24/12/2020 14:17 GMT+7

Lo ngại thiếu bãi đậu xe cho 'siêu' phố đi bộ ở trung tâm TP.HCM

THU DUNG - ĐỨC PHÚ
THU DUNG - ĐỨC PHÚ

TTO - Sáng 24-12, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự thảo đề án 'Tổ chức các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm TP', nhiều chuyên gia, lãnh đạo quận huyện góp ý cho kế hoạch bố trí 'siêu' phố đi bộ này.

Lo ngại thiếu bãi đậu xe cho siêu phố đi bộ ở trung tâm TP.HCM - Ảnh 1.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM tổ chức hội nghị lấy ý kiến việc tổ chức "siêu" phố đi bộ khu trung tâm TP - Ảnh: ĐỨC PHÚ

PGS.TS Vũ Anh Tuấn - chủ nhiệm nhóm nghiên cứu đề án thuộc Công ty TNHH Tư vấn GTVT và đô thị - TUC - cho biết đề án này thực hiện nghiên cứu phố đi bộ trên một số tuyến đường khu trung tâm TP giai đoạn 2021 - 2025 theo đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỉ lệ 1/2000 khu trung tâm hiện hữu (930ha).

Theo ông Tuấn, việc tổ chức phố đi bộ trong khu trung tâm TP là rất cần thiết, giúp giải quyết ùn tắc, ô nhiễm tiếng ồn, tạo mỹ quan đô thị, phục vụ kinh tế - du lịch...

Sau nghiên cứu, nhóm thực hiện đề án đưa ba phương án tổ chức phố đi bộ. Trong đó phương án 2 - tổ chức phố đi bộ ở 5 tuyến đường: Đồng Khởi, Lê Lợi, Hàm Nghi, Thái Văn Lung và Thi Sách nhận được nhiều sự ủng hộ nhất. 

Đây là khu vực có mạng lưới giao thông bố trí theo kiểu hình vuông đặc trưng, các mô hình kinh doanh chủ yếu là hỗn hợp bán lẻ, cửa hàng, quán cà phê, nhà hàng, chợ truyền thống và hiện đại.

Lo ngại thiếu bãi đậu xe cho siêu phố đi bộ ở trung tâm TP.HCM - Ảnh 2.

PGS.TS Vũ Anh Tuấn trình bày đề án về "siêu" phố đi bộ mới - Ảnh: ĐỨC PHÚ

Phố đi bộ mới khi hoàn tất sẽ kết nối vào hai phố đi bộ hiện hữu (Nguyễn Huệ, Bùi Viện) hình thành một mạng lưới đi bộ ngay trung tâm TP.HCM. 

Mạng lưới này chia thành 7 tiểu khu rõ rệt phù hợp đặc trưng từng tuyến đường như mua sắm, lịch sử văn hóa, ẩm thực... Cùng với đó, tổ chức giao thông cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp. 

Cụ thể, khi đó diện tích mặt đường, vỉa hè thừa ra tổ chức 1.800 chỗ cho xe máy, 1.200 chỗ đậu ôtô, đáp ứng 70% nhu cầu đậu xe máy, 50% nhu cầu đậu ôtô. 

Tổng kinh phí thực hiện đề án đến năm 2025 là hơn 74 tỉ đồng với 3 giai đoạn thực hiện. 

Kỹ sư cao cấp Hà Ngọc Trường - phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP - đồng tình tổ chức các tuyến phố đi bộ. Việc này gắn với giảm xe cá nhân nhưng theo ông Trường cần tăng phương tiện công cộng văn minh. 

Mặt khác, khu vực các tuyến Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi có hệ thống không gian ngầm, đơn vị nghiên cứu bổ sung kế hoạch kết nối giữa phố đi bộ và không gian ngầm trong tương lai, đồng thời rút kinh nghiệm từ việc tổ chức phố đi bộ ở đường Nguyễn Huệ, Bùi Viện, đặc biệt cần lấy ý kiến người dân sống trong khu vực, trong vùng liên quan. 

Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Khánh Hưng - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - tiếp thu các nội dung góp ý của chuyên gia, lãnh đạo quận, huyện để hoàn chỉnh đề án trình các cơ quan liên quan. 

Đề xuất phố đi bộ Hồ Con Rùa là cung đường nghệ thuật Đề xuất phố đi bộ Hồ Con Rùa là cung đường nghệ thuật

TTO - Sáng 22-12, UBND quận 3 tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề "Quận 3 - Tiềm năng phát triển đô thị" nhằm tập hợp những ý kiến tâm quyết của các nhà khoa học, chuyên gia về vấn đề chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn.

THU DUNG - ĐỨC PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên