Các bạn trẻ thưởng thức "đèn giấy" tại buổi triển lãm - Ảnh: KIỀU THU
Với mong muốn đem lại một sự kiện có ý nghĩa, mới lạ cho cộng đồng vào dịp cuối năm, đồng thời giúp mọi người có cái nhìn thiện cảm hơn về thành phố cũng như con người Hà Nội, các thành viên trong CLB Current Media (trường Đại học RMIT Hà Nội) đã tổ chức sự kiện đặc biệt này. Đây là triển lãm đầu tiên của CLB, đánh dấu chặng đường đầu tiên của dự án
Senses of Hà Nội.
Không chỉ ngắm nhìn đơn thuần các bạn còn được đọc các câu chuyện thông qua cuốn sổ tay hướng dẫn tham quan và ghi chép các mẩu chuyện về Hà Nội - Ảnh: KIỀU THU
Thông qua những câu chuyện đời thường về người Hà Nội, triển lãm đã đưa người xem thưởng thức, trải nghiệm qua những hình thức, bằng những giác quan khác nhau: nhìn - ngắm, sờ - chạm, lắng nghe, ngửi mùi, và cảm nhận bằng tất cả tình yêu Hà Nội, thông qua những chiếc đèn giấy, những tấm phim dương bản cũ, biểu đồ cây, viết câu chuyện trên bản đồ Hà Nội.
Bạn trẻ thích thú khi được ngửi mùi hương đặc trưng của Hà Nội lưu giữ trong những chiếc lọ thủy tinh… - Ảnh: KIỀU THU
…ngắm nhìn những tấm phim dương bản… - Ảnh: KIỀU THU
…đo lường cảm xúc bản thân qua những sợi chỉ… - Ảnh: KIỀU THU
… và tự tay viết những câu chuyện, lời chúc của mình và cắm lên bản đồ Hà Nội - Ảnh: KIỀU THU
Chia sẻ với Tuổi trẻ Online về triển lãm này, Trần Thị Khánh Huyền (Trưởng Ban Sự kiện - Truyền thông Current Media) cho biết: "Chúng mình đã mất 3 tháng để chuẩn bị. Bên cạnh rất nhiều khó khăn khi thực hiện, chúng mình cũng rất may mắn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ cả về tài chính và tinh thần từ nhà trường, thầy Stan - một người ngoại quốc nhưng có niềm đam mê rất lớn với văn hóa và con người Việt Nam, con người Hà Nội.
Làm triển lãm có 2 điều đáng sợ nhất, là ít người đến, hoặc đến rồi mà không hứng thú. Nhưng từ những ngày truyền thông trên mạng xã hội, đến hôm nay ra mắt, mình thực sự rất vui vì có rất nhiều người ủng hộ, có những phản hồi rất tích cực".
Triển lãm thu hút được sự chú ý của rất đông các bạn trẻ trên địa bàn thành phố, và cả những phụ huynh yêu văn hóa truyền thống.
Nằm trong kế hoạch đi chơi cuối tuần với con, chị Chu Minh Hợi (1971, Hà Nội) đã thích thú chọn triển lãm là điểm đến. "Hai mẹ con mình dự định đi chơi cuối tuần nên đã tìm các sự kiện trên mạng, và thấy triển lãm này rất thú vị và có ý nghĩa nên đã quyết định tham gia.
Mình thích nhất là những chiếc đèn giấy trưng bày tại đây, nghệ thuật cắt giấy, sắp xếp rất cầu kỳ. Đặc biệt là đằng sau mỗi chiếc đèn lại là một câu chuyện về lòng tin của con người được kể lại - những chuyện rất bình thường nhưng có tác động rất mạnh về mặt cảm xúc, khiến gợi nhớ tới các giá trị truyền thống của người Hà Nội, lòng tốt giữa con người với con người".
Những câu được viết từ chính trái tim mình trong triển lãm
Sau nhiều năm gắn bó, đặc biệt là sau triển lãm này, bạn Nguyễn Thị Minh Thúy (1998, Đại học quốc gia Hà Nội) đã thay đổi suy nghĩ rất nhiều. "Thời gian đầu từ Bắc Ninh lên Hà Nội học, mình thấy rất ghét Hà Nội. Hà Nội xô bồ, chật chội, vội vã và nhiều lừa lọc quá.
Nhưng sau khoảng thời gian 2-3 năm, mình bắt đầu dung hòa hơn, có những góc Hà Nội của riêng mình, quen những người gắn kết mình với Hà Nội, và có những cảm xúc tích cực với nơi đây.
Mình cũng thấy những mùi hương rất thân thuộc như mùi hoa sữa, mùi cốm, mùi cà phê, mùi Tết… những mùi rất đặc trưng của Hà Nội. Giờ mình thấy Hà Nội không hề đáng ghét. Chỉ là trước đây mình chưa hiểu hết về Hà Nội, chưa mở lòng với Hà Nội thôi", Thúy chia sẻ.
Tuy không phải người Hà Nội và cũng sống ở Hà Nội chưa lâu, Trần Ngọc Tiến (sinh năm 2000, Thanh Hóa) lại rất muốn khám phá Hà Nội: "Qua buổi triển lãm mình được tìm hiểu nhiều hơn về những nét đẹp của Hà Nội, về con người, văn hóa, từ đó hiểu Hà Nội sâu sắc hơn", Tiến nói.
Triển lãm mở cửa tự do, 2 ngày cuối tuần (19-1 và 20-1) (có thể kéo dài đến 23-1) tại AGOhub, Số 12, Phố Hòa Mã, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận