Thu hồi chì từ bình ăcquy cũ ở làng nghề Đông Mai, huyện Văn Lâm (Hưng Yên), nơi có hàng trăm trẻ em bị nhiễm chì - Ảnh: LAN ANH |
Ông Doãn Ngọc Hải, viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), cho biết trong vài thập niên gần đây đã có nhiều công trình nghiên cứu dịch tễ học, cho thấy các yếu tố môi trường đóng vai trò quan trọng làm phát sinh bệnh ung thư.
Đã cảnh báo độc hại nhưng không khắc phục
Ông Doãn Ngọc Hải kể: “Gần đây quay lại làng Thống Nhất, xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) để lấy mẫu nước khảo sát, chúng tôi thấy sau một năm kể từ lần lấy mẫu trước nhưng nước bề mặt ở đây vẫn đen sì và không khí đầy bụi. Một năm qua chưa có gì thay đổi trong khi giới chuyên môn đã cảnh báo người dân sống trong điều kiện như vậy rất dễ phát sinh bệnh tật”.
Theo ông Hải, khảo sát gần đây của Bộ Y tế tại 7 làng nghề phía Bắc cho thấy một số hộ gia đình sử dụng nước ăn uống có chỉ số lý hóa (sắt tổng số, clorua, mangan, một số ít có arsen hoặc crôm tổng số) và vi sinh (E.coli, Coliform) không đạt tiêu chuẩn cho phép.
“Nếu sử dụng nguồn nước nhiễm arsen hay nitrit vượt quá tiêu chuẩn cho phép về lâu dài có thể gây ung thư. Hay sử dụng nước bề mặt của ao, sông, hồ, nhất là khu vực bị nhiễm kim loại nặng thì nguy cơ rau tưới bằng nước đó và sinh vật sống trong vùng cũng nhiễm kim loại. Người dân sử dụng các thực phẩm này lâu dài sẽ bị tích tụ kim loại nặng trong cơ thể và dẫn đến các bệnh như suy giảm trí nhớ, thiếu máu, suy nhược, phù thũng hoặc ung thư” - ông Hải cho biết.
Một khảo sát mới đây của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường trên 300 trẻ em ở làng Đông Mai, huyện Văn Lâm (Hưng Yên) cho thấy có 65 bé bị nhiễm chì. Trong đó, bé nhiễm chì mức cao nhất là 65 mcg/dcl.
Ông Phạm Duệ, chuyên gia về chống độc, cho biết ông từng đến nhà cháu bé này khảo sát và xác định có thể bé nhiễm chì từ quần áo bố mẹ mặc làm việc tại cơ sở tái chế chì về nhà, từ đó thải chì ra các dụng cụ gia đình, nguồn nước... Khi trẻ nhiễm chì, điều nguy hiểm nhất là ảnh hưởng đến phát triển trí tuệ về sau này.
Dân cần trạm cấp nước sạch
Theo ông Hải, sau một năm quay lại làng Thống Nhất, xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa (Hà Nội), một trong số làng nghề có vấn đề về môi trường, ông thấy nước bề mặt và không khí vẫn rất bẩn. Với chất lượng nước và môi trường như vậy, rau quả trồng tại địa phương có thể bị ô nhiễm kim loại nặng, người sống trong môi trường ấy có nguy cơ bệnh bụi phổi, bệnh về đường tiêu hóa...
Cũng theo ông Hải, tại các làng nghề, người dân chủ yếu dùng bể lọc, chưa có trạm cấp nước máy tập trung. Nhưng qua khảo sát cho thấy bể lọc nước chưa tốt.
Ông Hải đề nghị các địa phương nên sớm có trạm cấp nước tập trung cho làng nghề, hoặc hướng dẫn để người dân xây bể lọc đảm bảo hiệu quả lọc nước.
Hiện nay Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường vẫn đang khảo sát tiếp các làng nghề và chuyển các tờ rơi để người dân có thể nhận biết nguồn nước nào là nước sạch, thế nào là nước đã bị nhiễm bẩn, các biện pháp bảo vệ và vệ sinh nguồn nước.
Đồng thời đưa ra các giải pháp phù hợp cải thiện chất lượng nước tại chỗ như hướng dẫn người dân xây dựng, cải tạo bể lọc nước hộ gia đình đối với các khu vực đã bị nhiễm sắt, mangan, arsen.
“Tuy nhiên, điều cần thiết hơn cả là người dân và chính quyền ở các khu vực làng nghề cần xử lý sớm về môi trường và chuyển các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư” - ông Hải khuyến cáo.
Tiếp xúc kim loại nặng hằng ngày Theo một thống kê năm 2015 của Bộ Y tế, cả nước có tới 1.700 làng nghề. Trong đó có 85 làng nghề tái chế kim loại, người lao động và người dân trong làng tiếp xúc với bụi kim loại nặng gồm thủy ngân, chì, thiếc... hằng ngày. 7 làng nghề mà Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường đã khảo sát nói trên gồm: làng Thống Nhất, xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa (Hà Nội); thôn Lũng Vị, xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ (Hà Nội); làng Yên Lão, xã Hoàng Tây, huyện Kim Bảng (Hà Nam); làng Cờ Đỏ, xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu (Nghệ An); thôn Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong (Bắc Ninh); làng An Lộc, xã An Lộc, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh); làng Thổ Vị, xã Tế Thắng, huyện Nông Cống (Thanh Hóa). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận