Thị trường bất động sản vừa qua ghi nhận nhiều thương vụ chuyển nhượng cổ phần, dự án bất động sản.
Taseco Land sang tay dự án tại Tây Hồ Tây
Cụ thể, báo cáo tài chính quý 3-2023 Công ty CP Đầu tư bất động sản Taseco (Taseco Land) ghi nhận hơn 709 tỉ đồng khoản nhận góp vốn dự án, đặt cọc mua cổ phần, tăng gần 202 tỉ đồng so với đầu kỳ.
Báo cáo thuyết minh, số dư trên gồm 507 tỉ đồng khoản tiền đặt cọc chuyển nhượng một phần dự án Starlake, thông qua việc chuyển nhượng 100% cổ phần một công ty mục tiêu.
Thời điểm cuối năm 2022, Taseco Invest và Công ty TNHH Westlake Point Pte Ltd., đã ký kết hợp đồng khung và hợp đồng đặt cọc việc chuyển nhượng này.
Gần 202 tỉ đồng tăng thêm gần đây theo thuyết minh là khoản cọc Taseco Land nhận được sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng 100% cổ phần Công ty TAH.
Cụ thể, ngày 28-4-2023, Taseco Land cùng các cổ đông của TAH đã ký hợp đồng chuyển nhượng có điều kiện với Vietnam Investment R Limited cùng các bên được chỉ định về việc chuyển nhượng cổ phần này.
TAH - công ty con của Taseco Land vốn là chủ đầu tư một dự án tổ hợp trung tâm thương mại kết hợp văn phòng trong khu đô thị Tây Hồ Tây.
Như vậy, cả hai dự án phía Tây Hồ Tây được Taseco Land mua lại đều chuyển nhượng cho đối tác.
Trong đó, dự án thành phần Starlake được Taseco Land mua lại chính thức từ Công ty TNHH Phát triển THT cuối năm 2021.
Dự án thành phần nêu trên có tên thương mại Landmark 55. Trên website, Taseco Land giới thiệu Landmark 55 gồm tháp khách sạn 55 tầng và tháp văn phòng 37 tầng, tổng mức đầu tư 4.810 tỉ đồng.
Về Taseco Land, đây là công ty thành viên Tập đoàn Taseco. Doanh nghiệp này được chấp thuận đăng ký trở thành công ty đại chúng từ ngày 20-9-2023 với vốn điều lệ 2.700 tỉ đồng, ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản.
Theo báo cáo tài chính quý 3-2023, doanh thu Taseco Land đạt 687 tỉ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ. Trong kỳ, giá vốn hàng bán, chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng mạnh. Kết quả, lợi nhuận sau thuế đạt gần 27 tỉ đồng, giảm 46%.
Doanh nghiệp rút khỏi dự án nghỉ dưỡng
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3-2023 của Bất động sản du lịch Ninh Vân Bay (NVT) cũng tiết lộ công ty rút hết toàn bộ vốn góp vào Công ty CP Du lịch Tân Phú sau hơn 10 năm đầu tư.
Ở thời điểm cuối năm 2022, báo cái tài chính NVT vẫn còn thể hiện đã góp 4,58% vốn, tương đương 18,36 tỉ đồng. Việc thoái vốn được NVT thực hiện nhiều lần, bắt đầu từ cách đây mấy năm.
Du lịch Tân Phú vốn là chủ đầu tư Emeralda Ninh Bình - dự án từng mang nhiều kỳ vọng với NVT. Sau khi "buông" dự án này, đến nay dự án trọng tâm nhất của NVT vẫn là Six Senses Ninh Vân Bay tại Khánh Hòa.
Theo báo cáo tài chính quý 3-2023, doanh thu 9 tháng đầu năm nay của NVT đạt 290 tỉ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế trong kỳ đạt 32 tỉ đồng, tăng 54%.
Một doanh nghiệp khác mới rút chân khỏi dự án nghỉ dưỡng là Công ty CP Bất động sản F.I.T (FIT Land). FIT Land đã chuyển nhượng toàn bộ 22 triệu cổ phần nắm giữ tại Cap Padaran Mũi Dinh.
Tại văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán, F.I.T cho biết tại ngày 30-9-2023, Cap Padaran Mũi Dinh không còn là công ty liên kết với FIT Land. Sự kiện này đã ảnh hưởng đến báo cáo tài chính quý 3-2023 của FIT Land với khoản lỗ gần 178 tỉ đồng.
Đại diện Tập đoàn F.I.T từng cho biết rút khỏi Cap Paradan Mũi Dinh là một quyết định kịp thời. Tác động của suy thoái kinh tế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các đại dự án nghỉ dưỡng.
Vì vậy việc tiếp tục theo đuổi dự án có thể sẽ trở thành nguyên nhân gây lãng phí thời gian, tiền bạc, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến các nguồn lực khác.
Hôm 3-11 vừa qua, Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) cũng đã công bố quyết định HĐQT về việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển Khu công nghiệp Phát Đạt (PDI).
Cụ thể, PDR thông qua chuyển nhượng toàn bộ 99,8 triệu cổ phần (998 tỉ đồng), chiếm 99,8% vốn điều lệ của PDI cho Công ty TNHH Phát Đạt Holdings với giá chuyển nhượng không thấp hơn 130% mệnh giá. Người đại diện pháp luật Phát Đạt Holdings chính là ông Nguyễn Văn Đạt - chủ tịch HĐQT của PDR.
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, bất động sản nhà ở và bất động sản công nghiệp vẫn là hai phân khúc thu hút nhiều sự quan tâm và tìm kiếm của các nhà đầu tư.
Nhiều nhà đầu tư ngoại đã bắt đầu chuyển vốn vào các dự án bất động sản tại Việt Nam theo hình thức mua lại cổ phần.
Tuy nhiên, vướng mắc về pháp lý là rào cản khiến các thương vụ bị "kìm chân", khiến nhà đầu tư ngoại không có nhiều cơ hội chọn lựa, làm hoạt động M&A phát triển không tương xứng với tiềm năng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận