Kéo dài thời gian kiện tung, lối đi nào cho Grab và Vinasun để phát triển loại hình vận tải, hướng đến lợi ích của người tiêu dùng - Ảnh: TL
Trải qua hơn 9 tháng từ ngày đưa vụ án ra xét xử, TAND TP.HCM vẫn chưa có phán quyết vụ Vinasun kiện Grab, đòi bồi thường hơn 41,2 tỷ đồng bởi các bên đều đưa ra những lý lẽ riêng của mình. Phiên tòa xét xử vụ kiện đòi bồi thường ngoài hợp đồng giữa Vinasun taxi và Grab đã được Toà an nhân dân TP. HCM tiếp tục lùi đến 30-11.
Taxi ở tỉnh muốn hợp tác với Grab?
Dù thử nghiệm hợp tác với Grab chỉ vài ngày, một số đơn vị taxi truyền thống ở Buôn Ma Thuột, Kontum, Bình Định cho rằng chưa bàn đến chuyện đúng sai khi kết hợp giữa mô hình truyền thống và công nghệ nhưng thực tế sự kết hợp này lại tốt, tiện tích cho khách hàng và tăng doanh thu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 27-11, ông Khổng Mạnh Võ - giám đốc điều hành Hãng taxi Quyết Tiến - Buôn Mê Thuột, cho biết mới đây đơn vị hợp tác thí điểm 100 xe với ứng dụng Grabtaxi chỉ trong 4 ngày, kết quả doanh thu và hành khách sử dụng tăng lên.
Theo ông Võ, khi kết hợp với Grabtaxi, nhu cầu khách hàng đặt qua ứng dụng sẽ là xu hướng hơn so gọi đến tổng đài hay vẫy bắt xe ở ngoài đường. Khi kết hợp, Grab giới thiệu khách cho taxi truyền thống, khi nhận khách giá cả sẽ tính dựa trên đồng hồ giá cả taxi truyền thống. Tuy nhiên, ông Võ cho biết việc hợp tác với Grab đã bị dừng lại.
Ông Vũ - lãnh đạo của taxi Blue ở Kontum cho biết với các doanh nghiệp vận tải nhỏ, việc phát triển một ứng dụng công nghệ có nhiều ưu việt như của Grab là rất khó thực hiện vì không có kinh phí. Ông Vũ cũng thừa nhận rằng, nếu hợp tác phát triển cùng với Grab về công nghệ nhưng vẫn hoạt động về giá cả như taci truyền thống sẽ có lợi rất nhiều.
Theo ông Vũ, đơn vị của ông đã hợp tác cùng Grab nhưng vẫn chưa triển khai hoạt động được vì hành lang pháp lý chưa đầu đủ. Nhìn nhận cuộc chiến giữa Vinasun và Grab, một số đơn vị taxi truyền thống cho rằng nếu Vinasun và Grab có thể cùng ngồi lại với nhau thì đó sẽ là một tín hiệu tốt cho thị trường.
Theo đó, các doanh nghiệp taxi truyền thống có kinh nghiệm trong việc quản trị nhân sự và các tài xế của mình, còn Grab có lợi thế về công nghệ. Sự hợp tác này sẽ mang lại nhiều lợi ích rất lớn cho người tiêu dùng.
Vụ kiện kéo dài lấy đi nhiều công sức
Liên quan đến vụ kiện giữ Vinasun và Grab khéo dài hơn 9 tháng vẫn chưa có hồi kết, ông Jerry Lim - Giám đốc Grab tại VN cho rằng, phiên tòa này đã kéo dài quá lâu và rõ ràng đang lấy đi nhiều công sức của các bên có liên quan, bao gồm cả tòa án.
Theo ông Jerry Lim, Grab mong Vinasun hãy cùng hợp tác với chúng tôi hướng đến lợi ích chung của người dân Việt Nam. Ở đâu có thiện chí, ở đó sẽ giải pháp và chúng tôi tin chắc rằng, cùng nhau, chúng ta có thể tạo ra thêm nhiều giá trị cho thị trường vận tải theo các nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh.
"Là một nền tảng công nghệ mở, chúng tôi có nhiều kinh nghiệm làm thế nào để mang đến giá trị tốt nhất cho đối tác taxi khắp khu vực Đông Nam Á, bao gồm giúp các tài xế taxi hoạt động hiệu quả hơn và có thu nhập cao hơn. Đây chắc chắn là điều chúng tôi luôn sẵn lòng chia sẻ với Vinasun" - ông Jerry Lim nói.
Trong khi đó, mới đây tại thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý thuế sửa đổi sáng 12-11 trong phiên họp Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, khi đi nghiên cứu ở nhiều nước, đa phần các nước khuyên nên để kinh tế chia sẻ tự phát triển, không nên can thiệp quá mạnh. Bởi vì, đây là loại hình quá mới, phát triển và thay đổi rất nhanh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nếu chúng ta ủng hộ loại hình truyền thống thì chúng ta không khuyến khích công nghệ phát triển và không khuyến khích kinh tế chia sẻ, không ủng hộ số đông là người tiêu dùng có lợi. Nhưng, nếu ủng hộ công nghệ thì ảnh hưởng đến kinh doanh truyền thống.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế cũng cho rằng, trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển, kinh tế chia sẻ, hợp tác các bên cùng có lợi là xu hướng văn minh. Trong khi Grab chuyên về công nghệ, taxi truyền thống có xe, có bộ máy quản lý, hai bên bắt tay hợp tác thay vì đối đầu gây mất thời gian và thiệt hại kinh tế của cả hai.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Tiến sĩ - luật sư Bùi Quang Tín cho rằng quan điểm của ông là hai bên hoà giải là sự cần thiết. Bởi lẽ, Grab và Vinasun đại diện cho 2 hướng khác nhau là taxi công nghệ và taxi truyền thống. Hẳn nhiên, taxi truyền thống cũng đang đẩy mạnh áp dụng về công nghệ. Tuy nhiên, nổi bật hơn về công nghệ vẫn là Grab, Go-Việt, Fastgo... với những ưu việt về giá cả, dịch vụ.
Nói về vụ kiện kéo dài giữa Vinasun và Grab, ông Tín cho rằng hai bên đã tiêu tốn quá nhiều sức lực, vật lực, thời gian dài để "đấu" với nhau ở toà với những lý lẽ riêng. Chúng ta nên tôn trọng sự phát triển của nền kinh tế chia sẻ, công nghệ hiện đại và lợi ích của khách hàng trên hết nhưng điều kiện cạnh tranh của các bên không bình đẳng thì sự gay gắt sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn nữa.
Nhận định riêng về vụ kiện giữa Vinasun và Grab, một chuyên gia kinh tế cho rằng việc nói hòa giải thì giờ cũng rất khó, bởi đã kiện nhau ra tòa thì chỉ có xử thua hoặc thắng. Nếu đã đề cập đến hòa giải thì phải cụ thể, hòa giải theo hướng như thế nào. Nếu Vinasun cầu thị hơn trong việc đón nhận xu thế kinh tế chia sẻ, dám thể hiện bản lĩnh để đối thoại với Grab, tìm ra cách thức hợp tác chung và ngược lại, phía Grab cởi mở chia sẻ nền tảng công nghệ của mình để hai bên cùng hợp tác thì người dùng sẽ là người ủng hộ hai bên mạnh mẽ nhất.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 27-11 xoay quanh về ý kiến của đại diện Grab có ý muốn hợp tác cùng Vinasun không nên kéo dài vụ kiện, một lãnh đạo của Vinasun khẳng định mọi việc sẽ chờ phán quyết của toà và Vinasun chưa có ý định hợp tác cùng Grab.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận