Tài xế taxi Vinasun và Grab đón khách trên đường Phan Đăng Lưu, phường 6, quận Bình Thạnh - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
“Chúng ta đừng bao giờ mang quả núi công nghệ đè lên một mô đất mà hãy nhìn vào bản chất của từng mô hình hoạt động để đánh giá đúng vấn đề” - ông Trương Đình Quý, phó tổng giám đốc Vinasun - đã nói khi trao đổi với Tuổi Trẻ.
Đừng mang quả núi công nghệ đè lên mô đất
* Người ta nói nếu không có những mô hình như Uber hay Grab vào VN, các công ty taxi sẽ không chịu đổi mới?
- Chúng tôi nhận thức tính chất sống còn của đổi mới, sáng tạo nằm ở nhiều khía cạnh, từ quản trị điều hành đến kế hoạch - kinh doanh. Và tôi nghĩ các doanh nghiệp (DN) VN cũng ý thức được điều này rất rõ trong quá trình phát triển và hội nhập.
Từ năm 2014, Vinasun đã bắt đầu tìm hiểu ứng dụng gọi xe, nhưng lúc đó nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin VN còn yếu, mạng 2G còn chưa ổn định. Đến năm 2015 khi mạng 3G bắt đầu phát triển, ứng dụng này đã được chúng tôi đầu tư rất nhiều.
Về cơ bản, nó thích ứng cho việc quản lý liên quan đến kết nối với khách hàng, đến quản lý lái xe, đảm bảo an toàn trong vận hành, kể cả ứng dụng trong công tác quản trị của công ty như điểm đi, điểm đến, giá cả, cả những yếu tố bảo vệ an toàn cho hành khách, tín hiệu khẩn cấp...
Phần mềm ứng dụng của chúng tôi cũng dựa trên trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn... Tới giờ này, chúng tôi tự tin về ứng dụng của Vinasun.
Kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi là một trong những lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và phải đáp ứng 13 điều kiện, trong đó có các yếu tố như nhận dạng tài xế, hộp đen, đồng hồ tính tiền, máy in hóa đơn... Đây là một sự cố gắng nỗ lực rất nhiều của DN trong nước... Ứng dụng của Vinasun đã tích hợp được những chức năng đó.
Ông Trương Đình Quý - Ảnh: NHƯ BÌNH
* Ông nói đã có sự chuẩn bị nhưng khi những mô hình kinh tế mới vào VN, các DN taxi chính thống như ông nói, vẫn bị ảnh hưởng nặng nề?
- Câu chuyện là một số công ty mang danh công nghệ triển khai hoạt động gọi xe bất chấp pháp luật và quy định của Nhà nước. Doanh thu vận tải của họ phát sinh từ năm 2014, sau đó đề án thí điểm 24 mới ra đời tạo điều kiện cho họ bung ra, phát triển số lượng một cách chóng mặt.
Điều đó cho thấy phản ứng của VN trong quản lý các mô hình kinh tế mới là khá chậm, cũng như việc đánh giá, xác định bản chất các mô hình để có quản lý phù hợp cũng chưa sát.
Chúng tôi cũng có những kiến nghị, mãi cho đến bây giờ, chuyển động trong quản lý để đánh giá đúng bản chất loại hình kinh doanh dành cho xe dưới 9 chỗ ngồi mới là phù hợp, thông qua dự thảo nghị định 86.
* Với vụ kiện này, Vinasun dựa trên cơ sở pháp lý nào, tại sao không dùng Luật cạnh tranh?
- Bản chất của vụ kiện Vinasun với Grab là đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, vì đây là hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh vận tải.
Từ vi phạm này, có cơ sở để chứng minh Grab đang có những vi phạm pháp luật của Luật thương mại, lao động, tài chính... kể cả Luật doanh nghiệp hay Luật đầu tư nước ngoài.
Đến nay, Grab vẫn lập luận rằng đề án 24 của Bộ GTVT là quyết định duy nhất liên quan đến hoạt động của công ty này. Đây là nhận thức sai lầm vì hệ thống pháp luật của VN vận hành theo quy trình hoàn toàn khác.
Nếu dựa vào Luật cạnh tranh thì có vẻ hơi hẹp. Chúng tôi muốn xuất phát của vụ kiện là từ lợi ích của cộng đồng DN trong nước và người lao động, lợi ích của người tiêu dùng.
Nhưng cái nhấn mạnh là bản chất hoạt động của Grab là đang trái pháp luật, gây ra thiệt hại cho xã hội chứ không chỉ đơn thuần là cạnh tranh không lành mạnh.
* Dưới cách nhìn của một công ty kinh doanh vận tải, những mô hình gọi xe dựa trên nền tảng công nghệ mới là gì?
- Chúng tôi không bao giờ phản đối xu thế phát triển của công nghệ và đưa chúng vào ứng dụng. Đó là xu hướng tất yếu của cuộc sống, của quá trình phát triển diễn ra không chỉ trên lĩnh vực kinh tế mà ở mọi khía cạnh của đời sống. Đó là xu hướng mà chúng ta phải luôn tôn trọng.
Nhưng từ một phần mềm kết nối và đẻ ra một mô hình kinh doanh không đúng về mặt bản chất lại là một vấn đề khác. Đó là câu chuyện xe hợp đồng điện tử mà trong thực tế chứng minh không tồn tại một hợp đồng điện tử nào.
Những DN với các phần mềm trung gian này đã dùng những cách thức không lành mạnh gây biến dạng mô hình kinh doanh mà theo tôi, hệ lụy rất nhiều. Nếu kinh tế chia sẻ thực sự thì đáng ra phải khác.
Họ chi tiền tung ra những chương trình hỗ trợ, khuyến mãi... một cách không hạn chế để mở rộng mạng lưới không ngừng. Việt Nam không thiếu xe và tài xế nhưng mặt đường thiếu trầm trọng.
Theo tính toán của chúng tôi trong một thời điểm ngắn, từ 177 xe hợp đồng ở TP.HCM vào năm 2014, đến nay đã nhảy lên 34.880 xe hợp đồng và TP.HCM đã tốn biết bao nhiêu tiền của để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông.
Nguy hiểm hơn nữa là tạo ra một mô hình hợp tác xã trên giấy, biến dị vì thực tế họ không quản tài xế, không quản doanh thu hay ấn định giá cước, Grab quyết định tất cả.
Ngay cả bài toán về thuế, trên nhiều khía cạnh đang tồn tại sự không công bằng nếu so sánh giữa các công ty taxi chính thống với mô hình như Grab. Mô hình của những công ty như Grab, theo tôi, là kinh doanh vận tải như taxi.
Họ không đầu tư cơ sở hạ tầng, báo lỗ dài qua nhiều năm... Trong kinh doanh ai cũng hiểu chiêu bài dùng tiền chiếm lĩnh thị phần sau đó quay trở lại "tính sổ".
Do đó, chúng tôi lên tiếng không phải vì lợi ích riêng của Vinasun mà còn là trách nhiệm của một công dân, vì lợi ích quốc gia và cộng đồng DN.
Chủ tịch Grab Việt Nam: Chúng tôi làm điều pháp luật không cấm
Ông Nguyễn Tuấn Anh - chủ tịch Công ty Grab Việt Nam
"Chúng tôi nghĩ vì một chiếc xe phục vụ rất nhiều người khác nhau, chia sẻ tài nguyên cho xã hội thì có lẽ Grab nên được gọi là giao thông công cộng" - ông Nguyễn Tuấn Anh, chủ tịch Công ty Grab Việt Nam, trao đổi với Tuổi Trẻ.
* Xin lỗi vì đến trễ, Grab tính tiền vừa mắc lại đi hơi chậm nữa...
- Giờ này ít xe, tài xế họ có quyền chọn đi hay không đi. Và hệ thống phải đưa ra bài toán tối ưu về giá để khớp nhau: mức giá cao nhất mà anh có thể chấp nhận trùng với mức giá thấp nhất mà tài xế chịu đi, Grab chỉ đứng giữa.
Tất cả dựa vào thông tin quá khứ của hai bên mà hệ thống đã tự học được. Mà chúng ta đi ăn trưa, không phải để càm ràm về phương tiện giao thông công cộng đâu...
* Grab mà là giao thông công cộng?
- Chúng tôi nghĩ nó đã tiệm cận khái niệm này, vì một chiếc xe phục vụ rất nhiều người khác nhau, chia sẻ tài nguyên cho xã hội thì có lẽ nên được gọi là giao thông công cộng.
* Nhân tiện, vụ "GrabPay by Moca" bị cộng đồng mạng phàn nàn quá chừng chừng...
- Tham gia lĩnh vực thanh toán qua điện thoại là việc rất khó và được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát rất nghiêm.
Chúng tôi cũng muốn làm cho nó thuận tiện nhất cho khách hàng, nhưng thay đổi thói quen tiêu dùng không xài tiền mặt là một việc khó do các quy định chặt chẽ và cần có thời gian để các bên làm quen với nhau. Chúng tôi đã chính thức xin lỗi vì những bất tiện này.
Thách thức lúc nào cũng có, như một bài kiểm tra sức mạnh ý chí của những người muốn làm cái mới, mong muốn tạo ra thay đổi thôi.
* Mà tại sao phải thay đổi khi mà mọi chuyện đang yên đang lành...
- Tôi nghĩ cách mạng công nghiệp 4.0 là một cơn sóng thần, chạy đi đâu cũng không thoát được. Đơn giản là vì đã tới thời điểm chín muồi của nó.
Chẳng hạn trí tuệ nhân tạo là thứ đã được các nhà khoa học nghiên cứu từ thập niên 1960 nhưng chỉ đến thời điểm này, máy tính chạy nhanh hơn, Internet mạnh hơn, hầu như ai cũng sở hữu cái điện thoại thông minh có chứa bộ vi xử lý mạnh ngang với thiết bị trên tàu vũ trụ thuở xưa, thì mới đến "điểm bùng phát" của nó. Không đổi không được.
* Vậy là sẽ có những người bị bỏ lại khi không theo kịp tốc độ thay đổi này, chẳng hạn tài xế taxi truyền thống sẽ bị mất việc?
- Tôi không nghĩ vậy. Ai cũng có chỗ của mình trên chuyến tàu 4.0 này, miễn là chịu cởi trói tư duy của mình. Chẳng hạn, một trong những điểm nhấn của thời đại là nền kinh tế chia sẻ.
Hiện có hơn 100.000 người sử dụng nền tảng Grab đang sống trong nền kinh tế này. 4.0 sẽ tạo điều kiện cho một thế hệ phụ nữ nội trợ của chúng ta tỏa sáng, và tạo ra hàng triệu những doanh nghiệp siêu nhỏ (micro entrepreneur).
Đó là quá trình ai cũng có thể làm chủ, mở ra hoạt động kinh doanh để nuôi sống gia đình mình và có không gian rộng lớn hơn để phát triển.
* Chúng ta nói về vụ kiện giữa Grab và Vinasun đi, ông nghĩ sao?
- Chúng tôi tuân thủ mọi quy định pháp lý, và luôn làm những điều pháp luật không cấm. Chuyện kiện tụng trong kinh doanh quốc tế cũng thường gặp, chúng tôi cũng chuẩn bị trước tâm lý cho việc này.
Sự va đập giữa cái cũ và cái mới luôn tạo ra nhiều đau đớn. Không phải Grab thì cũng có công ty khác làm chuyện này thôi.
Nhưng tham gia vụ kiện với Vinasun - nơi được dẫn dắt bởi chú Bảy Thành là một người mà tôi kính trọng thì cũng hay. Chú là người đã tạo ra một ngành công nghiệp bằng tài năng và ý chí của mình.
Tôi tôn trọng việc chú phải làm để bảo vệ nền tảng triết lý của chú, đặc biệt là sự bảo bọc đội ngũ tài xế của mình.
* Vậy cuối cùng, Grab tới Việt Nam làm gì, nghe nói lỗ dữ lắm và cứ mãi đốt tiền...
- Là một doanh nghiệp, chúng tôi phải kiếm ra tiền chứ, thậm chí là nhiều tiền. Tiền không phải của Grab mà là của các nhà đầu tư. Muốn kiếm được nhiều tiền thì phải làm cho mọi người kiếm được tiền và khách hàng vui, phải tạo ra những tác động tích cực cho xã hội nữa.
Mô hình kinh tế chia sẻ của Grab vận chuyển đã sử dụng hiệu quả nguồn lực nhàn rỗi và sắp bắt đầu có lãi rồi...
* Các ông đã quản lý hệ thống tài xế và xe cộ hiệu quả?
- Không phải chúng tôi quản lý. Thời đại 4.0 cần nghĩ mọi thứ đa chiều hơn. Người dùng mới là người quản lý các xe Grab, thông qua hệ thống đánh giá, họ chọn ai được tiếp tục hành nghề và ai phải bị đào thải. Chúng tôi chỉ là người cung cấp giải pháp cho việc này.
* Vậy thử tư duy đa chiều một chút: mấy người bị đào thải đó phải sống sao?
- Họ phải tự tìm cách thôi. Thế giới bây giờ đã phải nghiên cứu khái niệm về "basic income" - tức là thu nhập cơ bản của mỗi người dù có làm việc hay không.
Robot xuất hiện không phải với hình dáng như trên phim ảnh đâu, mà bằng những yếu tố nhỏ nhất như cánh tay chiên trứng ở nhà hàng của Sing hay máy bán vé tự động ở rạp hát.
Của cải sẽ làm ra nhiều hơn, rẻ hơn, tương đương với việc thu nhập tăng lên, nhưng vẫn phải có người tiêu dùng chứ nếu không xã hội sẽ bất ổn, nên các nhà hoạch định chính sách đang tìm cách để điều chỉnh việc này. Sự thay đổi nào cũng cần thời gian để thích nghi và có giải pháp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận