20/02/2012 07:50 GMT+7

Loay hoay bảo vệ voi, thủy tùng

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TT - Năm 2011 UBND tỉnh Đắk Lắk đã có quyết định phê duyệt dự án bảo tồn voi, kinh phí 61 tỉ đồng và dự án bảo tồn loài - sinh cảnh thông nước (thủy tùng), kinh phí hơn 50 tỉ đồng. Với các quyết định trên, mong muốn của tỉnh Đắk Lắk là cứu và phát triển những cá thể voi, thủy tùng cuối cùng của Tây nguyên.

xV8CbLTg.jpgPhóng to

Từ ngày người ta tin rằng đeo nhẫn có khảm lông đuôi voi sẽ may mắn, nhiều voi nhà đã bị trộm chặt đuôi! - Ảnh: TR.Tân

Đầu năm 2012, UBND tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu các đơn vị liên quan gấp rút triển khai nhanh các dự án về lâm nghiệp, trong đó có dự án bảo tồn voi và dự án bảo tồn loài - sinh cảnh thủy tùng Đắk Lắk. Thế nhưng trên thực tế hai dự án này vẫn nằm trên... giấy, chưa biết bao giờ công việc chính - bảo tồn voi và thủy tùng - mới được bắt đầu.

Nóng ruột

Loay hoay vì thủ tục rườm rà

“Việc chậm triển khai các dự án bảo tồn là một thiệt thòi lớn cho tỉnh bởi nhiều tổ chức trong và ngoài nước rất quan tâm đến công tác bảo tồn. Tuy nhiên họ phải thấy được tận mắt tính khả thi của công tác bảo tồn mới đầu tư khoa học kỹ thuật, trang thiết bị, nguồn vốn. Trong khi đó chúng ta vẫn cứ loay hoay mãi với công tác tổ chức bộ máy, các thủ tục hành chính rườm rà...” -

PGS.TS Bảo Huy (ĐH Tây nguyên)

Nhìn vào mục tiêu của hai dự án bảo tồn, người ta thấy được sự nóng ruột, quan tâm của tỉnh Đắk Lắk, của các bộ ngành trước nguy cơ tuyệt diệt của voi và thủy tùng. Ở dự án bảo tồn voi, khoảng 100 con voi hoang dã và 51 voi nhà sẽ được theo dõi, chăm sóc sinh sản. Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk dự kiến rộng hơn 200ha được tôn tạo tự nhiên để chăn thả voi, ươm trồng các loại cây voi thích ăn. Cán bộ thực hiện dự án sẽ được cử đi học tập kinh nghiệm nuôi dưỡng voi ở các nước Thái Lan, Ấn Độ, Sri Lanka... Còn dự án bảo tồn thủy tùng hướng đến sự phát triển bền vững, phục vụ nghiên cứu khoa học, đời sống của loài cây này tại ba địa điểm còn lại là Trấp K’Sơr (huyện Krông Năng - trên 20 cây), Ea Răl (huyện Ea H’Leo - trên 200 cây) và Cư Né (huyện Krông Búk - 5 cây)...

Hai dự án bảo tồn nói trên ra đời là bởi voi bị giết và thủy tùng bị đốn hạ ngày mỗi nhiều. Theo ông Phạm Quang Vinh, hạt trưởng Hạt kiểm lâm Ea H’Leo: “Trong ba năm 2009-2011, Hạt kiểm lâm Ea H’Leo đã bắt giữ 18 vụ khai thác và vận chuyển gỗ thủy tùng với 6,3m3. Trong đó xử lý hình sự sáu vụ, 10 vụ xử phạt hành chính, hai vụ công an đang điều tra. Đó là chưa kể vô số vụ mà lực lượng chúng tôi không thể bắt hết”. Tại huyện Krông Năng trong ba năm cũng xảy ra hàng chục vụ khai thác và vận chuyển thủy tùng. Trong đó, ngày 31-5-2009, Hạt kiểm lâm Krông Năng đã bắt giữ 19 gốc và tám hộp gỗ thủy tùng, khối lượng lên đến 39,536m3.

Còn theo ông Đỗ Ngọc Dũng, trưởng phòng bảo tồn thiên nhiên, Chi cục kiểm lâm Đắk Lắk, từ năm 2010 đến nay, trước cơn sốt tiêu thụ lông đuôi voi (khảm vào nhẫn đeo tay), đã có hàng chục con voi nhà bị cắt đuôi, sát hại. Nhiều voi rừng cũng bị bắn, giết để lấy ngà, lấy lông đuôi rất thương tâm. Riêng trong năm 2011 có năm con voi hoang dã đã bị chết trong rừng vì tai nạn khi đi kiếm ăn, hai voi nhà bị giết.

Thiếu đủ thứ

Dù đã có quyết định thành lập của UBND tỉnh Đắk Lắk gần một năm nhưng đến nay ban quản lý khu bảo tồn loài - sinh cảnh thủy tùng vẫn chưa có giám đốc! Nguyên nhân là: “Chúng tôi đã cử một thạc sĩ ngành lâm nghiệp về làm giám đốc để thành lập ban quản lý nhằm thực hiện các bước tiếp theo nhưng Huyện ủy Krông Năng không đồng ý. Huyện muốn cử cán bộ kiểm lâm có nhiều đóng góp với lâm nghiệp địa phương chứ không muốn điều người khác về. Trong khi đó, cán bộ này sắp đến tuổi nghỉ hưu, lại không có chuyên môn về bảo tồn nên chúng tôi cũng không thể chấp thuận!”- ông Đỗ Ngọc Dũng nói.

Tương tự, để có đất thành lập trung tâm bảo tồn voi, UBND tỉnh Đắk Lắk có công văn xin chuyển 163ha đất tại vườn quốc gia Yók Đôn nhưng Bộ NN&PTNT không đồng ý. Lý do bộ đưa ra là “việc bảo tồn voi cũng như một số loài thú lớn như bò tót, bò rừng, hổ, mang lớn... cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của vườn quốc gia Yók Đôn. Do vậy, việc bảo tồn voi tại vườn quốc gia Yók Đôn và dự án bảo tồn voi tại Đắk Lắk giai đoạn 2010-2015 cần có sự phối hợp, lồng ghép, không chia cắt hệ sinh thái tự nhiên hoặc chuyển khu vực rừng tại tiểu khu 501 cho việc xây dựng trung tâm bảo tồn voi độc lập”.

Ông Huỳnh Trung Luân, giám đốc Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk, cho biết thêm: “Vì thiếu vốn nên đến nay văn phòng của trung tâm cũng đang phải thuê của nhà nghỉ Yók Đôn, biên chế mới có sáu người. Vốn để thực hiện dự án từ ba nguồn là tỉnh, trung ương và các tổ chức nước ngoài thì đến nay không biết đang nằm ở đâu! Sau trả lời của Bộ NN&PTNT, chúng tôi đã thống nhất điều chỉnh dự án để phù hợp với tình hình thực tế. Theo đó, diện tích xây dựng trung tâm bảo tồn voi và đất để chăn thả voi sẽ khoảng 200ha thuộc rừng phòng hộ Buôn Đôn. Ngoài ra chúng tôi cũng sẽ xây dựng một trạm bảo tồn voi tại huyện Lắk (nơi có số lượng voi nhà khá lớn) và trụ sở chính đóng tại Buôn Ma Thuột để tiện trong công tác liên lạc, kêu gọi đầu tư, tham mưu với Sở NN&PTNT...”.

TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên