Thượng úy Bao Minh Tiến và lớp học tin học cho người dân ở ấp đảo Thiềng Liềng - Ảnh: Vân Anh |
Anh là thượng úy Bao Minh Tiến, trạm trưởng trạm kiểm soát biên phòng Thiềng Liềng.
Càng học càng mê
Năm 2012, theo phân công, Bao Minh Tiến nhận công tác ở ấp Thiềng Liềng. Tiếng là thuộc TP.HCM nhưng ít ai biết đến nơi này: một cù lao bốn bề sông nước, điện chập chờn, đi lại khó khăn... Trẻ em ở đây còn nghèo, lo bắt ốc bắt cá còn hơn lo học nên chẳng biết gì nhiều thế giới bên ngoài.
Và thế là chàng sĩ quan trẻ muốn mình phải làm một điều gì đấy. Vậy là ý tưởng “phổ cập tin học đến người dân” được đề xuất, đơn vị chấp thuận và Tiến bắt tay ngay vào việc.
Tiến vận động xin được 20 máy tính và thiết bị 3G. Có máy nhưng chưa ổn vì... không có người học. Không chỉ người dân không quan tâm đến tin học và công nghệ thông tin khiến Tiến đi vận động rã chân mà ban đầu cả một vài thầy cô giáo, cán bộ ấp, đoàn viên... cũng không muốn đi học!
Lớp tin học được mở vào đầu năm 2013, lèo tèo vài người chịu đi học vì... cả nể. Nhưng dần dà thấy những điều kỳ diệu từ chiếc máy tính, mọi người rủ nhau càng lúc lớp càng đông. Đến nay mỗi khóa có hơn 50 học viên, học vào hai ngày cuối tuần và chia thành nhiều ca tùy số lượng. Máy tính không đủ thì huy động thêm cả laptop của sinh viên. Đó là những sinh viên tình nguyện từ Sài Gòn đến dạy.
Bao Minh Tiến cho biết tụi nhỏ rất mê tin học, nhiều em rất có năng khiếu. Với người lớn, nhiều cán bộ ở đảo đã biết áp dụng kiến thức vào công việc. Sắp tới, Tiến đang “tính kế” để đưa học viên ở ấp Thiềng Liềng đi thi lấy chứng chỉ.
Điều làm Tiến băn khoăn là số lượng tình nguyện viên dạy học không ổn định, điện còn thiếu thốn vì máy tính xài điện bằng máy chạy xăng dầu, nhiều khi đang dạy giữa chừng chợt mất điện hay có hôm thiếu người dạy, học viên rất buồn. “Tôi mong muốn làm sao có thêm kinh phí, vật chất và nhân lực để mở rộng hơn việc giảng dạy tin học đến người dân”, chàng sĩ quan nói.
Lo nhiều việc cho dân
Làm lính biên phòng ở vùng sâu là làm đủ thứ việc. Đó là không chỉ trấn áp tội phạm, bảo vệ địa bàn, đường biên mà còn hỗ trợ tàu thuyền qua lại và cả đi từng nhà để vận động, tuyên truyền người dân chấp hành nghiêm các quy định về biên giới và thực hành nếp sống văn hóa, tạo việc làm cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn bằng cách liên hệ với các doanh nghiệp vận tải, các công ty thủy hải sản... thuê người làm việc.
Đinh Văn Thều, người dân địa phương, cho biết: “Anh Tiến và đồng đội dù rất bận công việc nhưng không nề hà bất cứ việc gì, từ di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm khi có bão, tạo việc làm, đưa người dân đi cấp cứu bất kể lúc đêm khuya hay mưa nắng, tổ chức sinh hoạt đờn ca tài tử... giúp mọi người ở đảo có thêm niềm vui”.
Về lâu dài Bao Minh Tiến cho biết: “Trước hết, tôi đang nghiên cứu các mô hình làm kinh tế hiệu quả rồi phổ biến đến bà con, tiếp tục tìm kiếm thêm nguồn việc làm, mở rộng hơn quy mô lớp tin học và tìm nguồn học bổng hỗ trợ học sinh, sinh viên trong ấp”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận