27/02/2020 09:36 GMT+7

'Lòng tử tế đã cứu chúng tôi...!'

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - Giữa lúc nóng bỏng bởi COVID-19, có một dòng suối mát lành chảy vào tâm hồn những người bác sĩ. Đó chính là những cánh thư từ người bệnh, nó giản dị mộc mạc nhưng quý giá hơn cả tiền bạc, cao lương mỹ vị…

Lòng tử tế đã cứu chúng tôi...! - Ảnh 1.

Các bác sĩ Phòng khám đa khoa Quang Hà trong giây phút bệnh nhân COVID-19 thứ 16 tại Việt Nam xuất viện - Ảnh: VIỆT DŨNG

Một tuần trước Ngày thầy thuốc Việt Nam, có một bức thư khiến nhiều người xúc động. Ấy là bức thư được viết lên từ sâu thẳm đáy lòng của hai cha con người Trung Quốc nhiễm COVID-19 đầu tiên tại Việt Nam gửi lời cảm ơn đến các nhân viên y tế cứu sống mình.

"Chúng tôi đã rời bệnh viện được ba ngày rồi nhưng tâm trí dường như vẫn còn ở lại bệnh viện, nơi cha con tôi không thể nào quên được những ấn tượng tươi đẹp và sâu sắc mà các y, bác sĩ của Chợ Rẫy đã để lại. Chúng tôi cảm nhận được chính lòng tử tế của các bạn đã cứu chúng tôi và chúng tôi sẽ ghi nhớ mãi mãi. Chúng tôi muốn hét lên từ tận đáy lòng mình rằng: Cảm ơn Việt Nam", bức thư viết.

Không chỉ một, hai thư mà nhiều thư. Tập thể các y bác sĩ Việt Nam từng nhận được nhiều thư chứa chan tình cảm biết ơn.

Đến bây giờ bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu (Bệnh viện Chợ Rẫy) vẫn còn lưu giữ những bức thư nay đã ngả màu ố vàng theo thời gian từ người bệnh. Trong ký ức chắp vá của một người đau bệnh, bác sĩ Thu không chỉ là "ân nhân cứu mạng", hình ảnh vị bác sĩ được người bệnh khắc nhớ qua những việc làm thật giản dị: "Bác sĩ Thu đêm nào cũng lên lầu 10 chăm sóc cho Tý, nhất là lúc Tý bị tiêu chảy. Nhớ có lần Tý được bác sĩ Thu buộc tóc, và còn nói gội đầu cho Tý nữa. Cuộc đời Tý sẽ không bao giờ quên".

Bệnh tật bám riết nhưng khi được điều trị khỏi, bệnh nhân N.H.P. (44 tuổi) như trút bỏ được gánh nặng bấy lâu nay. Ngày xuất viện chính là ngày ông cảm thấy "rất vui sướng" và bảo cần phải viết lá thư gửi lại các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân để tỏ lòng cảm ơn. "Không có các bác sĩ chắc chắn đã không có ca mổ này" - ông viết.

Rồi khi quyết định viết lá thư cảm ơn các y bác sĩ Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, điều mà bà H.T. (Vũng Tàu) nhắc đến nhiều nhất không chỉ là tài năng mà từ các cử chỉ, lời ăn tiếng nói của nhân viên y tế. Đó là hành động vỗ vỗ vào bàn tay, kéo chăn cho mỗi người bệnh hay lời động viên "cố gắng lên nhé". "Nhờ những lời nói ân tình ấy mà tôi có thêm điểm tựa tinh thần, có thêm niềm tin chiến thắng bệnh tật hiểm nghèo" - bà T. viết.

Bác sĩ Lê Quốc Hùng - trưởng khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy - nói rằng trong suốt 30 năm trong nghề không biết bao lần cứu sống người bệnh thoát khỏi lưỡi hái tử thần, vậy mà khi đón nhận "tâm tình" từ bức thư tay của người bệnh, ông vẫn không khỏi xúc động. "Với chúng tôi, một lời cảm ơn được coi như là phần thưởng quý giá cho thành quả công việc của mình" - bác sĩ Hùng chia sẻ.

Đúng như thế. Với mỗi con người đang mang trên mình áo choàng trắng, không ai nghĩ điều đó là to tát, cao siêu gì cả… Họ tự hiểu cứu người đơn giản chỉ là việc tự nhiên cần phải làm, là mệnh lệnh từ trái tim…

Các bác sĩ tận tụy lắm!

Ông V. là người cuối cùng trong gia đình 4 người bệnh, sau người vợ Phạm Thị T. và hai cô con gái Nguyễn Thị D., Nguyễn Thị Thùy D., đồng thời ông cũng là người khỏi bệnh thứ 16 trong số 16 bệnh nhân Việt Nam cho đến nay.

Vẻ bối rối, ông V. và vợ đều không biết nói gì, họ cầm hai bó hoa trao cho hai bác sĩ trực tiếp chăm sóc, lí nhí nói lời cảm ơn. Từ sau tết đến nay cả nhà ông đóng cửa đến đây, tuy có đến ba người cùng được điều trị ở Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà nhưng trong giai đoạn còn virus, mỗi người phải ở riêng một phòng. Mọi sinh hoạt cá nhân như ăn uống, thậm chí cả đổ rác đều phải có người phục vụ. "Những người phục vụ" này là bác sĩ, điều dưỡng ở các bệnh viện hỗ trợ và của Phòng khám đa khoa Quang Hà.

"Gia đình tôi có ba người chữa bệnh ở đây, lúc đầu mới được phát hiện bệnh tôi rất lo, mình có biết bệnh, chữa bệnh như thế nào đâu. Trong ba người, chồng tôi có biến chứng, biểu hiện bệnh nặng hơn. Những ngày ấy con gái lớn của tôi điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương và ba người chúng tôi phải liên tục gọi điện thoại động viên nhau cố gắng. Rất may có các bác sĩ, họ tận tụy lắm, lo cho chúng tôi từ bữa ăn tới giấc ngủ..." - bà T., vợ ông V., nói. (KHUÊ ANH)

Chị N.T.N. (bệnh nhân nhiễm COVID-19 đã khỏi bệnh):

Ở đâu bác sĩ cũng tận tình chăm sóc

Tôi cảm ơn các bác sĩ, nhân viên y tế, những người đã rất tận tâm chăm sóc từ sức khỏe đến đời sống của tôi trong những ngày phải cách ly điều trị.

Thời gian ban đầu tôi được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Tam Đảo, sau đó chuyển đến Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà, thuộc Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ở đâu các bác sĩ cũng tận tình chăm sóc chúng tôi. (L.A. ghi)

Ông Tạ Kiến Hòa (73 tuổi, quốc tịch Mỹ, bệnh nhân nhiễm COVID-19 được điều trị tại TP.HCM đã xuất viện):

Tôi mãi ghi ơn các bác sĩ

Lúc mới vào viện tôi rất bàng hoàng, rất sợ. Nhưng trong những ngày điều trị ở bệnh viện, nhận được sự quan tâm, tận tình, thậm chí cả những lời động viên, chia sẻ của điều dưỡng đến các y bác sĩ, lãnh đạo khoa, lãnh đạo bệnh viện, tôi dần hết lo lắng, nỗi sợ cũng nguôi ngoai. Tôi đã hợp tác điều trị và coi nhân viên, bác sĩ trong khoa giống như người thân của tôi. Tôi rất biết ơn trước sự chăm sóc ân cần, tận tình của các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trong suốt 3 tuần qua.

Sau 21 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, tôi đã khỏi bệnh. Các bác sĩ ở đây đã cứu tôi từ chỗ chết trở về. Trong cuộc đời tôi, tôi mãi ghi ơn các bác sĩ. (THÙY DƯƠNG ghi)

Y bác sĩ tình nguyện ở Sơn Lôi: Y bác sĩ tình nguyện ở Sơn Lôi: 'Tin rằng dịch sẽ sớm được đẩy lùi'

TTO - "Nếu nói không lo lắng, không sợ thì chúng tôi nói dối. Nhưng chúng tôi có trách nhiệm y đức, có lòng trắc ẩn và niềm tin dịch sẽ được đẩy lùi".

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên