15/10/2016 09:26 GMT+7

Lũ nơi xuống nơi lên, giao thông tắc nhiều điểm

Q.NAM - L.GIANG - V.ĐỊNH - D.HÒA
Q.NAM - L.GIANG - V.ĐỊNH - D.HÒA

TTO - Sau hơn 10 giờ đổ xuống tỉnh Quảng Bình, đến khoảng 1g sáng 15-10, những cơn mưa dồn dập cuối cùng cũng tạm ngớt. Hiện chỉ còn vùng nam sông Gianh còn mưa khá to.

Nước lũ tại thôn Gia Hưng, xã Hưng Trạch (Bố Trạch) sáng 15-10 đã rút khoảng một mét nhưng vẫn còn ngập sâu trong các khu dân cư – Ảnh: QUỐC VŨ
Nước lũ tại xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch sáng 15-10 đã rút khoảng 1m nhưng vẫn còn ngập sâu trong các khu dân cư - Ảnh: QUỐC VŨ

Đến sáng 15-10, UBND thị xã Ba Đồn cho biết hiện vùng nam sông Gianh thuộc địa bàn nước lũ vẫn đang ở mức cao, gần với mức lũ lịch sử 2010 và đang có dấu hiệu đứng yên. Mưa vẫn đang khá lớn.

Trong khi đó mưa ở những vùng khác tại Quảng Bình đã ngớt, kể cả vùng thượng nguồn Minh Hóa.

Theo ghi nhận, đến khoảng 1g sáng 15-10, mưa bắt đầu giảm dần ở khu vực Minh Hóa và Đồng Hới, Lệ Thủy. Các tuyến đường tại TP Đồng Hới đã thông trở lại sau khi bị tê liệt hoàn toàn từ chiều 14-10.

Nước các sông Nhật Lệ, Sông Son cũng đã rút xuống dần.

Tại khu vực Hưng Trạch, nước lũ vẫn còn ngập hơn 1m trong nhà. Người dân vẫn phải đi lại bằng thuyền trên các con đường liên xã, liên thôn.

Còn ở “rốn lũ” Tân Hóa (Minh Hóa), đến sáng 15-10 nước lũ vẫn rút chậm do các hướng thoát nước về xuôi khá hẹp.

Người dân thôn Gia Hưng, xã Hưng Trạch vẫn phải đi lại bằng thuyền – Ảnh: QUỐC VŨ
Người dân xã Hưng Trạch vẫn phải đi lại bằng thuyền - Ảnh: QUỐC VŨ

Riêng tại thị xã Ba Đồn, trời vẫn đang tiếp tục mưa. Theo UBND thị xã Ba Đồn, hiện nhiều khu vực các xã vùng nam sông Gianh vẫn đang bị nước lũ bao vây.

Nhiều làng xóm bị ngập sâu trong lũ như ở Quảng Văn, Quảng Minh, Quảng Sơn.

Mực nước tại xã Sơn Trạch (Bố Trạch) nằm ven sông Son vẫn ở mức cao sáng 15-10 – Ảnh: BÍCH NGỌC
Mực nước tại xã Sơn Trạch (Bố Trạch) nằm ven sông Son vẫn ở mức cao sáng 15-10 - Ảnh: BÍCH NGỌC

Khoảng 9g sáng, theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Bình, chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hoài đã chỉ đạo Bộ chỉ huy quân sự tỉnh khẩn cấp tìm cách viện trợ lương thực cho các hành khách trên tàu SE19 đang bị kẹt vì nước lũ tại ga Lệ Sơn (Tuyên Hóa).

Đoàn tàu này chở 132 khách. Trong đó 96 du khách nước ngoài bị kẹt từ hôm 14-10. Hiện trên tàu không còn lương thực và nước uống, dầu chạy máy phát điện sắp cạn. Trưởng tàu và ngành đường sắt đề nghị tỉnh hỗ trợ khẩn cấp.  

Ông Hoài cho biết đã giao Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh mang lương thực nước uống, dầu lên điểm tập kết, rồi dùng canô chở hàng này vào nơi đoàn tàu đang dừng.  

Cũng theo thông tin nhanh từ UBND tỉnh, hiện trên quốc lộ 1 đoạn từ Đồng Hới ra phía bắc Quảng Bình có 9 điểm tắc, khá nhiều xe ôtô bị kẹt lại. Ông đã Hoài chỉ đạo các ngành hỗ trợ lương thực và nước uống cho tài xế và hành khách. 

Ông Nguyễn Hữu Hoài, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình thăm hỏi các tài xế ô tô bị mắc kẹt trên Quốc lộ 1 sáng 15-10 – Ảnh: DIỆP ĐỒNG
Ông Nguyễn Hữu Hoài, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, thăm hỏi các tài xế ô tô bị mắc kẹt trên quốc lộ 1 sáng 15-10 - Ảnh: DIỆP ĐỒNG

 

Hà Tĩnh: 2 người chết, hàng nghìn hộ dân bị ngập

Tính đến sáng 15-10, tỉnh Hà Tĩnh có 2 người chết, 40 xã trên địa bàn tỉnh bị chia cắt và hàng nghìn hộ dân bị ngập và ngập sâu.

Ông Ngô Đức Hợi - chánh văn phòng ban chỉ đảo lũ lụt Hà Tĩnh - cho biết do mưa lớn liên tục và nhiều hồ đập xả lũ khiến nước lũ ở huyện Hương Khê, Cẩm Xuyên, Thạch Hà dâng cao gây lũ, lụt nặng.

Hiện huyện Hương Khê có 11 xã bị ngập sâu 2 - 3m, huyện Vũ Quang có 520 hộ bị cô lập và 10 hộ bị ngập, huyện Kỳ Anh có 2 xã bị chia cắt là Kỳ Thượng và Kỳ Lạc. Huyện Cẩm Xuyên có 6 xã bị ngập nặng hơn 1,3m và huyện Thạch Hà có 10 xã bị ngập sâu.

Nhiều xã ở huyện Hương Khê bị cô lập do mưa lũ, người dân phải đi lại bằng thuyền - Ảnh: VĂN ĐỊNH
Nhiều xã ở huyện Hương Khê bị cô lập do mưa lũ, người dân phải đi lại bằng thuyền - Ảnh: VĂN ĐỊNH
Mưa lũ khiến cuộc sống người dân ở Hương Khê khốn khó khi đi lại bằng thuyền, dùng bè nổ để bảo vệ tài sản - Ảnh: VĂN ĐỊNH
Mưa lũ khiến cuộc sống người dân ở Hương Khê khốn khó - Ảnh: VĂN ĐỊNH

Theo ông Lê Quang Vinh - chánh văn phòng lụt bão huyện Hương Khê - mưa lũ đã khiến 5.000 hộ dân trên địa bàn nghị ngập, trong đó hơn 700 hộ ngập sâu hơn 2m.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, huyện đã họp khẩn, lên phương án sẵn sàng ứng cứu, di dời người dân đến những nơi an toàn.                 

Theo Văn phòng Ban phòng chống lụt bão tỉnh, tính đến thời điểm này có 2 người chết do mưa lũ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Trọng Đạt - phó chủ tịch xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc - cho biết tối 14-10 nước lụt trên địa bàn dâng cao, nhiều hộ dân phải di dời tài sản.

Sau khi giúp nhiều hộ dân dời tài sản, trên đường đi về, anh Thân Văn Thuần, 26 tuổi, ở thôn Chi Lệ, bị nước lũ cuốn trôi. Đến sáng nay chính quyến địa phương huy động lực lượng, người dân vẫn chưa tìm thấy tung tích.

Nước lũ khiến cho tầng 1 ủy ban xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê bị ngập nặng - Ảnh: VĂN ĐỊNH
Nước lũ khiến cho tầng 1 UBND xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê bị ngập nặng - Ảnh: VĂN ĐỊNH

Theo ông Nguyễn Trọng Dung - phó Phòng nông nghiệp huyện Cẩm Xuyên - tối 14-10, anh Trần Văn Trung, 34 tuổi, ở xã Cẩm Quan, đang đi giúp người hàng xóm cất tải sản thì bị nước cuốn trôi.

Đến 7g ngày 15-10, chính quyền địa phương đã tìm thấy thi thể anh Trung.

Ngày 17-10 sẽ xả lũ hồ Kẻ Gỗ

Sáng 15-10, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã về các công trình thủy điện, thủy lợi kiểm tra để có phương án xả lũ nếu trời tiếp tục đổ mưa. 

Tại hồ Kẻ Gỗ, chỉ từ ngày 14 đến sáng 15-10, mực nước đã dâng lên đến hơn 5m, đạt mức 30,5m. 

Có mặt tại bờ đập hồ Kẻ Gỗ, ông Đặng Quốc Cương - bí thư huyện ủy Cẩm Xuyên - cho biết đã phân công tất cả lãnh đạo huyện về các địa phương chỉ đạo công tác phòng chống lụt, có phương án di dời nếu nước tiếp tục dâng cao. 

Rạng sáng cùng ngày, huyện đã di dời kịp thời 6 hộ dân ở vùng xung yếu đến nơi an toàn. Đồng thời lên phương án để đảm bảo lương thực cho dân khi di dời đến trú ẩn.

Theo ông Cương, mực nước hồ Kẻ Gỗ - hồ lớn nhất ở Hà Tĩnh, vẫn đảm bảo an toàn, công tác vận hành vẫn diễn ra bình thường. Tất cả lực lượng vẫn tiếp tục túc trực trên thân đập và có phương án xử lý kịp thời tất cả các tình huống xảy ra.

Trong khi đó, ông Trần Anh Tuấn, trạm trưởng trạm đấu mối công trình hồ Kẻ Gỗ, cho biết dự kiến ngày 17-10 sẽ tiến hành xả lũ.

Việc xả lũ sẽ được thông báo đến chính quyền địa phương để phát lên đài phát thanh để cho dân biết để chủ động phòng tránh.

Ông Đặng Quốc Cương, bí thư huyện ủy Cẩm Xuyên kiểm tra công tác phòng chống lụt ở hồ Kẻ Gỗ - Ảnh: TẤN VŨ
Ông Đặng Quốc Cương, bí thư huyện ủy Cẩm Xuyên, kiểm tra công tác phòng chống lụt ở hồ Kẻ Gỗ - Ảnh: TẤN VŨ
Người dân ở xã Cẩm Thành (huyện Cẩm Xuyên) sơ tán vật nuôi lên bờ đê để đảm bảo an toàn - Ảnh: HỮU KHÁ
Người dân ở xã Cẩm Thành (huyện Cẩm Xuyên) sơ tán vật nuôi lên bờ đê để đảm bảo an toàn - Ảnh: HỮU KHÁ

TẤN VŨ - HỮU KHÁ

Dân Vinh bì bõm đẩy xe trên nhiều tuyến phố ngập nước

Nước ngập tràn vào tầng hầm của một ngân hàng trên đường Nguyễn Văn Cừ, TP Vinh sáng 15-10 - Ảnh: DOÃN HÒA
Nước ngập tràn vào tầng hầm của một ngân hàng trên đường Nguyễn Văn Cừ, TP Vinh sáng 15-10 - Ảnh: DOÃN HÒA

Mưa lớn kéo dài suốt từ chiều 14-10 đến sáng 15-10 khiến nhiều tuyến phố ở TP Vinh, Nghệ An chìm trong biển nước. Người dân phải bì bõm đẩy xe ôtô, xe máy chết máy do ngập nước.

Từ 6g sáng 15-10, mưa lớn liên tục trút xuống TP Vinh khiến nhiều tuyến phố quan trọng như Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Lợi, Lê Hồng Phong, đại lộ Lê Nin…. bị ngập sâu. Có đoạn nước ngập 0,5 - 1m khiến giao thông hỗn loạn.

Một gara để xe của ngân hàng nằm trên đường Nguyễn Văn Cừ bị nước tràn vào, ngập sâu hơn 1m phải nhờ hai xe cứu hỏa đến hút nước “giải cứu” hàng chục chiếc xe máy của nhân viên. 

Nước ngập đến hơn 0,5m nên nhiều ôtô, xe máy chết máy khi di chuyển qua những đoạn nước ngập sâu. Người dân phải xuống xe lội nước đẩy xe hoặc nhờ xe cứu hộ kéo ra khỏi khu vực ngập nước.

Nước dâng lên nhanh lúc rạng sáng nên nhiều gia đình không kịp trở tay. Nhiều phòng trọ tạm bợ của sinh viên, người lao động ngập sâu trong nước.

Nhân viên Công ty cấp thoát nước TP Vinh ứng trực tại các đoạn đường ngập nước để thực hiện công tác vớt rác tại miệng thu, khơi thông dòng chảy.

Đến 9g45, mưa lớn vẫn tiếp tục trút xuống TP Vinh trong khi mực nước trên các tuyến phố ngập sâu vẫn rút chậm.

 

Q.NAM - L.GIANG - V.ĐỊNH - D.HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên