Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon (trái) chủ trì sự kiện tại trụ sở LHQ ở New York ngày 21-9 - Ảnh: Reuters |
Đây là một cơ hội để mỗi nước nói lên những suy nghĩ, ước ao, thậm chí những ấm ức của mình và cả những đòn tâm lý chiến...
Khi ông Tổng thư ký bất lực
Tính đa chiều là đương nhiên khi mà lợi ích của nước này có thể tương đồng với nước kia, song lại là bất đồng với nước nọ. Thế nhưng chưa bao giờ cảnh “ông nói gà, bà nói vịt” lại nghiêm trọng như năm nay, khi mà những mâu thuẫn đang được đẩy lên tột đỉnh trong tiếng giày trận rầm rập vang lên một cách đe dọa ở đây, ở kia...
Có vẻ như “trật tự” một chiều trong 25 năm qua kể từ sau khi chiến tranh lạnh kết thúc đang bị phá vỡ... đến nỗi Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon trong diễn văn khai mạc đã phải thừa nhận:
“Các cuộc xung đột ngày càng tăng, càng kéo dài và phức tạp. Trong thế giới ngày nay, cuộc xung đột ở Syria đang cướp đi nhiều sinh mạng nhất và đang gieo rắc sự bất ổn rộng rãi nhất... Các “ông lớn” đang nuôi dưỡng bộ máy chiến tranh cũng đang vấy máu trên bàn tay.
Hiện diện hôm nay trong sảnh đường này có đại diện của những chính phủ đã làm ngơ, tạo thuận lợi, cấp tài trợ, tham gia hẳn vào, thậm chí lên kế hoạch và tiến hành những hành động hung ác mà mọi phe của cuộc xung đột Syria đã giáng xuống dân chúng Syria”.
Không gì bi lụy cho bằng phải nghe chính từ nhân vật đang giữ vị trí đầu mối “tiếp nhận và xử lý thông tin” cho cả thế giới là ông Tổng thư ký LHQ những than thở tột cùng sau:
“Vào lúc mà chúng ta đang nghĩ là tình hình không thể tệ hơn nữa thì sự đồi bại lại chìm sâu hơn nữa. Một cuộc tấn công bệnh hoạn, man rợ và dường như là đầy chủ đích hôm qua vào một đoàn xe tiếp tế của LHQ - Trăng lưỡi liềm đỏ - là một ví dụ mới nhất. LHQ buộc phải tạm ngưng các chuyến tiếp tế đó lại”.
Nội vụ mà ông Tổng thư ký nêu ra có đầy đủ vóc dáng của một màn “thanh toán, trả đũa” tiếc thay không trực tiếp vào các đối thủ, mà vào thường dân vô tội. Đầu tiên là một cuộc không kích lầm vào một đoàn xe của quân Chính phủ Syria do ngỡ rằng đó là của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), sau đó là cuộc không kích “nặc danh” vào đoàn xe cứu trợ của LHQ - Trăng lưỡi liềm đỏ đang di chuyển đến thị trấn Aleppo bị quân Chính phủ Syria vây hãm.
Bên “liên quân chống IS” nói là “lầm lẫn”, phía Nga và Syria thì nói là “không dính líu”. Chẳng thấy ai truy cứu trách nhiệm ai trong các vụ này. Ngay cả LHQ cũng “bó tay”!
Trước Đại hội đồng LHQ, ông Tổng thư ký chỉ có thể lên án mông lung kiểu “những kẻ thả bom là hèn nhát” và rồi kêu gọi: “Những ai có ảnh hưởng hãy kết thúc chiến sự này”. Nếu ngẫm nghĩ kỹ lời ông Ban sẽ ngộ ra: Tương lai của Syria không thể chỉ dựa trên số phận của mỗi một người!
Thật vậy, cuộc xung đột Syria không chỉ là về sự tồn tại hay ra đi của ông tổng thống nước này, mà là sự tranh chấp vị trí địa chính trị then chốt trên Địa Trung Hải: một bên muốn tìm một lối ra nay đang ráng lần đầu tiên đưa tàu sân bay tới đây, một bên quyết chặn lại.
Quyền riêng che lợi chung
Sự bất lực của LHQ không dừng ở đó, ông Ban than tiếp: “Cuộc thử hạt nhân lần thứ năm của CHDCND Triều Tiên một lần nữa lại đe dọa an ninh khu vực và quốc tế. Trong khi đó, dân chúng đang khốn khổ và tình hình càng xấu hơn”.
Đúng là tình hình lương thực ở Triều Tiên đang khó khăn hơn sau nạn lụt trong hai tỉnh Hamgyong và Ryanggang vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 từ cơn bão Lionrock, khiến Chương trình Lương thực thế giới phải khẩn cấp cứu trợ.
LHQ có thể làm gì hơn để cho bán đảo Triều Tiên bớt căng thẳng, khi mà ngày nay đang có ngộ nhận về quan hệ nhân - quả ở đấy? Bình Nhưỡng từ năm 2006 đến nay đã năm lần thử hạt nhân, buộc thiên hạ tăng cường phòng thủ chống tai họa “từ trên trời rơi xuống” với hệ thống chống tên lửa tầm cao giai đoạn cuối nay bắt buộc phải triển khai, hay là do bị ai đe dọa hằng ngày mà phải lao vào sản xuất bom hạt nhân suốt 10 năm qua dù bị cấm?
Điều mà Thủ tướng Nhật Shinzo Abe kêu gọi trong diễn văn của mình phải chăng cũng sẽ lại là vô vọng: “...Triều Tiên đã phóng 21 tên lửa đạn đạo và tiến hành thử hạt nhân hai lần chỉ trong năm nay... Không còn cách gì khác ngoài việc nói rằng mối đe dọa này đã lên đến một chiều hoàn toàn khác hẳn so với trước giờ... Chúng ta phải đáp ứng một cách hoàn toàn khác...”.
Có một cách nào hoàn toàn khác ngoài việc cả 5 nước có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an LHQ cùng dứt khoát trước Bình Nhưỡng, thay vì làm ngơ hoặc nhẹ tay vì những lợi ích của riêng mình?
Cũng thế, kêu gọi của Tổng thống Mỹ Barack Obama là: “Trên Biển Đông, một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp đến từ luật pháp sẽ ổn định nhiều hơn là việc quân sự hóa vài bãi đá”.
Do những lợi ích riêng rẽ đối nghịch cùng những mục tiêu “xưng hùng xưng bá” mới, mà LHQ ngày càng là một tòa tháp cao ngút trời nhưng chẳng ai nói ai nghe.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận