Tổ chức lễ kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ cấp quốc giaNhiều hoạt động mừng 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Trưng bày tranh cổ động thời kỳ chống Pháp
Những chiếc ôtô to nhỏ đủ loại, chật kín những người lính già nghiêm trang trong quân phục, huân - huy chương trên ngực, và trước mỗi chiếc ôtô đều có thêm một dòng chữ “Đoàn cựu chiến binh thôn... xã... huyện... về với Điện Biên”, có xe để khẩu hiệu hào sảng hơn: “Tinh thần Điện Biên muôn năm”, “Hoan hô Điện Biên...”.
Đó đâu chỉ là cuộc trở về thăm lại chiến trường xưa, từ những chuyến xe vun vút trên đường, từ gương mặt chiến chinh hằn dấu chúng tôi gặp, từ tấm huân chương đổi bằng máu xương qua nhiều mùa chiến dịch, dường như những người lính già muốn truyền lại cho lớp trẻ hôm nay lòng tin và sức mạnh cha ông bởi từ Điện Biên, thế hệ những người lính Việt đã đi qua những tháng năm khốc liệt máu xương để Tổ quốc được vẹn toàn thống nhất. Và cũng chính những người lính ấy hiểu rằng “đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên”, chưa bình yên ngay trong những ngày tháng 5 lịch sử này, chủ quyền Tổ quốc trên biển Đông đang bị thách thức.
Vinh quang của chiến thắng Điện Biên 60 năm trước khiến “rung chuyển năm châu chấn động địa cầu” là vì: một đội quân xuất thân nông dân áo vải, một đội quân mà khởi thủy chỉ 44 người trong cánh rừng già Cao Bằng xa hút, một đội quân ăn chưa đủ no, áo chưa đủ ấm, quen cuốc cày hơn súng đạn, đội quân với những người lính chỉ vì tiếc một khẩu pháo mà sẵn sàng hi sinh tính mạng để chèn bánh xe, để đồng đội xông lên, sẵn sàng lấy thân mình che lỗ châu mai của địch đang nhả đạn. Đối thủ của họ là đội quân thiện chiến bậc nhất thế giới, vũ khí hiện đại gấp hàng trăm lần, đủ cả máy bay, xe tăng, đại pháo, vậy mà đội quân ấy phải thua trận trước những người lính nông dân vốn thuần hậu chất phác. Vì sao? Trả lời câu hỏi đó chính là lời đáp của sức mạnh Việt Nam.
Dân gian đã có câu ca dao: “Nực cười châu chấu đá xe. Tưởng rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng”. Ai là xe, ai là châu chấu trong câu ca dao trên hẳn khỏi giải thích, nhưng điều ta băn khoăn là từ đâu chúng ta đủ sức mạnh để chiến thắng?
Đội quân làm nên chiến thắng ấy chính là những người dân, mà chỉ một năm trước khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, họ còn là những người dân của một nước nô lệ. Và trong niềm hân hoan làm công dân của một quốc gia độc lập sau ngày 2-9-1945, hơn ai hết, người dân biết phải làm gì để bảo vệ nền độc lập ấy. Và cứ thế dài theo chín năm kháng chiến, họ đã phất cao lá cờ trên nóc hầm của tướng De Castries trong chiều 7-5-1954.
Từ chỗ thoát thân phận nô lệ, người nông dân mặc áo lính ra trận, chiến đấu mà không hề sợ hãi kẻ thù súng to tàu lớn, vũ khí hiện đại gấp mình cả trăm lần. Ngoan cường chiến đấu và chiến thắng.
Lịch sử nước ta cũng từng ghi dấu hội nghị Diên Hồng, trước thế giặc mạnh, các bô lão đã hô với vua Trần: Thề quyết chiến! Quyết chiến, dù hi sinh, nhưng người dân sẽ không bao giờ cam phận nô lệ.
Hôm nay, trong đoàn quân cựu chiến binh trùng điệp về với Điện Biên, tôi nhận ra hình ảnh những bô lão Diên Hồng cũng về nhắc với cháu con lời thề giữ nước. Dù thế giặc có mạnh bao nhiêu đi nữa, nhưng “trên dưới đồng lòng, vua tôi hòa mục”, đất Việt sẽ mãi mãi vững bền.
Và hẳn bất cứ những kẻ thù nào rắp ranh đe dọa chủ quyền nước Việt, hãy nhìn vào những người lính Điện Biên đang về giữa cánh đồng Mường Thanh, bên xác xe tăng, đại bác quân thù thất trận 60 năm trước. Như nghe lời thề “Sát Thát” thuở Diên Hồng qua gần ngàn năm vang vọng đến Điện Biên. Từ Điện Biên, 60 năm qua, cho đến hôm nay và sẽ còn vang vọng đến muôn đời: Không kẻ thù nào khuất phục được lòng yêu nước của người dân nước Việt! Tinh thần Điện Biên, trong những ngày này khẳng định chân lý đó!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận