07/12/2020 10:00 GMT+7

Lớp học 'xuyên biên giới'

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Không còn giới hạn trong một phòng học, sinh viên Việt Nam kết nối trực tuyến với bạn bè ở ASEAN bằng nhiều phần mềm như Zoom, Google Meet... cùng nhau tham gia lớp học đặc biệt.

Lớp học xuyên biên giới - Ảnh 1.

Sinh viên trong phòng học “thông minh” tại Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) - Ảnh: MAI TÂM

Đó là những gì diễn ra trong lớp học "xuyên biên giới" tại Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), tạo thêm cơ hội cho sinh viên ASEAN trao đổi trực tuyến trong mùa COVID-19.

Rút ngắn khoảng cách nhờ công nghệ

Học kỳ này, bạn Tsania Cuhandi - sinh viên Universitas Sanata Dharma, Yogyakarta (Indonesia) - đăng ký một số môn tại Trường ĐH Kinh tế - luật như nghiên cứu marketing, quản trị tài chính... Đáng lẽ trực tiếp sang Việt Nam trao đổi, học tập nhưng do đại dịch cản trở, Cuhandi đăng ký học online.

Để đón các sinh viên quốc tế như Cuhandi, lớp học "đầu cầu" TP.HCM được chuyển thành phòng học "thông minh". Giảng viên dạy trực tiếp cho sinh viên Việt Nam như bình thường nhưng được thu hình, âm thanh, kết nối trực tuyến với sinh viên quốc tế đăng ký tham dự.

Cũng nhờ công nghệ, những hoạt động tưởng chừng chỉ gói gọn trong bốn bức tường như thảo luận nhóm, thuyết trình... nay được mở rộng ra đến những nơi xa hàng ngàn cây số. Muốn thảo luận, chỉ cần vào các nhóm trên mạng xã hội. Một người chịu trách nhiệm ghi biên bản rồi chia sẻ cho các bạn còn lại. 

Muốn thuyết trình, chỉ cần vài thao tác kết nối như trong các cuộc họp hay hội thảo online. Sinh viên Việt Nam trình bày trực tiếp trước lớp rồi chuyển sang Indonesia hay Philippines cho sinh viên bên đó diễn đạt phần còn lại. 

Theo Cuhandi, học cùng các bạn Việt Nam không chỉ là học kiến thức mà còn để trao đổi ngôn ngữ, văn hóa và phát triển hơn bản thân mình.

ThS Lê Bích Thủy - trưởng phòng quan hệ đối ngoại, Trường ĐH Kinh tế - luật - cho biết học kỳ này có gần 20 sinh viên từ các nước ASEAN đăng ký học trọn học kỳ bằng hình thức trực tuyến, phần lớn ở các môn như kinh tế, tài chính, kế toán. 

Ngoài ra, khá nhiều sinh viên theo những chương trình ngắn hạn như tham gia vài buổi học, hội thảo... Nhóm này đến từ nhiều nơi như Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan, chủ yếu muốn giao lưu học thuật hơn là lấy điểm chính thức.

Để "đầu cầu" bên kia tập trung

Học kỳ này, ThS Ngô Thanh Trà, giảng viên khoa kinh tế - đối ngoại Trường ĐH Kinh tế - luật, lần đầu đứng lớp với hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Để hiệu quả, cô cần thêm một trợ giảng, giúp "chăm sóc" 7 sinh viên từ Indonesia tham gia lớp. 

Trợ giảng sẽ giải thích thêm những vấn đề đang được trình bày, tương tác với sinh viên quốc tế, điều chỉnh camera thích hợp để các bạn dù ở đâu cũng có thể bao quát tình hình lớp. Dù nhịp dạy sẽ chậm lại nhưng sinh viên quốc tế không bị bỏ lại trong tiết học.

Thảo luận nhóm nhiều hơn cũng là cách giúp sinh viên nước ngoài luôn "ở trong lớp học". Cô Trà chia mỗi bạn Indonesia vào một nhóm sinh viên Việt Nam. Các bạn sẽ tự kết nối với nhau trong giờ học để thảo luận. 

Tham gia trao đổi, các bạn cũng được cộng điểm, càng thực hiện nhiều càng có cơ hội đạt điểm tối đa. "Cho các bạn trao đổi sẽ tốn nhiều thời gian hơn, nhưng đây là cách giúp các bạn sinh viên quốc tế kết nối vào lớp học chứ không tự thả trôi" - cô Trà nói.

Về chuyện thi cử, cô Trà cho biết thêm hiện đang phân bố điểm theo nguyên tắc thi cuối kỳ chiếm 50%, thi giữa kỳ 20%, còn lại là các bài tập, hoạt động khác. Ở giữa kỳ, cô giao bài tập về nhà cho tất cả sinh viên. Với cuối kỳ, sinh viên Việt Nam sẽ thi trên lớp, các bạn Indonesia sẽ nhận đề riêng hoặc bài tập khác cho phù hợp.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - luật, khi lớp học có sinh viên quốc tế, dù ở hình thức online, sinh viên Việt Nam trong lớp cũng sẽ hoạt động tích cực hơn, phát huy khả năng ngoại ngữ. 

Ông chia sẻ: "Trong thời gian tới, trường sẽ tăng cường hoạt động trao đổi, liên kết quốc tế bằng việc mở rộng các chương trình. Càng nhiều chương trình mới sẽ càng đáp ứng được nhu cầu của sinh viên quốc tế".

Cần tương tác cả hai phía

Bạn Tạ Ngọc Phương Nguyên - sinh viên năm 3 khoa quản trị kinh doanh Trường ĐH Kinh tế - luật, từng học chung với nhiều sinh viên quốc tế - chia sẻ trao đổi học thuật chỉ hiệu quả khi cả sinh viên Việt Nam và nước bạn tích cực và thân thiện với nhau. Cả hai "đầu cầu" cần mạnh dạn trao đổi, ngại ngùng sẽ không thể bắt chuyện với nhau.

Ngôn ngữ cũng là một thử thách. Nếu các bạn ở Việt Nam không đủ năng lực ngoại ngữ sẽ khó giao tiếp với sinh viên quốc tế, khiến các bạn nước ngoài dễ bị lạc lõng. Đôi lúc, khi gặp những chỗ khó hiểu, giảng viên thường trình bày bằng tiếng Việt cho sinh viên Việt Nam dễ tiếp thu.

Điều này cũng gây trở ngại cho các bạn ASEAN đang cùng học trực tuyến với lớp.

"Mình cũng mong mau hết dịch để các bạn sinh viên quốc tế có thể qua đây, sẽ tương tác nhiều hơn và trao đổi văn hóa tốt hơn" - Phương Nguyên nói.

Cắt giảm chi phí

ThS Lê Bích Thủy nhìn nhận dịch COVID-19 cũng đã tạo ra một số cơ hội. Các sinh viên ASEAN thích các chương trình trao đổi sinh viên nhưng thường e dè nếu tốn nhiều chi phí. Lớp học "xuyên biên giới" mùa dịch giúp các bạn hoàn thành mục tiêu với chi phí gần như bằng không. Trong khi đó, sinh viên phương Tây thường không chuộng cách trao đổi này vì ưu tiên việc khám phá, trải nghiệm.

Dạy học trực tuyến không còn xa lạ Dạy học trực tuyến không còn xa lạ

TTO - Đó là chia sẻ của nhiều sinh viên, giảng viên khi hình thức dạy học trực tuyến đang được coi là phương án tối ưu nếu dịch COVID-19 tái bùng phát.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên