Đó là điều có thể thấy tại hội nghị tổng kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội 2016 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2017 do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) tổ chức chiều 10-1 ở Hà Nội.
Báo cáo tổng kết, bà Trịnh Thị Thủy, cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, nhắc lại nhiều mặt xấu xí của lễ hội tồn tại từ nhiều năm như: phục dựng hội chọi trâu tràn lan nhằm mục đích trục lợi; nhiều lễ hội còn xảy ra tình trạng bạo lực, chen lấn, tranh cướp lộc; vệ sinh môi trường trong lễ hội chưa đảm bảo...
Ông Phạm Xuân Phúc, phó chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL, cho hay có lễ khai hội rất nghiêm trang, bố trí hàng nghìn người bảo vệ, nhưng cứ khi khai hội xong là tranh nhau cướp lộc.
Trong khi đó ở phần nêu giải pháp, để hạn chế những hình ảnh xấu của hội cướp phết Hiền Quan, ông Nguyễn Đắc Thủy, phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Phú Thọ, cho rằng có thể lập hàng rào phân biệt người cướp phết và người đến xem.
Còn ông Nguyễn Thế Hùng, cục trưởng Cục Di sản văn hóa, đề xuất phải có lực lượng công an xử lý những hành vi bạo lực trong lễ hội.
Ngoài ra cần có lực lượng y tế túc trực để hỗ trợ. PGS.TS Lê Thị Minh Lý, Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa, lại cho rằng giải pháp lâu dài để lễ hội bớt xấu xí là dựa trên cơ sở đối thoại, chia sẻ giữa ba nhân tố cộng đồng, các nhà khoa học và cơ quan quản lý nhà nước.
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện trăn trở bởi kỳ họp nào Quốc hội cũng chất vấn về các tiêu cực của lễ hội.
Trong mùa lễ hội năm 2017, ông Thiện nêu giải pháp căn bản như tổ chức đối thoại với cộng đồng để dần loại bỏ những hình ảnh bạo lực, phản cảm.
Với câu chuyện quá tải ở đền Hùng vào ngày chính hội, ông Thiện đề xuất lập chốt chặn phân luồng từ xa, đồng thời tuyên truyền để người dân ý thức được giữa nhu cầu tâm linh và sự an toàn khi tham gia lễ hội. Theo ông Thiện, Cục Văn hóa cơ sở phải tính đến việc ban hành bộ quy tắc ứng xử trong lễ hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận