29/06/2013 07:06 GMT+7

Loay hoay phát triển điện ảnh

CÁT KHUÊ
CÁT KHUÊ

TT - Ngày 28-6, sau hội thảo về góp ý cho dự thảo chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020 diễn ra ở Hà Nội ba ngày trước (Tuổi Trẻ ngày 26-6), dự thảo chiến lược lại tiếp tục được tranh cãi ở phía Nam.

Điện ảnh VN vào hàng đầu Đông Nam Á là điều viển vông

Hội thảo dự tính sẽ diễn ra một ngày nhưng ngay từ đầu, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên đã “động viên” các đại biểu làm sao để hội thảo chỉ diễn ra trong buổi sáng cho nhanh gọn. Dễ dàng nhận thấy sự thờ ơ của các nhà làm phim phía Nam với dự thảo chiến lược tưởng như rất quan trọng (theo những gì đã được đưa ra) này vì ngoài một số gương mặt hiếm hoi quen thuộc như đạo diễn Ðào Bá Sơn, Lê Hoàng, NSND Huy Thành thì vì rất nhiều lý do, các đạo diễn, các nhà làm phim đang “chiến đấu” để giữ cho thị trường điện ảnh Việt tồn tại... như Nguyễn Quang Dũng, Vũ Ngọc Ðãng, Victor Vũ, Charlie Nguyễn... đã không đến dự.

Rắc rối phim nhựa hay kỹ thuật số

Với cái tên “Dự thảo đề án Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” kèm theo bản “Dự thảo đề cương chi tiết quy hoạch tổng thể phát triển điện ảnh VN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” nhưng nói như NSND Huy Thành: công phu mà chưa có gì đột phá!

"Nếu Cục Điện ảnh vẫn không có phòng chiếu kỹ thuật số duyệt phim thì bắt đầu từ tháng 1-2014 có thể sẽ có rất nhiều phim không được phát hành ở VN vì không có định dạng nhựa hoặc DVD để duyệt"

Ông Trịnh Thành Thịnh (giám đốc phát hành của Megastar)

Trong lời dẫn cho hội thảo, bà Ngô Phương Lan - cục trưởng Cục Ðiện ảnh - cho biết ý tưởng phải quy hoạch ngành điện ảnh thực chất đã bắt đầu từ năm... 1993, bản dự thảo đầu tiên ra đời năm 1995 nhưng chưa thành công. Năm 2011 phương án quy hoạch lần thứ hai được trình cũng chưa được chấp nhận và Cục Ðiện ảnh đã khởi động lại việc xây dựng dự thảo này từ quý 2-2012, với sự tư vấn của PGS Lương Hồng Quang - phó viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật VN, nay đã có dự thảo chi tiết hơn lấy ý kiến người trong ngành để hoàn thiện chính thức trình Chính phủ.

Những con số ấn tượng được dẫn ra như doanh số điện ảnh tăng: năm 2000 chỉ là 2 triệu USD thì năm 2012 đã là 47 triệu USD, chứng tỏ VN phát triển điện ảnh khá mạnh. Cả nước hiện có 97 cụm rạp với 246 phòng chiếu, trong đó Nhà nước quản lý 72 rạp với 104 phòng chiếu nhưng các rạp xuống cấp, hoạt động cầm chừng. Trong khi với 25 cụm rạp và 142 phòng chiếu (16 phòng chiếu phim nhựa 35mm và 126 phòng chiếu kỹ thuật số), đội ngũ tư nhân lại nắm phần lớn doanh thu phòng vé khi họ có trang thiết bị hiện đại, hoạt động hiệu quả. Bà Ngô Phương Lan nhấn mạnh về việc thay đổi định dạng phim chiếu rạp từ phim nhựa 35mm sang định dạng kỹ thuật số là nhu cầu bức thiết bằng cách kể một câu chuyện “thương đau” về việc VN mang phim sang Venice mới đây để chiếu trong tuần phim VN. Với một số phim Việt được sản xuất 7-8 năm nay, phía bạn đã không có máy chiếu phim nhựa để chiếu các phim này nên đề nghị ta phải chuyển qua kỹ thuật số hoặc DVD.

Tuy nhiên, khác với sự cảnh báo của người đứng đầu ngành điện ảnh, giám đốc phát hành của Megastar là ông Trịnh Thành Thịnh cho PV Tuổi Trẻ biết một thông tin cụ thể hơn: “Ðể có một bản phim ở định dạng internegative sẵn sàng cho việc in sang phim nhựa hết khoảng 40.000 USD. Ðể in một bản phim nhựa, Megastar phải trả thêm khoảng 2.000 USD. Có nghĩa là chi phí để chuyển một bản phim số sang phim nhựa sẽ mất khoảng 42.000 USD. Nhưng cái chính vẫn chưa phải nằm ở chi phí mà vấn đề là các nhà sản xuất phim Mỹ đến cuối năm nay sẽ chấm dứt việc sản xuất phim nhựa. Vậy sẽ phải làm sao khi Cục Ðiện ảnh chỉ duyệt bản nhựa hoặc DVD mà các studio lớn họ không cho phép chuyển kỹ thuật số sang DVD vì nhiều lý do, trong đó có lý do bản quyền. Và nếu Cục Ðiện ảnh vẫn không có phòng chiếu kỹ thuật số duyệt phim thì bắt đầu từ tháng 1-2014 có thể sẽ có rất nhiều phim không được phát hành ở VN vì không có định dạng nhựa hoặc DVD để duyệt”. Cũng theo ông Thịnh, trong gần hai năm qua, Megastar đã làm hai công văn gửi Cục Ðiện ảnh để đề xuất thay đổi định dạng chất liệu duyệt phim cho phù hợp với xu thế chung nhưng vẫn chưa có kết quả!

Đầu tư cho máy móc hay con người?

Khi nhận định vai trò đầu tư của Nhà nước với điện ảnh, đạo diễn Lê Hoàng cho rằng: “Máy móc trong điện ảnh lạc hậu rất nhanh, mà lại quá đắt tiền, với số lượng phim sản xuất hằng năm của chúng ta hiện tại chắc chắn là không sử dụng hết công suất. Thế nên đừng đầu tư vào máy móc kỹ thuật làm gì, cứ mang sang nước ngoài như mang sang Thái Lan mà làm vừa rẻ vừa tốt. Cái cần là đầu tư cho con người, đào tạo con người cho điện ảnh và phải đào tạo ở nước ngoài, việc này Nhà nước phải đầu tư vì thật sự kinh phí đào tạo một người làm phim ở nước ngoài là rất lớn!”.

Ðến từ Ðà Nẵng, đại diện Sở VH-TT&DL Ðà Nẵng cũng đã có những ý kiến rất ấn tượng. Ông đề nghị bỏ việc cấp phép quay phim tại địa phương vì cho rằng chúng ta đã có cơ chế hậu kiểm thì việc cấp phép quay phim không còn cần thiết nữa, hãy đơn giản hóa thủ tục cho người làm phim. Việc địa phương bán hết các thiết chế văn hóa, ví dụ như trước đây Ðà Nẵng có bảy cụm rạp giờ đã bán hết chỉ còn một cụm rạp cũng được đại diện Sở VH-TT&DL nêu lên đầy chua xót. Và bằng kinh nghiệm quản lý thực tế của mình, ông kết luận: dân vận thì dễ nhưng quan vận thì cực khó nên dự thảo phải phân kỳ ngắn hạn như từ năm 2014-2016 chỉ tập trung làm sao để dự thảo trở thành luật và có các văn bản dưới luật thì những yếu tố quy hoạch khác mới có thể tuần tự giải quyết.

gepf8uSr.jpgPhóng to
Đạo diễn Lê Hoàng phát biểu tại hội thảo: “Cái cần là đầu tư cho con người” - Ảnh: T.T.D.

70% khán giả Việt không xem phim Việt

Con số thống kê từ Cục Điện ảnh cho thấy trong mấy năm gần đây tỉ lệ phim Việt so với phim nước ngoài là 13,38%. Tại hệ thống rạp Nhà nước quản lý, số buổi chiếu phim Việt chiếm 31,6%, số người xem phim Việt chiếm 40%. Nhưng tỉ lệ phim Việt ở hệ thống rạp do tư nhân quản lý chỉ chiếm 34%, và có đến 70% khán giả lựa chọn phim nước ngoài. Phân loại khán giả cũng cho thấy người trên 70 tuổi ở VN gần như không đến rạp và có 61% khán giả nam, con số khá áp đảo so với tỉ lệ 39% khán giả nữ!

CÁT KHUÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên