Tàu mắc cạn ở Ý, 8 người chếtChùm ảnh tàu Costa Concordia gặp nạn
Phóng to |
Vụ lật tàu Costa Concordia là lời cảnh tỉnh cho các “thành phố nổi” khác - Ảnh: AFP |
Theo Reuters, ít nhất ba người thiệt mạng (gồm hai du khách Pháp, một thuyền viên người Peru) và 70 người bị thương khi chiếc du thuyền sang trọng Costa Concordia đâm vào bãi đá ngầm và lật nghiêng ở bờ biển phía tây nước Ý đêm 13-1. Hôm qua 15-1, các nhân viên cứu hộ đã tìm thấy một cặp đôi người Hàn Quốc sống sót bị mắc kẹt bên trong con tàu bị nạn.
Tuy nhiên, nhà chức trách lo ngại số người thiệt mạng có thể tăng lên khi vẫn còn 40 người mất tích. Khi xảy ra tai nạn, có tất cả 3.206 hành khách và 1.023 thành viên thủy thủ đoàn trên tàu. AFP cho biết thuyền trưởng của con tàu 114.500 tấn đã bị tạm giam và bị cáo buộc ngộ sát hàng loạt, gây chìm tàu và bỏ tàu.
Đêm kinh hoàng
Tối 13-1, chỉ vài giờ sau khi tàu rời cảng Civitavecchia, gần Rome. “Chúng tôi nghe một tiếng động lớn, rồi chén đĩa rơi hết xuống sàn. Con tàu bị nghiêng và điện bị cắt” - Reuters dẫn lời hành khách Luciano Castro. Mọi người hoảng loạn, la hét và bỏ chạy. Phải đến 20 phút sau mới có thuyền viên thông báo tàu bị sự cố điện và nói họ đang cố gắng sửa. “Con tàu nghiêng nhiều hơn và sau 15 phút họ nhắc lại là có sự cố về điện. Nhưng không ai còn tin nữa” - ông Castro nói.
“Bạn đã thấy con tàu Titanic bị đắm như thế nào chưa? Mọi thứ đã xảy ra hệt như vậy” - Valerie Anansia, một giáo viên người Mỹ, kể. Mọi người mò mẫm, bò trườn trong bóng tối trên hành lang gần như đã bị lật ngang của con tàu. Những hành khách khác sợ hãi nhảy khỏi tàu, những người khác thì đánh nhau để giành áo phao.
Một số nhân chứng còn kể rằng các thuyền viên, hầu hết là người châu Á và chỉ có một số ít nói được tiếng Ý, đã phải chật vật khi thông báo lệnh sơ tán. Hành khách hầu như không nắm được thông tin. Một số hành khách mô tả nỗ lực sơ tán là hết sức chậm chạp và vô tổ chức. Nhà báo Ý Mara Parmegiani Alfonsi, khi đó có mặt trên tàu, kể có vẻ như các nhân viên không được huấn luyện cho tình trạng khẩn cấp.
Đại sứ và quan chức ngoại giao các nước có người bị nạn phàn nàn nhà chức trách chậm cung cấp thông tin về công dân nước họ cũng như cứu hộ chậm trễ. “Tôi đã nghĩ mình chắc chết rồi. Chúng tôi ở trên thuyền cứu sinh hai tiếng đồng hồ, khóc lóc và ôm nhau chờ đợi - một phụ nữ 65 tuổi kể lại trong nước mắt - Mọi người tìm cách cướp áo phao của nhau. Chúng tôi chỉ giữ lại được áo phao cho mấy đứa nhỏ”.
Theo báo Guardian, thuyền trưởng Francesco Schettino đã bị tạm giam. Ông Schettino nói rằng tàu đã bị đâm vào bãi đá và bãi đá này không hề có trong bất cứ hải đồ nào. Công ty chủ quản Costa Cruise biện hộ rằng thuyền trưởng đã làm mọi cách để cứu hành khách và thủy thủ đoàn nhưng tình huống quá phức tạp khi tàu nghiêng bất ngờ.
Lời cảnh tỉnh
Các công tố viên Ý cho biết thuyền trưởng Schettino đã tiếp cận đảo Giglio một cách lúng túng khiến tàu bị va phải đá ngầm và bị nghiêng. Các cư dân trên đảo thì nói con tàu đã đi vào quá gần đảo và mỏm đá ngầm mà con tàu va phải rất quen thuộc với người dân ở đây. Nhà chức trách lo ngại nhiên liệu trên tàu có thể tràn ra biển.
Tàu Costa Concordia, trị giá 450 triệu euro, từng có tiền sử về tai nạn khi đâm vào thành cảng Palermo năm 2008. Giới chuyên gia hàng hải cho biết cũng như tất cả các phương tiện giao thông hiện đại cỡ lớn, du thuyền Costa Concordia phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống điện tử phức tạp. Và nếu không có điện, tàu sẽ gặp trục trặc ngay.
CNN cho biết theo các phỏng đoán ban đầu, có thể một vụ nổ nhỏ đã xảy ra tại phòng điện của tàu không lâu trước khi nó va vào đá ngầm. Các máy phát điện cung cấp cho sáu động cơ của tàu bị trục trặc. Hệ thống cấp điện dự phòng cũng không thể khởi động ngay mà cần có thời gian. Do đó tàu bị mất lái. Hồi tháng 9-2010, tàu Queen Mary 2 cũng đã gặp sự cố tương tự khi chuẩn bị vào cảng Barcelona (Tây Ban Nha).
Các chuyên gia hàng hải cho rằng tai nạn của cả hai con tàu trên là một lời cảnh tỉnh cho ngành công nghiệp đóng tàu. Trong những năm qua, tốc độ phát triển về kích cỡ các du thuyền tăng chóng mặt. Trọng tải trung bình của các du thuyền đã tăng gấp đôi trong một thập kỷ qua. Nhiều du thuyền giờ đây như một thị trấn nhỏ trên biển. Điều đó làm dấy lên các mối lo ngại về việc sơ tán và cứu hộ khi có tai nạn. Giới chuyên gia cho rằng các hãng tàu cần chú trọng hơn đến các thiết bị cứu sinh và nâng cao chất lượng thủy thủ đoàn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận