Những kẻ lừa đảo đang nhắm đến người lớn tuổi bằng những chiêu lừa khá đơn giản, thậm chí không hề mới.
Mua thuốc chữa bệnh bị lừa
Với người lớn tuổi, sức khỏe trở thành vấn đề quan trọng nhất và luôn được quan tâm, tìm hiểu nhiều nhất. Bị bệnh xương khớp lâu năm nên bà L. (55 tuổi, TP.HCM) có tham gia một số nhóm trên mạng xã hội với những người cùng tình cảnh để chia sẻ thông tin, trao đổi các cách chữa trị.
Thấy trên một nhóm có đăng thông tin quảng cáo sản phẩm thuốc đông y với cam kết bệnh 100%, thu hút nhiều người hỏi thông tin và giá bán nên bà L. cũng tham gia tìm hiểu.
Khi nghe người bán cho biết thuốc "đợt này đang có khuyến mãi nên sắp bán hàng", bà L. vội chốt đơn và chuyển khoản gần 3 triệu đồng để mua.
Thế nhưng khi nhận thuốc thấy không giống với quảng cáo, bà L. đem đến bác sĩ tư vấn thì được trả lời thuốc không có trị bệnh khớp.
Liên quan đến chiêu lừa bán thuốc, cơ quan chức năng cho biết thủ đoạn chung của kẻ lừa đảo là ban đầu chúng mời người bệnh tham gia vào các hội nhóm rồi gọi điện tư vấn mua thuốc đông y để chữa bệnh cùng chương trình khuyến mãi hấp dẫn...
Tiếp đó, những kẻ lừa đảo sẽ dùng những thông tin, video clip có sử dụng hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế để mô tả tư vấn và hướng dẫn sử dụng các thực phẩm hoặc mô tả công dụng thực phẩm giống như một kinh nghiệm thực tế hay nhân chứng sống của người đã từng bị bệnh nhằm tăng thêm sức thuyết phục.
Với tình trạng bệnh đã chữa trị lâu năm nhưng không khỏi và những lời mời có cánh trên mạng, nhiều nạn nhân đã bị lừa.
Mất gần 10 tỉ đồng vì đầu tư tiền ảo
Liên quan đến lừa đảo đầu tư trực tuyến, trong khi vụ việc Phó Đức Nam (còn gọi TikToker Mr. Pips) lừa hàng nghìn người với số tiền lên đến hơn 5.200 tỉ đồng đang gây rúng động thì mới đây Công an Hà Nội cho biết một người phụ nữ đã bị chiếm đoạt mất 9,4 tỉ đồng bởi chiêu trò đầu tư tiền ảo.
Theo đó, bà T. được một người bạn Facebook rủ chơi bằng cách hướng dẫn tạo tài khoản và chuyển tiền đầu tư 5 tỉ đồng sẽ nhận được 350.000 USD (tương đương 9 tỉ đồng).
Bà T. làm theo, nhưng đến khi muốn rút tiền lãi, bà liên tục được yêu cầu phải đóng tiếp các loại phí: 20% tổng số dư tài khoản, 15% tiền mua bảo hiểm tiền gửi và 3% tiền phí để chuyển nhanh tiền về tài khoản cá nhân... Bà T. tiếp tục làm theo nhưng vẫn không rút được đồng nào.
Trong khi đó, chị N. (45 tuổi, TP.HCM) cho biết vừa bị lừa mất 200 USD khi nạp vào mua gói đầu tư của một công ty công nghệ tài chính.
Theo giới thiệu của chị N., chúng tôi được thêm vào nhóm khiếu kiện công ty lừa đảo với số người tham gia lên đến gần 200 mà đa phần là người lớn tuổi. Thống kê sơ sơ cũng có thể thấy số tiền các nạn nhân bị lừa lên đến hàng tỉ đồng.
"Theo lời giới thiệu của bạn bè, tôi tham gia đầu tư kiếm chút lợi nhuận, nào ngờ giờ công ty kia bỗng dưng biến mất sau một đêm, ứng dụng không truy cập được nữa, tiền mất tật mang", chị N. chia sẻ.
Cần sự quan tâm từ người thân
Theo kết quả khảo sát của Google đầu năm 2024 về an toàn thông tin trực tuyến với người dùng Internet Việt Nam, 90% người dùng đã từng tiếp xúc với lừa đảo trực tuyến.
Nhóm tuổi trên 55 đặc biệt dễ bị tổn thương, với 49% đã từng bị lừa đảo. Khảo sát cũng cho thấy 33% nhóm người dùng trên 55 tuổi mắc phải thói quen dùng mật khẩu đơn giản (chiếm tỉ lệ cao nhất trong các nhóm tuổi).
Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia an ninh mạng Vũ Ngọc Sơn - trưởng ban công nghệ Hiệp hội An ninh mạng quốc gia - cho rằng người cao tuổi dễ trở thành mục tiêu lừa đảo do không thường xuyên cập nhật thông tin mới, thiếu các kỹ năng về công nghệ, tâm lý dễ tin tưởng người khác, đặc biệt là khi kẻ lừa đảo dựng lên câu chuyện cảm động hoặc sử dụng danh tính giả.
Thêm vào đó nhiều người có tâm lý mình đã già, không ai đi lừa người già bao giờ, nên càng khiến các đối tượng lừa đảo tận dụng khai thác tối đa.
"Để phòng chống lừa đảo cho người cao tuổi, người thân cần thường xuyên trò chuyện, thông báo cho họ biết về các chiêu trò lừa đảo phổ biến, đồng thời hướng dẫn cách xử lý khi gặp các tình huống tương tự" - ông Sơn khuyến cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận