23/07/2020 13:20 GMT+7

Lũ ở Đà Lạt là hậu quả của mất rừng, làm nhà kính tràn lan

TTO - Lũ ở Đà Lạt và vùng lân cận thuộc tỉnh Lâm Đồng có tần suất ngày càng dày hơn trong 8 năm qua. Chỉ một trận mưa lớn kéo dài chưa đầy 1 giờ cũng gây lũ hoặc ngập lụt ở hạ lưu suối Cam Ly.

Lũ ở Đà Lạt là hậu quả của mất rừng, làm nhà kính tràn lan - Ảnh 1.

Nhà kính xây dựng tràn lan khắp Đà Lạt và các huyện lân cận khiến mảng xanh giảm dần đến mức đáng báo động - Ảnh: M.VINH

Tiến sĩ Lâm Ngọc Tuấn, nguyên trưởng khoa môi trường Đại học Đà Lạt, nhận định các tác nhân trên khiến hệ số thấm, thoát nước giảm nghiêm trọng, chỉ cần một trận mưa có cường độ trung bình nhưng kéo dài đã khiến lũ lớn xảy ra khắp nơi.

"Theo số liệu mới nhất từ Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, tổng diện tích sản xuất rau hoa của Đà Lạt khoảng 18.000ha nhưng có đến 10.000ha nhà kính (hơn 50%). Diện tích nhà lưới nhà kính chủ yếu nằm ở những vùng nông nghiệp lớn dọc suối Cam Ly như Thái Phiên, Chi Lăng, Mê Linh... Đây là diện tích thống kê được, chưa kể những diện tích nằm "ngoài sổ" như lấn chiếm rừng" - ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, về lý thuyết, những vùng đất có nhà kính hệ số thấm nước bằng 0. Có nghĩa mưa đổ xuống thì rơi trên những tấm nilông và đổ ào ào ra suối trong thời gian ngắn khiến nước dâng cao đột ngột tạo lũ với tốc độ chảy mạnh, dù mưa không to nhưng vẫn xảy ra lũ, lụt.

"Quan sát các trận lũ trong những năm qua có thể thấy nơi có lũ nặng nhất ở Lâm Đồng là những nơi bạt phá rừng núi để làm nhà kính trồng rau hoa. Chúng ta cần lưu ý, việc phá rừng trồng rau chưa tác hại bằng phá rừng để làm những khu nhà kính. Kết cấu vùng đồi núi bị phá vỡ, dòng chảy, cách thẩm thấu nước đều bị thay đổi theo hướng tiêu cực và hậu quả gánh chịu không chỉ ở nơi có rừng, có nhà kính mà còn cả ở những nơi cách đó hàng chục, hàng trăm cây số" - ông Tuấn phân tích.

Theo Bộ NN&PTNT, từ năm 2010 đến nay Lâm Đồng đã mất 90.000ha rừng. Diện tích che phủ rừng nội ô của Đà Lạt đang dưới 45%, trong khi diện tích nhà kính không ngừng tăng.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Long - nguyên viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, người đang nghiên cứu về hệ sinh thái Đà Lạt và các vùng liên quan - cho hay diện tích nhà kính ở Lâm Đồng hiện nay đã gấp 5 lần so với 5 năm trước đó. Hiện trạng xây dựng nhà kính được phát triển một cách tự do và gần như thả nổi tùy vào "sức mạnh" của từng hộ gia đình. Theo ông Long, lũ xuất hiện là hậu quả nhãn tiền của lạm dụng nhà kính.

"Tôi cho rằng Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên cần đánh giá lại toàn diện các yếu tố tác động gây biến đổi cảnh quan, suy giảm hệ số thấm nước, mật độ xây dựng đô thị và cả yếu tố lâu nay chúng ta bỏ ngỏ là tổ chức sản xuất nông nghiệp. Việc đánh giá sẽ cho những cơ sở quan trọng để phòng chống lũ lụt" - ông Long khuyến cáo.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên