất lượng cao.
PGS.TS Lâm khuyến nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong đầu tư, nghiên cứu và thử nghiệm sản phẩm. Khuyến khích các doanh nghiệp được tham gia vào dự án hạ tầng lớn, như đường sắt cao tốc để làm cơ sở, động lực cho đầu tư khoa học công nghệ, nghiên cứu sản phẩm nhằm tăng tỉ lệ nội địa hóa trong nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận