13/07/2021 09:55 GMT+7

Long An bắt đầu hỗ trợ 20.000 người lao động tự do

SƠN LÂM
SƠN LÂM

TTO - Tại Long An, hiện có hơn 45.500 người thuộc đối tượng được hỗ trợ theo tinh thần nghị quyết 68 của Chính phủ. Trong số này, 20.000 lao động tự do sẽ bắt đầu được tỉnh triển khai thực hiện hỗ trợ từ ngày 12-7.

Long An bắt đầu hỗ trợ 20.000 người lao động tự do - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Được, bí thư Tỉnh ủy Long An, trao tiền hỗ trợ cho người bán vé số, người hành nghề xe ôm tại huyện Bến Lức chiều 12-7 - Ảnh: SƠN LÂM

* Tôi sống bằng nghề bán vé số trên địa bàn tỉnh Long An, hiện tại phải dừng bán, tôi sẽ được hỗ trợ như thế nào?

- Ông Nguyễn Văn Được (bí thư Tỉnh ủy Long An) trả lời: Tại Long An, hiện có hơn 45.500 người thuộc đối tượng được hỗ trợ theo tinh thần nghị quyết 68 của Chính phủ. Trong số này, 20.000 lao động tự do sẽ bắt đầu được tỉnh triển khai thực hiện hỗ trợ từ ngày 12-7.

Đó là những người bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định, thu gom rác, phế liệu, bốc vác, vận chuyển hàng hóa, lái xe ôm truyền thống, xe xích lô, tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe, bán lẻ vé số lưu động và một số công việc phải tạm ngừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND tỉnh và UBND cấp huyện (người lao động đang cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh).

Như trường hợp của người bán vé số, UBND cấp xã sẽ phối hợp với Ủy ban MTTQ VN xã, phường, thị trấn để tổng hợp, rà soát, lập danh sách các đối tượng đủ điều kiện được hỗ trợ. Mức tiền hỗ trợ sẽ là 50.000 đồng/ngày/người nhân với tổng số ngày lao động bị mất việc hoặc ảnh hưởng thu nhập.

* Từ 0h ngày 13-7, tỉnh Long An yêu cầu các doanh nghiệp chưa thực hiện "3 tại chỗ" (sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ) phải dừng hoạt động. Doanh nghiệp, người lao động được hỗ trợ gì trong việc phòng dịch này?

- Ông Nguyễn Thành Thanh (trưởng Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Long An) trả lời: Hiện Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Long An đã có văn bản hướng dẫn việc tạm thời thực hiện vừa cách ly, vừa sản xuất đối với các doanh nghiệp. 

Theo đó, việc tổ chức sản xuất phải đảm bảo đáp ứng các tiêu chí cho hoạt động phòng chống dịch, phải thuận lợi cho người lao động sinh hoạt tại doanh nghiệp. 

Doanh nghiệp có thể bố trí chỗ ở lại ngay tại công ty, nơi ở dã chiến như tại các khách sạn, nhà nghỉ, nhà xưởng gần doanh nghiệp nhưng phải bắt buộc yêu cầu một nơi ở tập trung chỉ bố trí cho người lao động của một doanh nghiệp, không để công nhân của nhiều doanh nghiệp ở cùng nhau.

Nơi ở tập trung phải đảm bảo cách ly, thuận lợi cho người lao động, phải có camera giám sát y tế, đầy đủ thực phẩm và các điều kiện phòng dịch như dung dịch sát khuẩn, kết nối hệ thống thông tin với địa phương... 

Còn nơi ở dã chiến phải thêm điều kiện là tách biệt khỏi các khu vực sản xuất, có rào chắn, được chia thành nhiều khu vực riêng biệt cho công tác khử khuẩn, lưu trú, ăn uống, vệ sinh... Khi đảm bảo các tiêu chí này, doanh nghiệp làm hồ sơ gửi đến các đơn vị quản lý để được thẩm định và hoạt động trở lại.

Về việc phải đảm bảo test nhanh cho công nhân, các doanh nghiệp có thể liên hệ với các trung tâm y tế địa phương để được hỗ trợ, hoặc liên hệ đến đường dây nóng của Sở Y tế. Còn về lương thực, Sở Công thương sẽ đảm bảo vấn đề này và cũng có đường dây nóng để sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp khi cần thiết.

Trong quá trình hoạt động "3 tại chỗ", người lao động chỉ được ở hoàn toàn trong các khu vực theo quy định ở trên. Doanh nghiệp phải cam kết và sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu không thực hiện đúng theo các yêu cầu và để lây lan dịch bệnh.

Giãn cách, nhận lương hưu, tiền trợ cấp thế nào?

Nhiều người dân nghèo ở TP Nha Trang lo lắng, thắc mắc làm sao nhận được lương hưu, trợ cấp tháng 7-2021 trong điều kiện giãn cách (xem "Thực hiện giãn cách có chi trả tiền trợ cấp xã hội cho dân?", Tuổi Trẻ ngày 12-7-2021). Tỉnh Khánh Hòa giải quyết chuyện này như thế nào?

Theo phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Thành Sơn, ngày 12-7, Bưu điện Khánh Hòa đã chỉ đạo đơn vị liên quan làm việc với Phòng LĐ-TB&XH TP Nha Trang để thống nhất cách chi trả tiền trợ cấp xã hội cho những người chưa nhận trợ cấp bằng tiền mặt ở TP Nha Trang.

Tỉnh Khánh Hòa áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội kể từ 0h ngày 9-7 trên địa bàn TP Nha Trang, TX Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh. Bà Ung Thị Vân, giám đốc Bưu điện Khánh Hòa, cho biết vào ngày 9-7 vừa qua có đơn vị bưu điện đã mang tiền đến điểm chi trả tiền thông lệ nhưng đã phải tạm dừng chi trả (do tránh tập trung đông người).

Người nhận trợ cấp xã hội hầu hết họ không có thẻ ATM. TP Nha Trang đã là địa bàn "có nguy cơ rất cao" về dịch bệnh COVID-19, nhân viên bưu điện không thể trực tiếp đến từng nhà để chi trả tiền trợ cấp xã hội cho từng người.

Bà Vân cho biết một trong những phương án bưu điện đã đề xuất là Phòng LĐ-TB&XH và các xã phường cung cấp danh sách, nhân viên bưu điện sẽ gọi trực tiếp cho từng người để hẹn địa điểm, ngày giờ chi trả tiền trợ cấp cho từng người. Việc chi trả tiền trợ cấp cho những người có công với cách mạng, với những người chưa nhận, bưu điện cũng sẽ đề nghị thực hiện cách chi trả như trên.

PHAN SÔNG NGÂN

Thủ tướng yêu cầu Long An xem nhiệm vụ chống dịch là số 1 Thủ tướng yêu cầu Long An xem nhiệm vụ chống dịch là số 1

TTO - Kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Long An, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các bộ trưởng đã yêu cầu tỉnh này thực hiện nghiêm túc hơn việc áp dụng chỉ thị 16 và xem nhiệm vụ chống dịch là số 1.

SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên